Thực tế cho thấy, những nhà đầu tư non vốn đang dần “đuối sức” vì gồng lãi ngân hàng và chờ tín hiệu của thị trường. Tình trạng bán nhanh, bán dưới giá vốn đã xuất hiện khá nhiều ở các khu vực. Tuy vậy, bên cạnh đó, có khá nhiều nhà đầu tư đang cố “ôm” để chờ thị trường, mặc dù cũng trong tình trạng “kiệt sức”.
Đáng nhẽ mảnh đất 4.000m2, anh T đã có kế hoạch ra hàng trong tháng 6/2022, nhưng đến nay anh vẫn “méo mặt” vì không bán được. Không giảm giá và đang cố ôm để chờ thị trường, trong khi bản thân phải gồng lãi ngân hàng hơn 1 tỉ đồng, anh T gần như đuối sức. Nhà đầu tư này chia sẻ, với tình hình như hiện nay, có thể phải hơn một năm nữa mới ổn lại. Giờ anh giảm giá mạnh cũng không được, mà bán ra lúc này ngang giá cũng chưa ai mua. Được biết, BĐS này anh T chỉ có ý định lướt sóng vài tháng, hưởng chênh nhưng thị trường “đứng” khiến anh “ôm bom” sản phẩm đến giờ.
Vừa phải gồng lãi vay, vừa căn thị trường để bán ra, nhóm anh M (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) tỏ ra khá lo lắng với 3 BĐS (bao gồm cả đất nền và căn hộ) đang gặp khó về thanh khoản. Dùng đòn bẩy để đầu tư, anh M và nhóm bạn mục đích đầu tư kiếm lợi ngắn hạn nhưng hiện tại không ra được hàng. Trước đó, vào đầu năm 2022, nhóm đầu tư này vẫn kiếm kha khá từ việc đầu tư lướt sóng BĐS vùng ven Tp.HCM. Những lô đất vườn, đất thổ cư sang tay ngắn hạn, nhóm anh M chênh được khoảng 100-300 triệu đồng.
Đầu năm 2022, khá nhiều nhà đầu tư vẫn lướt sóng được BĐS. Hiện thị trường đang "bất động", khiên nhà đầu tư non vốn gặp khó khăn. Ảnh: HV
Đến hiện tại, thị trường “đứng”, việc ra hàng gặp khó khăn, nhóm đầu tư này đang cố chờ đợi thị trường hồi phục để “lấy lại những gì đã mất”. Bởi theo anh M, mấy tháng qua, anh phải trả tiền lãi ngân hàng, nếu cắt lỗ để ra hàng thời điểm này thì rất tiếc.
Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, tình trạng nhà đầu tư đang bị mắc kẹt trong việc vay vốn đầu tư bất động sản khá phổ biến hiện nay. Xu hướng chung của thị trường là trầm lắng, càng khó khăn với bất động sản xa trung tâm hay sản phẩm hình thành trong tương lai. Ngay cả khi nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ, thanh khoản vẫn kém.
Theo vị chuyên gia này, việc lãi suất tăng, chi phí vốn vay đè nặng nhiều nhà đầu tư. Hết thời gian ân hạn, nhiều nhà đầu tư phải trả lãi suất lên tới 12-14%/năm, áp lực đang rất lớn. Theo đó, ông Quang dành lời khuyên: các nhà đầu tư "mắc kẹt" về vốn nên tìm cách cắt lỗ thay vì xoay xở bằng mọi cách. Bởi thị trường sẽ còn trầm lắng trong khoảng thời gian dài. Việc "gồng" quá sức sẽ khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nhiều hơn.
Thực tế thì nhiều nhà đầu tư hiện cắt lỗ vẫn khó bán. Lý giải về vấn đề này, ông Quang cho hay, sau nhiều đợt sốt nóng, nhà đầu tư mua vào với mức giá quá cao. Do vậy khi cắt lỗ, thị trường vẫn khó hấp thụ bởi mức giá vẫn còn "ảo".
Theo dự báo của một số chuyên gia, cuối năm nay và đầu năm 2023 thị trường BĐS sẽ iếp tục khó khăn, trầm lắng, giao dịch chững lại, xu hướng giảm giá mạnh nhất sẽ xuất hiện ở những vùng xa trung tâm. Các yếu tố như lãi suất cho vay tăng cao, tín dụng và trái phiếu thắt chặt lại… tác động đến thị trường.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho hay, quan ngại nhất đối với nhiều khách hàng hiện nay là nguồn vốn lấy từ đâu khi ngân hàng siết tín dụng. Chưa kể, có nhiều nhà đầu tư đang vay vốn dở dang sẽ gặp nhiều áp lực khi lãi suất tăng cao.
“Có tới hơn 50% các nhà đầu tư đang bị mắc kẹt trong việc vay vốn đầu tư BĐS và tiến thoái lưỡng nan. Nếu họ tiếp tục vay thì chi phí vốn sẽ tăng rất cao nhưng muốn bán cũng không được. Họ có lựa chọn trả lại sản phẩm cho chủ đầu tư, nhưng chi phí phạt rất lớn nên buộc phải đi vay tiếp để duy trì. Nếu không thể vay được, nhà đầu buộc phải bán cắt lỗ”, bà Dung nhấn mạnh.