Đại diện LogTecHub cho biết chuỗi giải pháp công nghệ hiện đại cho ngành giao nhận cùng các phần mềm quản trị của doanh nghiệp được nhiều tập đoàn logistics sử dụng. Mới đây, hai sản phẩm công nghệ eFMS và eTMS được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2022 với ba hạng mục bình chọn.
Phần mềm vận tải nội địa eTMS thắng giải ở hạng mục "Các nền tảng chuyển đổi số". Trong khi eFMS - phần mềm vận tải quốc tế, thắng lớn với hai hạng mục "Thương mại điện tử và Logistics" và "Các nền tảng chuyển đổi số".
"Cả hai phần mềm đã thuyết phục hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia đầu ngành nhờ loạt giải pháp công nghệ giúp gỡ khó trong vấn đề quản trị cho doanh nghiệp logistics, khắc phục thất thoát doanh thu, hàng hóa, tránh tình trạng mất kiểm soát dòng tiền và giải bài toán tích hợp với các hệ thống hiện hữu", Giám đốc điều hành LogTecHub cho biết.
Cụ thể, eFMS quản lý giao nhận hàng hóa quốc tế hỗ trợ đa dịch vụ và đa tiền tệ. Phần mềm giúp doanh nghiệp vận tải quốc tế quản lý chặt chẽ toàn bộ quy trình giao nhận đường bộ, đường biển và hàng không. Quy trình này bao gồm quản lý giá vốn, đơn hàng, chi phí doanh thu, chức năng kế toán, công nợ thu - trả... Phần mềm còn tích hợp hai chiều với các hệ thống quản trị khác như kế toán - tài chính, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian nhập liệu và đối soát thông tin.
Với eTMS, phần mềm hỗ trợ quản lý vận tải nội địa đa dịch vụ, đa phương thức, cho phép doanh nghiệp vận tải tối ưu vận hành, theo dõi, kiểm soát dòng hàng, thông tin lẫn dòng tiền. eTMS hiện được ứng dụng rộng rãi trong vận tải container và giao nhận e-logistics.
Doanh nghiệp giữ quyền quản lý bao gồm dữ liệu giá vốn, giá mua, phê duyệt báo giá, hợp đồng... giúp bảo vệ doanh thu ban đầu. Đồng thời, phần mềm còn hỗ trợ tiếp nhận mọi thông tin đơn hàng từ khách hàng qua các kênh khác nhau như cổng thông tin khách hàng, cổng tích hợp hệ thống khách hàng, email... góp phần giữ quy trình vận hành liền mạch.
Cả hai phần mềm trên đều được LogTecHub ứng dụng các công nghệ hàng đầu của Microsoft, nền tảng điện toán đám mây mở rộng của Amazon và Viettel IDC. Cùng với đó là luồng dữ liệu mã hóa từ đầu đến cuối, bảo mật theo tiêu chuẩn ISO 27001 về Hệ thống quản lý an toàn thông tin (ISMS), phân quyền và đảm bảo an ninh dữ liệu cho khách hàng.
Giám đốc điều hành LogTecHub cho rằng các chủ doanh nghiệp logistics đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong khi các doanh nghiệp lớn lo ngại về hiệu quả xây dựng lại toàn bộ hệ thống, doanh nghiệp nhỏ lại đối mặt vấn đề thiếu hụt vốn, nhân sự IT. Theo đó, đơn vị này chủ động mang đến các sản phẩm phù hợp từng nhu cầu đối tác, tích hợp hai chiều vào hệ thống hiện hành, cung cấp gói chi phí dựa theo số thuê bao (users) sử dụng nền tảng hàng tháng.
Ngoài các tập đoàn logistics lớn đang sử dụng giải pháp của LogTecHub, doanh nghiệp nhỏ cũng có thể trang bị những giải pháp này để mở rộng hệ thống bằng công nghệ điện toán đám mây, gia tăng quy mô kinh doanh. Đơn vị đặt mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp giao nhận chuyển đổi số nhanh, toàn diện hơn, cùng hưởng lợi thành quả từ công nghệ 4.0.
Gỡ khó quản trị cho logistics
Logistics hiện được coi là một trong những ngành xương sống, đồng hành cùng hầu hết các lĩnh vực từ sản xuất, phân phối, lưu thông đến tiêu thụ. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics, thị trường logistics tại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 14%-16%, quy mô đạt đến 42 tỷ USD mỗi năm. Song chi phí ngành này vẫn ở mức cao khi chiếm tới 18% GDP, gấp đôi các nước phát triển khác. Mức phí này phần nào "ăn mòn" lợi nhuận của doanh nghiệp, đồng thời giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo ông Phạm Văn Tuyền, CEO LogTecHub, chi phí cao là một trong những trở ngại trong khâu quản trị của các doanh nghiệp ngành này hiện nay. Trong tổng chi phí logistics, vận tải chiếm đến 60%, xếp dỡ 21% và kho bãi 12%...
"Quy trình vận hành truyền thống nặng tính thủ công, tiềm ẩn nhiều sai sót khiến ngành giao nhận gặp phải vấn đề thất thoát trong quản trị dòng hàng hóa, thông tin và dòng tiền, dẫn đến chi phí logistics tăng cao", ông Tuyền nhận định.
Vị Giám đốc cho rằng thị trường logistics Việt hiện là mảnh đất màu mỡ với hơn 3.000 doanh nghiệp quốc tế và 500 doanh nghiệp nội địa. Song mật độ ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành còn nhiều hạn chế. Toàn ngành chỉ có khoảng 50%-60% doanh nghiệp ứng dụng phần mềm vào vận hành.
Tuy nhiên họ vẫn còn phân mảnh nghiệp vụ, chưa giải quyết triệt để các vấn đề trong quản trị. Nếu gỡ được các vấn đề này, doanh nghiệp logistics có thể vận hành kinh doanh thuận lợi, giảm thất thoát hơn và tiến gần đến mục tiêu chuyển đổi số thông minh.
"Chuyển đổi số không chỉ là yêu cầu tất yếu của doanh nghiệp logistics trong thời đại số, mà còn phải triển khai cấp bách, đẩy nhanh tốc độ càng sớm càng tốt để tồn tại và phát triển. Công nghệ chính là yếu tố trực tiếp nâng tầm ngành này, giúp gỡ rối và mang lại lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp", Giám đốc điều hành LogTecHub nhận định.
LogTecHub đã dành 4 năm liên tục phát triển các sản phẩm giải quyết bài toán quản trị cho lĩnh vực logistics. Công ty đặt mục tiêu đẩy mạnh đầu tư về nền tảng công nghệ, hỗ trợ đối tác kiểm soát dữ liệu nhằm tăng năng suất vận hành, tăng khả năng phục vụ khách hàng. Theo đó, các phần mềm quản trị chuyên dụng này đều có khả năng tích hợp cao, tối ưu vận hành và nâng cao hiệu suất hoạt động cho các bộ phận kinh doanh trong doanh nghiệp logistics.