Dù chỉ mới thành lập năm 2020 với quy mô ban đầu hơn 100 tỷ đồng, tuy nhiên sau 2 năm hoạt động, DCVFM VNDiamond ETF (Mã CK: FUEVFVND) đã mau chóng vươn lên trở thành một trong những quỹ đầu tư có quy mô lớn nhất thị trường.
Số liệu tại ngày 30/4 cho biết quy mô DCVFM VNDiamond ETF đạt hơn 15.600 tỷ đồng, vượt qua nhiều tên tuổi lâu năm như Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), FTSE Vietnam ETF…để trở thành quỹ ETF có quy mô lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thậm chí, nếu chỉ tính quy mô đầu tư vào chứng khoán Việt Nam thì quy mô DCVFM VNDiamond ETF bằng tổng danh mục hai quỹ VNM ETF và FTSE Vietnam ETF cộng lại (khoảng 700 triệu USD). Đây là điều có phần bất ngờ khi mà VNM ETF và FTSE Vietnam ETF là những quỹ có "thâm niên" lâu năm tại Việt Nam và những đợt đảo danh mục của họ thường gây ra những xáo trộn mạnh trong quá khứ, trong khi VNDiamond ETF chỉ mới thành lập được trong khoảng thời gian ngắn.
Điều gì làm nên sức hút của DCVFM VNDiamond ETF?
Trước đây, nhà đầu tư nước ngoài thường gặp bài toán khó khi muốn sở hữu các cổ phiếu tốt nhưng hết room, điển hình như trường hợp FPT, MWG, PNJ…Để sở hữu những cổ phiếu này, nhà đầu tư nước ngoài không thể mua từ nhà đầu tư trong nước (do kịch room 49%) mà chỉ có thể mua lại từ các nhà đầu tư ngoại khác với mức giá chênh lệch lớn so với thị trường.
Theo thông tin từ những quỹ ngoại hàng đầu như Dragon Capital hay Pyn Elite Fund, mức giá chênh lệch so với thị trường cho MWG lên tới 40%, còn với FPT cũng khoảng 20%, các cổ phiếu khác như PNJ, TCB, REE cũng từ 7 đến 10%. Điều này khiến việc sở hữu những cổ phiếu chất lượng cao trở nên đắt đỏ với nhà đầu tư ngoại.
Tuy vậy, sự ra đời của Diamond ETF đã phần nào giải quyết bài toán này. DCVFM VNDiamond ETF là quỹ ETF sử dụng chỉ số cơ sở là Diamond Index do HoSE cung cấp. Đây là bộ chỉ số gồm các cổ phiếu chất lượng cao nhưng đã hết room/gần hết room, bao gồm MWG, FPT, PNJ, TCB, REE, MBB, VPB…là những cổ phiếu "hot" mà khối ngoại luôn săn đón.
Đặc điểm của Diamond ETF là nhà đầu tư ngoại có thể mua không giới hạn, không có rào cản về room. Điều này giúp họ có thể gián tiếp sở hữu các cổ phiếu đã kín room như FPT, MWG, REE, TCB…với chi phí thấp hơn nhiều so với trước đây.
Trên thực tế, ngay từ khi ra mắt vào năm 2020, DCVFM VNDiamond ETF đã thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư nước ngoài và trở thành quỹ hút tiền hàng đầu thị trường. Riêng trong năm 2021, DCVFM VNDiamond ETF đã thu hút lượng vốn mới đổ vào lên tới hơn 4.000 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2022, quỹ tiếp tục thu hút thêm gần 1.700 tỷ đồng.
Sức hút của Diamond ETF còn được thấy qua việc Bualuang Securities mới đây đã hoàn tất việc niêm yết chứng chỉ lưu ký (DR - Depositary Receipt) dựa trên chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF trên thị trường chứng khoán Thái Lan, giúp nhà đầu tư quốc gia này có thể dễ dàng đầu tư vào chứng khoán Việt Nam thông qua Diamond ETF.
Ngoài ra, với danh mục gồm nhiều cổ phiếu chất lượng cao, DCVFM VNDiamond ETF cũng luôn là quỹ đầu tư có hiệu suất tốt hàng đầu thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi thành lập tới nay.
Sự thất thế của VNM ETF và FTSE Vietnam ETF
Trong khoảng 2 năm qua, VNM ETF và FTSE Vietnam ETF đang dần thất thế trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Những đợt cơ cấu danh mục của 2 quỹ này khá "nhạt" và không còn sức ảnh hưởng lớn như trước khi mà quy mô ngày càng thu hẹp.
Một trong những nguyên nhân chính khiến VNM ETF và FTSE Vietnam ETF đang dần mất sức hút đến từ thành phần cổ phiếu trong danh mục. Do đặc thù là quỹ ngoại nên VNM ETF và FTSE Vietnam ETF không thể mua thêm được những cổ phiếu đã hết room như Diamond ETF (pháp nhân nội). Điều này khiến danh mục 2 quỹ trên đa phần là các Bluechips như VIC, VHM, VRE, VNM, NVL, MSN…Ngoài ra, với đặc tính ETF là ưu tiên tính thanh khoản, vốn hóa khiến cho không ít lần các quỹ này đã đưa những cổ phiếu không thực sự có yếu tố cơ bản vào danh mục.
Với cơ cấu danh mục có phần "lỗi thời", VNM ETF và FTSE Vietnam ETF dần kém cạnh tranh hơn so với quỹ mới thành lập là Diamond ETF. Bên cạnh đó, hiệu suất đầu tư của bộ đôi ETF ngoại này cũng thường xuyên "đội sổ" càng khiến nhà đầu tư không mặn mà và xu hướng rút vốn là tất yếu.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, FTSE Vietnam ETF đã bị rút ròng 85 triệu USD và trong 4 tháng đầu năm nay tiếp tục bị rút thêm 21 triệu USD. Trong khi đó, VNM ETF cũng bị rút ròng hơn 26 triệu USD từ đầu năm tới nay.