Doanh nghiệp

Loạt "kế sách" đổi mới của các ông lớn

Với góc nhìn phân tích trực diện các vấn đề đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, loạt khách mời 5 số đầu tiên của talkshow The Next Power mang đến nhiều bài học thực tế, cùng những kế sách đổi mới để tạo ra sự bứt phá, khẳng định vị thế trong nước và quốc tế.

Xem lại các tập đã phát sóng:

Ông Mai Hữu Tín với 'đối mới' không phá huỷ
Ông Lý Ngọc Minh với 'đổi mới' bằng học tắt
Bà Cao Thị Ngọc Dung, ông Lê Trí Thông với 'mổ nội soi'
Ông Nguyễn Anh Đức với 'Đổi mới tiết kiệm'
Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Sau 'ngủ đông' là 'rã đông'

Trở thành khách mời số đầu tiên, ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch TTF cho biết, "đổi mới" không phải là hành động mang tính phá hủy (disruptive innovation), xóa bỏ hoàn toàn cái cũ. Quy trình đổi mới nên đi theo từng phần, sửa từng vấn đề một, từ con người, đến bộ máy sản xuất, công nghệ, khách hàng, thị trường... Kết quả cuối cùng đến từ nhiều bước nhỏ cộng lại với nhau.

Chiến lược này thể hiện rất rõ trong quá trình phát triển của Gỗ Trường Thành. Yếu tố đổi mới thể hiện trong việc dần đầu tư vào thiết kế và gia tăng khả năng sản xuất được những sản phẩm cao cấp, giá trị lớn hơn.Thêm vào đó là đầu tư các công nghệ có thể nâng cấp để tương lai đáp ứng được những yêu cầu lớn hơn của thị trường.

Ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch TTF, khách mời đầu tiên của talkshow The New Power.

Ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch TTF, khách mời đầu tiên của talkshow The New Power.

Quan điểm này của ông Mai Hữu Tín cũng tương đồng với triết lý đổi mới theo phong cách "mổ nội soi" được bà Cao Thị Ngọc Dung và ông Lê Trí Thông áp dụng tại PNJ. Nếu các đơn vị khác thay đổi toàn bộ cấu trúc, bộ phận, con người để tạo ra lực đẩy mới cho sự phát triển, PNJ chọn phương án đổi mới từng phần, từ bộ phận này sang bộ phận khác, tạo ra sự thay đổi liên tục nhưng không mất nhiều sức.

Theo ông Lê Trí Thông, có ba tiêu chí quan trọng làm nên sự thành công trong công cuộc đổi mới doanh nghiệp bao gồm: quyết tâm của người lãnh đạo; tâm lý chính trực và tôn trọng sự thật, phải nhìn thẳng vào vấn đề; và khai phóng nguồn năng lượng bên trong tổ chức.

Ông Lê Trí Thông nhận định, để văn hóa đổi mới sáng tạo được duy trì liên tục, cần phải nhắc đến 2 quá trình quan trọng. Quá trình thứ nhất là khai phóng bên trong để mọi người dám đề xuất, dám làm những thứ mà mình nghĩ ra. Song hành với đó, doanh nghiệp bổ sung thêm năng lực, bổ sung thêm sự bài bản, định hướng sáng tạo.

bà Cao Thị Ngọc Dung (Chủ tịch HĐQT PNJ) và ông Lê Trí Thông (Phó chủ tịch HĐQT, CEO PNJ)

Bà Cao Thị Ngọc Dung (Chủ tịch HĐQT PNJ) và ông Lê Trí Thông (Phó chủ tịch HĐQT, CEO PNJ).

Khai phóng văn hóa sáng tạo bên trong mỗi doanh nghiệp là điều được nhiều lãnh đạo nhấn mạnh trong các số talkshow The Next Power. Ông Lý Ngọc Minh - Tổng giám đốc Gốm sứ Minh Long nhận định sáng tạo luôn đi cùng đổi mới, sáng tạo phải tạo ra sự đột phát, phải khác lạ so với trước. Kể các các công nghệ sản xuất nhập từ nước ngoài cũng cần có sự tinh chỉnh, cải tiến để sử dụng.

Ông cho biết, hiện nay Minh Long đã có thể hoàn thiện quy trình nung một lần, cho ra được sản phẩm chất lượng như châu Âu, rút ngắn thời gian sản xuất từ 74 giờ còn 24 giờ nhưng chất lượng vẫn đảm bảo. Đây là minh chứng cho thấy công nghệ sáng tạo mang lại sự đột phá trong sản xuất.

Ông Lý Ngọc Minh - Tổng giám đốc gốm sứ Minh Long.

Ông Lý Ngọc Minh - Tổng giám đốc gốm sứ Minh Long.

Đại diện doanh nghiệp gốm sứ cũng nhấn mạnh bí quyết "học tắt" để tiếp thu, tận dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực để ứng dụng vào doanh nghiệp mình. Việc tận dụng nguồn lực từ xã hội để ứng dụng trong quá trình phát triển, đổi mới công ty của các doanh nghiệp sản xuất như TTF, PNJ hay Minh Long cũng được áp dụng trong các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ như Saigon Co.op.

Xuất hiện trong talkshown The Next Power số thứ 3, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, sự phát triển của doanh nghiệp trong gần 3 thập niên đến từ phương châm "đổi mới tiết kiệm", kiên định với tư duy dè sẻn truyền thống để tạo nên cơ ngơi lớn hơn và chuẩn bị phát triển lâu dài.

Thay vì phát triển một hệ sinh thái riêng với nhiều rủi ro, theo ông, xu hướng hiện nay là phát triển các mối quan hệ hợp tác ba bên (triangle contract) để tổng hợp thế mạnh.

Tổng giám đốc Saigon Co.op - ông Nguyễn Anh Đức.

Tổng giám đốc Saigon Co.op - ông Nguyễn Anh Đức.

Trái ngược lại với quan điểm đổi mới từng phần, đổi mới dè sẻn hay đổi mới với phong cách "mổ nội soi" của các doanh nghiệp kể trên, xuất hiện trên talkshow The Next Power số mới nhất, ông Nguyễn Quốc Kỳ Chủ tịch HĐQT & TGĐ Tập đoàn Vietravel nhấn mạnh phương châm đổi mới toàn bộ cấu trúc để "rã đông tích cực" sau giai đoạn "ngủ đông" do Covid-19.

Theo ông, Vietravel sau đại dịch là một Vietravel khác trước đại dịch. Sau đại dịch, Vietravel là một tập đoàn du lịch và hàng không. Doanh nghiệp cũng liên kết với rất nhiều tập đoàn, đơn vị để cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng rã đông nhanh và hồi phục trở lại. Đặc biệt, Vietravel đổi mới mạnh mẽ về mặt công nghệ.

Nguyễn Quốc Kỳ Chủ tịch HĐQT & TGĐ Tập đoàn Vietravel

Nguyễn Quốc Kỳ Chủ tịch HĐQT & TGĐ Tập đoàn Vietravel.

Doanh nghiệp đóng bớt hệ thống offline và đẩy mạnh online, không chỉ trên web mà còn trên ứng dụng điện thoại mà còn trên 3 sàn thương mại điện tử: Tiki, Shopee, Lazada... "Đây là cái rất lạ và mới, trước dịch chưa từng có chuyện đó. Đó là sự thay đổi rất lớn trong hệ bán hàng và nhận thức trong quá trình chuyển đổi môi trường kinh doanh và thay đổi cơ cấu kinh doanh của Vietravel", ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.

Khách mời của 5 số phát sóng đầu tiên talkshow The Next Power đều là những người đứng đầu, trực tiếp"lèo lái" quá trình đổi mới tại các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đa dạng: đồ gỗ mỹ nghệ, gốm sứ, hợp tác xã bán lẻ, du lịch, vàng bạc đá quý... Mỗi vị khách mời như một cuốn cẩm nang đổi mới hữu ích được chắt lọc để chia sẻ cùng khán giả của talkshow The Next Power.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm