Chứng khoán

Hơn 400 trường hợp bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt trong 10 tháng đầu năm 2022

Trong thông cáo báo chí mới công bố về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 10/2022, Bộ Tài Chính cho biết tính đến 31/10, chỉ số VN-Index đạt 1.027,94 điểm, giảm 9,2% so với cuối tháng trước và giảm 31,4% so với cuối năm 2021. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 214,31 điểm, giảm 14,4% so với cuối tháng trước và giảm 54,8% so với cuối năm 2021.

Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM tại ngày 27/10/2022 ước đạt 5,34 triệu tỷ đồng, giảm 31% so với cuối năm 2021, tương đương 63,6% GDP.

Trong tháng 10, giá trị giao dịch bình quân đạt 13.030 tỷ đồng/phiên, giảm 16,7% so với tháng trước. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 21.365 tỷ đồng/phiên, giảm 19,7% so với bình quân năm trước.

Về thị trường trái phiếu, trong tháng 10/2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 3.847 tỷ đồng/phiên, giảm 41,5% so với tháng trước. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 8.611 tỷ đồng/phiên, giảm 24,5% so với bình quân năm trước.

Đến cuối tháng 9/2022, thị trường có 439 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.699 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với năm 2021 (tương đương 20,2% GDP).

Về công tác công tác giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, trong tháng 10/2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 51 quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt 3,337 tỷ đồng. Tính chung từ đầu năm đến nay, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 401 quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt là hơn 30 tỷ đồng.

Trước đó, trả lời trong họp báo Chính phủ chiều 29/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá các cân đối vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục được ổn định và đó là cơ sở để cho nền kinh tế, các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh ổn định và phát triển, tăng trưởng và đây cũng là cơ sở quan trọng nhất để ổn định thị trường chứng khoán. Thực tế diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam vừa qua có hiện tượng điều chỉnh giảm và có những phiên giảm sâu, tất nhiên cũng có những phiên tăng điểm. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả từ tình hình quốc tế và tình hình trong nước như lạm phát toàn cầu tăng, kinh tế thế giới và chính sách tiền tệ của những nền kinh tế lớn thay đổi; xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; các điều chỉnh trong chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ trong nước...

Về giải pháp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đưa ra một số giải pháp.

Trước mắt, tiếp tục giữ cho thị trường vận hành ổn định và an toàn, đảm bảo trong mọi tình huống. Tăng cường minh bạch thị trường thông qua việc yêu cầu các công ty tham gia thị trường thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công bố thông tin, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không trình bày nhiều, vi phạm là xử lý theo quy định của pháp luật.

Tập trung nguồn lực, tổ chức nhiều đoàn thanh tra giám sát thị trường chứng khoán, giám sát các công ty niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư trong giao dịch để kịp thời phát hiện các vi phạm trên thị trường. Từ công bố thông tin, giao dịch, tất cả các quy định. Tất cả các vi phạm đều bị xử lý ngay và công bố, công khai luôn. Phải kiên quyết như vậy thì mới đảm bảo được tính minh bạch của thị trường.

Một điểm nữa, Bộ Tài chính cũng sẽ tăng cường thông tin chính thống ra thị trường một cách chính xác và kịp thời tất cả những giải pháp, những chính sách, quy định pháp luật. Tất cả những gì chính thống của cơ quan quản lý nhà nước sẽ được đưa ra thị trường một cách chính xác và kịp thời để đảm bảo thông tin xấu độc không gây ảnh hưởng tới thị trường.

“Điều quan trọng là giám sát được các tin đồn thất thiệt vì thị trường chứng khoán nhạy cảm. Đối với tin đồn thất thiệt rồi tung tin để trục lợi, tất cả trường hợp ấy, Bộ Tài Chính kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an phối hợp xử lý nghiêm. Thực tế, hành vi này cũng đã xử lý nghiêm rồi. Vừa rồi đã có các trường hợp bị truy tố và chịu án tù” , Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết.

Bộ Tài Chính cũng tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật, trước mắt là Nghị định 155 hướng dẫn Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để có những phương án sửa đổi, bổ sung kịp thời các vướng mắc, bất cập để thị trường có thể tiếp tục phát triển.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm