Theo Cục Dân số, Bộ Y tế, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam đã giảm dưới mức thay thế với TFR năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Theo các chuyên gia, mức sinh giảm sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu, quy mô dân số, đặc biẹt là làm giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, tác động mạnh vào quá trình di cư và nhiều thách thức trong tận dụng cơ cấu dân số vàng…
Nếu không có những điều chỉnh chính sách, những giải pháp kịp thời để đưa mức sinh tăng trở lại, lý tưởng nhất là đạt mức sinh thay thế thì thay đổi dân số Việt Nam có thể ảnh hưởng tới quá trình phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước với thách thức "chưa giàu đã già".
“Thế hệ bánh kẹp” yếu tố cản trở quyết định sinh con
Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, một quốc gia muốn dân số ổn định thì tỷ lệ sinh cần đạt ít nhất là mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Khi tỷ lệ sinh giảm, số lượng người trong độ tuổi lao động cũng giảm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát triển kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng của đất nước.
“Điển hình như Nhật Bản, thời gian qua, kinh tế nước ngày gần đây bị chững lại, thậm chí là suy thoái. Một trong những nguyên nhân chính được các nhà nghiên cứu trong nước đưa ra là do tỷ lệ sinh thấp, tỷ lệ người già trong dân số cao”, PGS. Vinh nêu ví dụ.
Tuy vậy, trên thực tế, những nước phát triển đều già hóa khi đã trở thành quốc gia phát triển công nghiệp hóa với năng suất lao động cao nên dù người lao động ít đi nhưng vẫn đủ điều kiện tạo ra thặng dư bù đắp cho lao động nhiều tuổi. Ngoài ra, là một quốc gia giàu có, họ có đủ điều kiện về kinh tế để thu hút lao động nhập cư để bù đắp thiếu hụt lao động trong nước do tác động lâu dài của tỷ lệ sinh thấp.
Là một đất nước có thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ đối mặt hệ lụy nghiêm trọng hơn nhiều do không đủ điều kiện để nhập khẩu lao động, trong khi năng suất lao động của người trẻ lại chưa đủ cao để tạo ra của cải vật chất bù đắp cho dân số cao tuổi ngày càng tăng nhanh.
Ở các nước thu nhập cao, lao động được khuyến khích kéo dài thời gian làm việc, nhưng với cấu trúc hiện tại của ngành, nghề ở Việt Nam thì khuyến khích người cao tuổi tiếp tục làm việc một cách hiệu quả là một thách thức không nhỏ.
Còn theo GS. TS. Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế Quốc dân, khi kinh tế ngày càng phát triển, việc giảm sinh gần như là một xu hướng tất yếu gắn liền do nhu cầu cuộc sống ngày càng đòi hỏi cao hơn, có chất lượng hơn, đặc biệt trong việc chăm sóc, nuôi dạy con.
Tốc độ giảm sinh tại Việt Nam diễn ra sớm hơn thực tế diễn ra ở nhiều quốc gia khác trên thế giới với những lý do rất tự nhiên của xã hội (như quá trình đô thị hóa tăng nhanh cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội cuốn theo vòng xoáy phát triển) gắn liền với các lý do về khó khăn trong nhà ở, chi phí sinh hoạt gia đình, chi phí nuôi dạy con…, đặc biệt ở các khu vực đô thị là những áp lực không nhỏ dẫn đến việc ngại kết hôn và sinh con.
Tại các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ y tế, số cơ sở giáo dục còn thiếu và bất cập do không tương thích với quy mô dân số.
Theo GS. Long, thời gian tới, tốc độ giảm sinh tại Việt Nam có thể còn hơn, đặc biệt với nhóm dân số được gọi là “thế hệ bánh kẹp”, đó là thế hệ phải có trách nhiệm hỗ trợ, chăm sóc cho ông bà, bố mẹ không được bao phủ bởi an sinh xã hội (như không có hưu trí, trợ cập và có thu nhập thấp) cùng lúc với việc phải nuôi nấng con cái với các chi phí giáo dục, y tế và nhà ở ngày càng cao cũng như phải lo cho chính bản thân bằng cách cho tiết kiệm để đề phòng cuộc sống sau này.
“Không thể bỏ rơi ông bà, bố mẹ và cũng phải lo cho chính bản thân mình nên việc quyết định có con trong áp lực trách nhiệm lớn như vậy sẽ khiến nhiều người ngại đẻ hoặc không sinh thêm con”, GS. Long quan ngại.
Những đề xuất cần nghiên cứu thận trọng
Tại Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp được tổ chức ngày 28/8 tại Hà Nội, GS. TS. Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng để phát triển dân số bền vững, mỗi gia đình sinh đủ 2 con thì thu nhập của một gia đình với hai người đi làm phải nuôi được 4 người (tức là 2 người lớn, 2 trẻ em).
Vì vậy, cần có các chính sách phù hợp chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người. Bên cạnh đó là các yếu tố khác như thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư.
Tuy vậy, theo GS. Giang Thanh Long, phần lớn các ngành sản xuất của Việt Nam (những ngành đóng góp lớn cho thu nhập của nền kinh tế và tạo việc làm) lại chủ yếu dựa trên thâm dụng lao động nên nếu giảm giờ làm thì doanh nghiệp bị giảm sản lượng. Trong khi đó, mức lương không những không giảm mà lại yêu cầu tăng lên thì sẽ tạo sức ép vô cùng lớn với các doanh nghiệp.
Nếu áp dụng ngay, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ phản đối bằng cách dịch chuyển đầu tư, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể dịch chuyển sang nước khác có lao động trả ở mức thấp hơn trong khi yêu cầu công việc tương tự.
“Khi nguồn lao động ít đi, cơ cấu kinh tế trong nước cần phải dịch chuyển vào các ngành có giá trị gia tăng, năng suất cao hơn như ngành sáng tạo, phát minh sáng chế. Nếu cứ duy trì vị thế ở phần thấp của chuỗi giá trị sản xuất với năng suất thấp nhưng lại yêu cầu giảm giờ làm và tăng lương thì không doanh nghiệp có thể làm được”, GS. Long nêu rõ.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh cũng cho rằng, việc trả lương phải liên quan đến năng suất lao động. Nếu năng suất lao động không tăng mà yêu cầu doanh nghiệp tăng lương tối thiểu lên gấp đôi tức là gần như buộc các doanh nghiệp trong nước phá sản, còn doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển sang nơi khác.
Trong khi đó, một thực tế là ở Châu Âu có thu nhập cao gấp nhiều lần Việt Nam nhưng mức sinh vẫn thấp cho thấy việc sinh con không phải là do yếu tố khách quan mà là chủ quan của từng thế hệ và từng gia đình. Đặc biệt, học vấn, điều kiện sống ngày càng được cải thiện khiến nhiều người có tâm lý thích hưởng thụ mà không muốn sinh con.
“Do đó, với năng suất lao động của người Việt Nam hiện nay cũng như mong muốn kỳ vọng về cuộc sống thì mức lương là bao nhiêu thì mới là tối ưu, tức là khuyến khích sinh đẻ đồng thời không ảnh hưởng đến phát triển của doanh nghiệp và kinh tế. Đây là việc cần nghiên cứu thận trọng”, PGS. Vinh nhấn mạnh.
Để kéo mức sinh lên thì ngoài đảm bảo thu nhập người lao động cao hơn, cần phải kết hợp với nhiều chính sách khác như trợ cấp hàng tháng, tăng thời gian thai sản, hỗ trợ chính sách về thuê nhà hay mua nhà, dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ, cho phí giáo dục và y tế.
“Khi tính toán nguồn lực, nhiều gia đình chỉ có điều kiện sinh một con, thậm chí không muốn sinh con. Lâu dần sẽ tạo ra một chuẩn mực chung cho thế hệ sau. Lúc đấy, sẽ rất khó khăn và tốn kém nguồn lực để nhấc tỷ lệ sinh lên. Vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng xem xét và đưa ra các chính sách một cách đồng bộ”, PGS. Vinh nêu rõ.