Tài chính

Lợi kép khi tỷ giá hạ nhiệt


Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên 29/8 ở mức 24.866 đồng/USD giảm nhẹ 4 đồng so với phiên 28/8. Trong khi, giá USD ở các NHTM trong sáng ngày 29/8 tăng nhẹ, nhưng giá mua vào vẫn dưới mốc 25.000 đồng/USD. Cụ thể, tại Vietcombank, giá mua vào ở mức 24.700 đồng/USD và bán ra 25.070 đồng/USD. Nếu tính từ cuối tháng 7 đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã giảm khoảng 400 đồng/USD. Giá USD cũng đang ở mức thấp nhất từ đầu tháng 4 trở lại đây.

Chỉ số DXY hôm 29/8 tiếp tục giảm so với phiên trước, giao dịch ở mức 100,91 điểm. So với phiên cuối tuần trước chỉ số này giảm 0,59%. Chỉ số DXY giảm mạnh trong tháng 7 và đầu tháng 8, bởi dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ yếu hơn dự kiến, đã làm dấy lên kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9 tới. Phát biểu tại Hội nghị thường niên các nhà ngân hàng trung ương tại Jackson Hole, Wyoming cuối tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cho biết, việc cắt giảm lãi suất sắp xảy ra.

Lý giải diễn biến trên thị trường ngoại tệ trong thời gian qua, TS. Châu Đình Linh - Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, có cả yếu tố bên trong và bên ngoài tác động lên tỷ giá. Về tác động bên ngoài, đó là sự suy giảm của đồng USD trước kỳ vọng Fed giảm lãi suất lần đầu vào tháng 9/2024. Về tác động trong nước, tăng trưởng kinh tế ổn định, thặng dư thương mại lớn và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kỷ lục hỗ trợ niềm tin cho thị trường. Cụ thể, thặng dư thương mại 7 tháng đầu năm đạt hơn 14 tỷ USD, trong khi đó giải ngân vốn FDI đạt hơn 12,5 tỷ USD - mức cao nhất từ trước tới nay; chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước giảm, góp phần giảm bớt các áp lực đầu cơ lên tỷ giá.

Lợi kép khi tỷ giá hạ nhiệt- Ảnh 1.

Nguồn cung ngoại tệ dồi dào hỗ trợ ổn định tỷ giá

Một trong những yếu tố quan trọng giúp tỷ giá hạ nhiệt trong thời gian qua đó là điều hành chính sách tỷ giá chủ động, linh hoạt của NHNN. TS. Châu Đình Linh đánh giá, tuy chịu sức ép lớn trên thị trường tài chính, nhưng nhờ có sẵn kịch bản ứng phó, nên NHNN khá bình tĩnh điều hành chính sách tỷ giá, điều phối nhịp nhàng, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định tỷ giá như: điều chỉnh tỷ giá trung tâm, nới biên độ, tăng cường thanh khoản VND thông qua điều tiết thị trường liên ngân hàng, bán USD ra thị trường... "Nhờ những động thái điều chỉnh chính sách linh hoạt nhưng không kém phần quyết liệt của NHNN đã mang lại kết quả tích cực đối với tỷ giá. Nhất là thông điệp rất rành mạch, minh bạch sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp đã giúp thị trường yên tâm, tin tưởng điều hành của NHNN, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Qua đó, cho thấy NHNN đang ngày càng bản lĩnh hơn trước cú sốc", TS. Linh nhận định.

Ở góc độ doanh nghiệp, lãnh đạo một công ty chuyên nhập khẩu nông sản đánh giá, công tác điều hành chính sách tiền tệ, nhất là tỷ giá trong thời gian qua rất tốt, với thông điệp chính sách kịp thời giúp các doanh nghiệp yên tâm trong việc hoạch định kinh doanh.

Đại diện công ty chuyên sản xuất linh kiện cho biết, doanh nghiệp này rất phấn khởi vì tỷ giá hạ nhiệt trong thời gian qua. Hiện công ty này đang cung ứng hơn 500 sản phẩm cho các hãng sản xuất ô tô, xe máy trong và ngoài nước. Mỗi tháng chi gần chục tỷ đồng mua ngoại tệ nhập khẩu hàng. Tỷ giá giảm giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm cả trăm triệu đồng. Qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi.

Theo chuyên gia của Maybank, các nhóm nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào như thép, xăng dầu, đồ uống hay các nhóm có tỷ lệ vay nợ ngoại tệ cao như hàng không, điện, thép, ô tô… cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi tỷ giá hạ nhiệt. Chung quan điểm, chuyên gia của Công ty chứng khoán Rồng Việt nhận định: tỷ giá hạ nhiệt mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế, đặc biệt là giảm áp lực lạm phát, tăng cường sức mua nội địa và củng cố niềm tin tiêu dùng, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân nhận định, từ nay đến cuối năm, theo yếu tố mùa vụ vào cuối quý III, đầu quý IV nhu cầu USD thường tăng do nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu cuối năm có thể tỷ giá tăng, nhưng không mạnh và sớm ổn định trở lại. Bởi nguồn cung ngoại tệ năm nay khá tốt và NHNN đang điều hành chính sách chủ động, linh hoạt, hợp lý tránh đầu cơ tỷ giá.

Công ty chứng khoán VNDirect dự báo tỷ giá USD/VND liên ngân hàng về dưới 25.000 đồng/USD sẽ xảy ra sớm hơn trong kịch bản tích cực. Trong bối cảnh áp lực tỷ giá hạ nhiệt, theo nhận định của chuyên gia VNDirect sẽ cho phép NHNN linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ. Theo đó, nhà điều hành sẽ có thêm không gian chính sách để hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua kênh thị trường mở cũng như điều kiện để bổ sung dự trữ ngoại hối vào giai đoạn cuối năm nay. Trên thực tế, tỷ giá hạ nhiệt đã tạo điều kiện cho NHNN giảm dần lãi suất OMO từ 4,5% xuống còn 4,2%.

Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng cũng không nên chủ quan, bởi bên cạnh những tín hiệu tích cực, thì lạm phát cũng đang gia tăng do nhiều yếu tố như giá lương thực thế giới, tăng lương cơ bản và mức nền thấp của năm ngoái. Theo TS. Châu Đình Linh, mặc dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát nhưng giữ ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu xuyên suốt của NHNN. Do đó trong thời gian tới, NHNN Việt Nam có thể sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình để đưa ra các quyết sách phù hợp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì vị thế đồng VND.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hiện nay vẫn đang phục hồi chậm và xung đột chính trị, chiến sự vẫn đang diễn ra nên rất khó dự báo xu hướng trong tương lai. Giới chuyên môn khuyến nghị, các doanh nghiệp cần phải chú trọng tới hoạt động phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong thời gian tới. Nhất là với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh mà chịu tác động bởi tỷ giá, cần xây dựng một chiến lược quản lý rủi ro tỷ giá phù hợp, từ đó áp dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp để giảm thiểu rủi ro hoạt động.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm