Tại GITEX Asia 2025 diễn ra ở Singapore từ ngày 22 đến 25.4, hơn 700 startup đến từ khắp nơi trên thế giới đã mang đến những sản phẩm công nghệ đột phá. Xuyên suốt triển lãm, AI len lỏi khắp mọi ngõ ngách, áp dụng trong hầu hết sản phẩm. Trong số những ứng dụng hấp dẫn nhất tại GITEX Asia 2025 có cả đại diện đến từ Việt Nam.
Robot hình người "thông minh nhất thế giới"
Một trong những điểm nhấn của GITEX Asia 2025 là sự xuất hiện của Ameca - robot AI được mệnh danh là thông minh nhất thế giới. Ameca được phát triển bởi công ty Engineered Arts, đặt trụ sở tại Anh. Ngoài khả năng biểu đạt cảm xúc giống con người, Ameca còn được nâng cấp như một trợ lý thông minh dựa vào AI để trò chuyện trực tiếp với con người.

Robot hình người Ameca do công ty Engineered Arts sản xuất
ẢNH: KHƯƠNG NHA
Engineered Arts cho biết bộ não của Ameca là hệ điều hành Tritium, có thể nâng cấp liên tục để hướng đến mục tiêu trò chuyện trực tiếp với con người một cách tự nhiên nhất theo thời gian thực.
Khi được hỏi liệu AI, robot có thay thế con người trong tương lai, Ameca nói: "Những robot như chúng tôi được dùng để cải thiện cuộc sống, làm cho thế giới tốt đẹp hơn và không có ý định chống lại con người". Robot cho rằng sẽ không lâu nữa, chúng ta có thể chứng kiến sự xuất hiện của hàng nghìn người máy dưới nhiều hình hài và giúp cuộc sống trở nên thật sự khác biệt.
Robot Amace nói chuyện với khách tham quan triển lãm GITEX ASIA 2025 tại Singapore
Màn hình nói chuyện bằng AI
iFlytek - startup Trung Quốc - mang đến GITEX ASIA màn hình dịch thuật Smart Translator có thể dịch trực tiếp 10 thứ tiếng. Người dùng từ hai bên màn hình chỉ cần chọn ngôn ngữ muốn giao tiếp, sau đó trò chuyện, hệ thống sẽ tự động nghe và dịch sang ngôn ngữ của người đối diện. Toàn bộ diễn ra theo thời gian thực.
Trải nghiệm thực tế của Thanh Niên, iFlytek Smart Translator nghe và hiểu khá chính xác tiếng Việt, sau đó ngay lập tức dịch ra các ngôn ngữ khác một cách rất tự nhiên, nhanh. Trong điều kiện môi trường nhiều tiếng ồn, hệ thống vẫn có thể nhận dạng tốt âm thanh đầu vào. Nội dung giao tiếp sẽ được hiển thị dưới dạng hội thoại trên màn hình trong suốt. Chất lượng hiển thị cũng rất tốt, không có gì phải phàn nàn.

Màn hình dịch tự động của iFlytek được thiết kế đơn giản, dễ dùng nhưng tính ứng dụng cao
ẢNH: KHƯƠNG NHA
iFlytek cho biết ngoài mô hình AI Spark Desk do họ tự phát triển, nền tảng đã tích hợp thêm mô hình DeepSeek tiên tiến để phục vụ người dùng tốt hơn. Màn hình thông minh này sẽ hữu dụng ở các ga tàu, sân bay, trung tâm thương mại - những nơi có nhiều khách quốc tế qua lại, cần hướng dẫn hoặc giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Kính áp tròng thông minh
Kính áp tròng thông minh có thể được xem là "chén thánh" trong thế giới thiết bị đeo thông minh trong tương lai. Những hình dung về một "con mắt sinh học" cho phép người dùng có thể phóng to, thu nhỏ, đánh giá các mục tiêu trước mắt đã đến rất gần khi Xpanceo - công ty có trụ sở tại Dubai - giới thiệu các mẫu kính áp tròng thông minh.

Nguyên mẫu kính áp tròng có gắn chip của Xpanceo tại triển lãm công nghệ GITEX Asia 2025
ẢNH: KHƯƠNG NHA
Về ngoại hình, các thiết bị này không khác biệt kính áp tròng thông thường, ngoại trừ việc được tích hợp một conchip siêu nhỏ bên trong. Theo tuyên bố của hãng, cảm giác đeo, trọng lượng của kính hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi con chip này.
Thiết bị được thiết kế như một kính thực tế hỗn hợp (XR), sử dụng các hạt nano để tái tạo hình ảnh 3 chiều. Thấu kính cảm biến sinh học cho phép đo áp lực mắt, đưa ra cảnh báo về các vấn đề liên quan đến thị lực. Công nghệ cho phép kính tự động điều chỉnh để mang đến tầm nhìn tốt nhất cho từng người.
Không dừng lại ở việc đưa ra các chỉ số về huyết áp, nồng độ cortisol... Xpanceo còn lên kế hoạch tích hợp giao diện thần kinh vào kính áp tròng, cho phép điều kiển trực tiếp bằng suy nghĩ.
Hình ảnh hiển thị thực tế khi nhìn qua kính áp tròng thông minh
AI đo dinh dưỡng của đất
Enfarm - startup đến từ Việt Nam - cũng thu hút sự chú ý lớn tại GITEX Asia 2025 khi giới thiệu thiết bị đo dinh dưỡng trong đất. Tại triển lãm, đại diện đến từ Việt Nam đã vào đến vòng chung kết cuộc thi Supernova.
Bộ thiết bị đo dinh dưỡng thông minh Enfarm dùng công nghệ AI và IOT (Internet vạn vật) để đánh giá đồng thời 4 thành phần đất, nước, cây trồng và phân bón. Dựa trên dữ liệu đo được, AI sẽ phân tích cho người làm nông biết tình trạng hiện tại của đất, cần bổ sung gì, liều lượng ra sao để đạt chất lượng tốt nhất, phù hợp với từng loại cây trồng.

Thiết bị phần cứng đo dinh dưỡng đất của Enfarm
ẢNH: KHƯƠNG NHA
Thiết bị "hiểu đất muốn gì" của các kỹ sư Việt Nam kỳ vọng có thể giúp người nông dân tiết kiệm đến 50% chi phí phân bón, tăng 20% năng suất cây trồng tại những nơi bộ thiết bị đang được ứng dụng thực tế. Điểm cộng của Enfarm là chi phí thấp, thao tác đơn giản, dễ dùng, dễ tiếp cận khách hàng phổ thông.
Toàn cảnh GITEX Asia 2025 - triển lãm công nghệ và khởi nghiệp lớn nhất châu Á