Sáng 29/3, CTCP Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 tại TP Hà Nội.
Mở đầu buổi họp, ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT tập đoàn đã có vài lời chia sẻ với cổ đông: "Hoá chất Đức Giang ra sàn 2014, thanh khoản hẹp mỗi phiên 50.000 - 70.000 đơn vị, cổ phiếu thấp chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng. Sau khi niêm yết HOSE, cộng với việc sản xuất và các hoạt động khác đã giúp cổ phiếu tăng nhanh, nhiều giai đoạn trở thành cổ phiếu có giá cao nhất trên sàn.
Năm ngoái Hoá chất Đức Giang tổ chức đại hội ở TP HCM, cổ phiếu gần như xuống đáy còn năm nay tổ chức tại đây [Hà Nội] thì gần như lên đỉnh. Đó là tín hiệu đáng mừng cho cả các nhà đầu tư lướt sóng và dài hạn. Năm nay, đại hội sẽ vui vẻ hơn, không như năm ngoái.
Chúng ta hi vọng hôm nay có thể xanh, có thể tím nhưng khó vì giá cổ phiếu cao quá rồi. Gần đây có một phiên tím mà chạm gần 130.000 đồng/cp".
Chốt phiên 28/3, cổ phiếu DGC của Hoá chất Đức Giang đang ở trên vùng đỉnh lịch sử (giá sau điều chỉnh) với 123.900 đồng/cp.
Năm 2024, Hoá chất Đức Giang đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 10.202 tỷ đồng, tăng gần 5% so với thực hiện 2023 song lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 4,4% còn 3.100 tỷ đồng. Cổ tức năm 2024 dự kiến duy trì mức 30% như năm 2023, tương ứng số tiền dự chi khoảng 1.140 tỷ đồng.
Về kế hoạch đầu tư, doanh nghiệp dự kiến dành 500 tỷ đồng để xây dựng Tổ hợp Xút chất dẻo tại Nghi Sơn giai đoạn 1. Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu và khảo sát để có giấy phép đầu tư cho dự án Alumin. Ngoài ra, công ty cũng sẽ dành 10 tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp trữ lượng tại Khai trường 25.
Theo cập nhật từ phía doanh nghiệp, dự án Tổ hợp Xút chất dẻo tại Nghi Sơn giai đoạn 1 đã được tiến hành thuê tư vấn thiết kế cơ sở để tháng 6/2024 sẽ khởi công tại Khu công nghiệp Nghi Sơn - Thanh Hóa.
Còn với dự án Alumin tại Đắk Nông, tập đoàn vẫn theo đuổi để sớm có giấy phép đầu tư Tổ hợp Nhôm - Alumin có công suất 2 triệu tấn alumin và 300.000 tấn nhôm thỏi. “Đây là dự án lớn vướng nhiều thủ tục, đòi hỏi nhiều bộ ngành liên quan cho ý kiến trước khi cấp giấy phép”, Hoá chất Đức Giang cho hay.
Còn với dự án khai thác quặng apatit tại Khai trường 25, tập đoàn cũng tiến hành nâng cấp khai thác quặng, mở rộng thêm 11 ha, tạo điều kiện để năm 2024 đi vào sản xuất, góp phần cung cấp thêm nguồn nguyên liệu cho tập đoàn.
Trong ĐHĐCĐ thường niên, doanh nghiệp trình cổ đông về việc sáp nhập Công ty Phốt pho 6 vào Công ty TNHH Hóa chất Đức Giang Lào Cai; nghiên cứu sáp nhập CTCP Phốt Pho Apatit Việt Nam (PAT) vào Hoá chất Đức Giang.
Thảo luận:
Con số lợi nhuận kế hoạch năm nay khá thận trọng, nếu các điều kiện thuận lợi và khả quan nhất thì năm nay có thể đạt bao nhiêu?
Chủ tịch HĐQT: Thực ra là khó khăn chứ không phải thận trọng. Năm nay, doanh nghiệp phấn đấu 3.000 tỷ là không hề đơn giản, chưa kể vấn đề điện tăng giá. Hiện tại, tình hình tiêu thụ của tập đoàn vẫn tốt, có gì là bán hết, không ế nhưng giá cả không phải cao. Nếu đặt quá cao thì dễ thành PR cổ phiếu.
Dự tính tình hình kinh doanh quý I năm nay?
Chủ tịch HĐQT: Ước tính lợi nhuận khoảng 700 tỷ, doanh thu khoảng 2.200 tỷ. Quý I vướng tháng Tết nên kết quả kinh doanh không khả quan.
Nếu Việt Nam sản xuất chất bán dẫn thì Hoá chất Đức Giang có hưởng lợi không?
CEO Đào Hữu Duy Anh: Hoá chất Đức Giang chắc chắn sẽ hưởng lợi. Nhà máy sản xuất chất bán dẫn cơ bản là nhà máy hoá chất. Họ sẽ cần rất nhiều hoá chất đầu vào như axit sunfuric, xút, axit photphoric, PCl3, oxy già,… song yêu cầu độ tinh khiết cao hơn. Vì vậy, tập đoàn đang tiến hành nghiên cứu để bước đầu đạt yêu cầu của các nhà máy bán dẫn.
Chủ tịch HĐQT: Nếu một ngày chúng ta xuất axit photphoric cho các nhà sản xuất bán dẫn ở nước ngoài, chúng ta phải nhớ một điều rằng nhiều khi chưa chắc họ đã chọn mình khi mà họ có một chuỗi với nhau.
Chúng tôi xuất phốt pho vàng cho một công ty Hàn Quốc sau đó họ lại làm ra axit photphoric và chất bán dẫn điện tử và bán cho Samsung. Còn chúng ta mà bán trực tiếp cho họ thì hiện nay Hóa chất Đức Giang chỉ bán trực tiếp cho Đài Loan. Do đó, không phải cứ làm ra là có thể bán được. Đây là khó khăn của các nước đang phát triển như Việt Nam. Không phải chúng ta không làm được chất bán dẫn song đầu ra không hề đơn giản vì họ cũng có nhà máy ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,…
Dự án bất động sản dự kiến triển khai trong các năm tới ra sao?
Chủ tịch HĐQT: Nhà nước mới đưa tập đoàn vào diện thí điểm, nhanh thì có thể triển khai trong 2025. Dự án có quy mô khoảng 1.000 căn hộ và 60 căn liền kề. Tập đoàn đã chờ 5 năm nay. Đợt này nhà nước có vẻ mở hơn về việc cấp phép xây dựng chung cư và nhà liền kề.
Giá xuất khẩu phốt pho vàng hiện ra sao, quan điểm về dự báo giá phốt pho vàng trong tương lai?
CEO Đào Hữu Duy Anh: Giá phốt pho vàng có xu hướng tăng nhẹ trở lại sau khi đi qua giai đoạn đáy cuối 2023 và đầu 2024 đã thấy nhu cầu thị trường chính quay trở lại, đặc biệt ở mảng bán dẫn. Trong tương lai giá phốt pho vàng có thể tăng nhẹ, có trở ngại là giá điện tăng. Chúng tôi đã chủ động tăng giá phốt pho theo xu hướng giá điện.
Sức tiêu thụ các sản phẩm axit photphoric tại Việt Nam?
CEO Đào Hữu Duy Anh: Trong nước chủ yếu dùng trong ngành công nghiệp thực phẩm để làm ra đường và dầu ăn, hoặc trong sản phẩm đồ uống giải khát. Sản phẩm cũng được dùng để xử lý bề mặt kim loại như trong việc mạ ô tô sơn ô tô hay mạ kẽm. Sức tiêu thụ yếu, tức khoảng 1.000 tấn đổ lại trong một tháng. Tập đoàn cũng vấp phải sự cạnh tranh từ axit photphoric với chất lượng kém hơn, nhập khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc - chúng tôi hay gọi đây là axit photphoric tái chế.
Đức Giang tiêu thụ trong nước không chủ yếu nên chủ yếu tập đoàn xuất khẩu với yêu cầu chất lượng và giá bán cao hơn.
Với khối tiền nắm giữ lớn, doanh nghiệp có định đầu tư trái phiếu không?
Chủ tịch HĐQT: Chúng ta giữ được bịch tiền này thì đi tới các tỉnh doạ họ mới sợ. Giờ chúng ta làm dự án 2,3 tỷ USD mà tài khoản không có tiền thì ai tin. Chúng tôi không có ước mơ đi kiếm tiền ở trái phiếu khi trái phiếu đang bung bét.
Chúng tôi đang buồn vì ôm bọc tiền này vì không biết làm gì khi chưa giải ngân được ở dự án Đăk Nông hay dự án bất động sản.
Dự án Boxit ở Đăk Nông là một dự án rất nhạy cảm về an ninh chính trị, văn hoá đồng bào nên tốc độ chậm. Còn dự án bất động sản giờ mới hé mở.
Có rất nhiều các công ty tài chính tới để kêu gọi công ty mua trái phiếu nhưng chúng tôi không chơi. Lãi suất 4% thì ăn chắc 4% còn trái phiếu 12% thì cầm tiền lo nơm nớp. Cổ đông phải thông cảm vì chúng ta ôm chặt đống tiền này để dồn lực cho “quả đấm thép”. Do đó, năm nay và sang năm tôi sẽ không đi mua trái phiếu của ai cả.
Doanh nghiệp đi gửi ngân hàng lãi suất 4-5% là dở vì không biết làm gì mới phải đi gửi. Song chúng tôi đi chỉ đi vay với lãi suất 2% nên doanh nghiệp vẫn kiếm được khoảng trăm tỷ mỗi năm.
Dự án Boxit có thể đi vào hoạt động khi nào?
CEO Đào Hữu Duy Anh: Đây là một dự án phức tạp. Dự án cần nhiều ý kiến của bộ, ban ngành và chính phủ cho ý kiến. Để đưa ra kế hoạch xây dựng thì rất khó. Tập đoàn cố gắng ít nhất phải hai năm sẽ có được giấy chứng nhận đầu tư. Việc xây dựng dự án cũng phải mất hai năm nên để đưa dự án vào hoạt động ít nhất 4-5 năm nữa.