Thời sự

Ban tổ chức Gạo ngon Việt Nam nói gì về việc lùm xùm với cha đẻ gạo ST25?

Trưa 7-11, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - đơn vị tổ chức Cuộc thi "Gạo ngon Việt Nam" 2022, cho hay VFA vẫn chưa nhận được đề nghị chính thức nào từ ông Hồ Quang Cua nên chưa có cơ sở để xử lý vụ việc.

Trước đó, thông tin trên báo chí, ông Hồ Quang Cua "tố" cuộc thi không khách quan, khoa học nên không công nhận kết quả. Ông cho biết sẽ trả lại giấy chứng nhận (giải nhì dành cho gạo ST24) và tiền thưởng. Ông Cua cũng "tố" gạo TBR39 giành giải nhất có "ruột" chính là gạo ST24.

Ban tổ chức “Gạo ngon Việt Nam” nói gì về việc lùm xùm với “cha đẻ gạo ST25”? - Ảnh 1.

Đội thi của DN tư nhân Hồ Quang Trí tại cuộc thi "Gạo ngon Việt Nam" ngày 4-11

Liên quan các tiêu chí chấm điểm "gạo ngon" của cuộc thi, phóng viên đã liên lạc với ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam (VICA) - thành viên ban giám khảo. Ông Quân cho biết khi chấm giải, bản thân ông và các đầu bếp chỉ chấm các mẫu gạo, cơm đã mã hóa thành mã số.

"Thực sự mà nói, các tiêu chí mà ban tổ chức đưa ra trong cuộc thi này cực kỳ đầy đủ, chi tiết và rất hợp lý để đánh giá gạo ngon. Còn sau này, nếu ban tổ chức muốn chúng tôi góp ý thêm về bộ tiêu chí thì chúng tôi sẽ họp bàn, dựa trên cơ sở mục đích tuyển chọn để xây dựng bộ tiêu chí chứ không thể đánh giá cảm tính" - ông Nguyễn Thường Quân nói thêm.

Ban tổ chức “Gạo ngon Việt Nam” nói gì về việc lùm xùm với “cha đẻ gạo ST25”? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thường Quân (bìa phải) chấm thi gạo ngon

Theo quy định về chấm điểm "gạo ngon" của cuộc thi được ban tổ chức công bố, có 3 tiêu chí - tổng cộng 100 điểm - như sau:

Thứ nhất, mẫu gạo trước khi nấu (20 điểm) với 2 tiêu chí cụ thể là độ đồng đều (10 điểm) và màu sắc (10 điểm).

Thứ hai, mẫu gạo sau khi nấu (75 điểm) với 6 tiêu chí cụ thể là: mùi thơm (20 điểm), độ thuần (20 điểm), độ trắng của cơm (10 điểm), độ ngọt cơm (10 điểm), độ nguyên hạt sau khi nấu (10 điểm) và độ dẻo (5 điểm).

Thứ ba, bản thuyết minh gạo dự thi với 5 điểm.

Góp ý về cách chấm "gạo ngon", PGS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng cần tăng tỉ lệ thành viên ban giám khảo là các đầu bếp; tăng số chuyên viên thử cơm chuyên nghiệp tại các viện nghiên cứu cả nhà nước lẫn tư nhân về gạo và các doanh nghiệp có chuyên viên thử cơm. Đồng thời, cần tăng cường máy móc để hỗ trợ đánh giá các chỉ tiêu, như mùi thơm và một số thông số kỹ thuật khác.

Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, ngày 4-11, Cuộc thi "Gạo ngon Việt Nam" lần 3 do VFA phối hợp cùng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đã trao giải nhất cho gạo TBR39 của Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed, giải nhì là gạo ST24 của DN tư nhân Hồ Quang Trí (gia đình ông Hồ Quang Cua), giải ba là gạo Lộc Trời 28 của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời. Cuộc thi quy tụ nhiều giống gạo ngon Việt Nam tham gia, trong đó có gạo ST25 nổi tiếng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm