Tài chính

[LIVE] ĐHĐCĐ VIB: Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận hơn 15% trong năm 2023

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của VIB khai mạc lúc 8 giờ ngày 15/3. (Ảnh: Nguyên Ngọc).

Sáng ngày 15/3, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (Mã: VIB) tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2023. Đây là ngân hàng đầu tiên tổ chức ĐHĐCĐ thường niên trong năm nay.

Tính đến 8 giờ 10 phút, có 131 cổ đông tham dự (bao gồm tham dự trực tiếp và đại diện ủy quyền), chiếm 75,15% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Năm thứ 6 tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận

Theo báo cáo của ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT tại đại hội, năm 2022, VIB bước vào năm đầu tiên của giai đoạn 2 (2022-2026) của hành trình chuyển đổi chiến lược 10 (2017-2026). Đây là năm thứ 6 liên tiếp VIB đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu, lợi nhuận, cơ sở khách hàng và là năm thứ 3 liên tiếp đạt hiệu suất lợi nhuận trên vốn cao nhất ngành.

Lợi nhuận của VIB đã đạt mức tăng trưởng bình quân (CAGR) 57% mỗi năm trong suốt giai đoạn 6 năm qua và hiệu quả lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 30% trong nhiều năm. Trong năm 2022, ngân hàng đạt 10.581 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 32,1% so với năm 2021 và vượt nhẹ so với kế hoạch.

Trên cơ sở kết quả đạt được, HĐQT đề xuất chia cổ tức 2022 với tỷ lệ 35%, bao gồm 20% cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ tức bằng tiền mặt. Trong đó, VIB đã thực hiện chi trả tạm ứng 10% cổ tức bằng tiền mặt vào ngày 3/3 vừa qua.

 (Nguồn: VIB).

Tổng dư nợ tín dụng năm 2022 tăng 14,5% lên 133.920 tỷ đồng. Hoạt động huy động vốn tăng 7% lên 231.899 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng 1,79% nhưng vẫn nằm trong tỷ lệ cho phép dưới 3% theo định hướng của VIB và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tính đến hết năm 2022, VIB đã phát hành gần 3 triệu thẻ, trong đó riêng thẻ tín dụng đạt hơn 600.000 thẻ. Bên cạnh đó, chi tiêu của khách hàng qua thẻ tín dụng VIB tăng trưởng khoảng 9 lần, từ gần 9.000 tỷ đồng ở năm 2018 lên đến mức 75.000 tỷ đồng vào năm 2022.

Hoạt động bảo hiểm bancassurance của VIB tiếp tục giữ vị trí Top 2 về doanh số với thị phần 11% toàn quốc.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT, thay mặt HĐQT báo cáo kết quả kinh doanh 2022 và kế hoạch kinh doanh 2023. (Ảnh: Nguyên Ngọc).

Tỷ trọng trái phiếu trên tổng dư nợ duy trì ở mức thấp

Năm 2022, tổng dư nợ tín dụng của VIB tăng trưởng 14,5%, tương đương mức tăng trưởng ngành và sử dụng 100% room tín dụng Ngân hàng Nhà nước cấp. Cho vay bán lẻ tại ngày 31/12/2022 đạt 211.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% và tương đương 90% tổng dư nợ toàn ngân hàng.

Tiền gửi khách hàng năm 2022 tăng trưởng 15,3%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt, trong bối cảnh thanh khoản thị trường khó khăn nhưng khối ngân hàng bán lẻ đã tăng trưởng 10% tiền gửi dân cư chỉ riêng trong quý IV/2022.

Trên thị trường liên ngân hàng, tổng huy động tài trợ thương mại từ các định chế tài chính quốc tế đạt hơn 1 tỷ USD, tổng giao dịch ngoại tệ đạt 110 tỷ USD và tổng giao dịch trái phiếu đạt hơn 155.000 tỷ đồng.

Cũng theo HĐQT, VIB là một trong những ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu trên tổng dư nợ thấp nhất ngành ngân hàng, chỉ chiếm 0,8% tổng dư nợ. VIB luôn tuân thủ các chỉ số quản trị rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước: NHNN: Tỷ lệ an toàn vốn 12,8%; tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi 76%; tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn 30%; tỷ lệ nợ xấu 1,79%.

 VIB là một trong những ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu trên tổng dư nợ thấp nhất ngành ngân hàng. (Ảnh: Nguyên Ngọc).

Mục tiêu lãi trước thuế 2023 đạt 12.200 tỷ đồng

VIB đã đặt ra lộ trình chuyển đổi 10 năm 2017-2026. Trong 6 năm đầu của lộ trình, VIB đã đạt được tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của lợi nhuận trước thuế là 57%. Mục tiêu của giai đoạn 5 năm 2022-2026 của VIB bao gồm: 10 triệu khách hàng; tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận kép (CAGR) đạt 20-30%/năm; gia tăng bền vững vốn hóa thị trường.

Trên cơ sở định hướng chiến lược giai đoạn 2022-2026 và nhận định về môi trường kinh doanh năm 2022, HĐQT trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2023 với lợi nhuận trước thuế 12.200 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 15,3% so với kết quả đạt được trong năm ngoái. Tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng 25% lên 292.500 tỷ đồng và con số này có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng được NHNN cho phép. Mục tiêu huy động vốn tăng 26,2% lên 292.600 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

(Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp; Đồ họa: Nguyên Ngọc).

Phát hành cổ phiếu thưởng và ESOP, tăng vốn điều lệ lên gần 25.370 tỷ đồng

(Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp; Đồ họa: Nguyên Ngọc).

HĐQT VIB cho biết hiện ngân hàng đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt, cần vốn để đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đồng thời, VIB cần phát triển ổn định đội ngũ nhân sự chất lượng.

Do đó,HĐQT đề xuất cổ đông phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ năm 2023 thông qua phát hành hơn 412,5 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và 7,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ, nhân viên (ESOP), với tỷ lệ phát hành lần lượt là 20% và 0,36%. Nếu các đợt phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của VIB tăng từ 21.077 tỷ đồng lên 25.368

Kế hoạch tăng vốn điều lệ. (Nguồn: VIB).

Phương án sử dụng vốn sau các đợt phát hành. (Nguồn: VIB).

Tiếp tục cập nhật...

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm