Ngày 1/5, thông tin từ BS Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết, tại đây vừa tiếp nhận cấp cứu 2 trường hợp bị tai nạn lao động trong tình trạng rất nặng.
Trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân (29 tuổi, quê Hải Dương) nhập viện trong tình trạng tê, giảm cảm giác 2 chân từ ngang bẹn trở xuống. Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận, người bệnh bị liệt hoàn toàn 2 chân, bí tiểu.
Tai nạn xảy ra khiến bệnh nhân bị vỡ đốt sống thắt lưng, gãy trật xương nhiều vị trí trên cơ thể
Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân (27 tuổi, quê Tiền Giang) nhập viện trong tình trạng đau cột sống thắt lưng, tê từ bẹn xuống và liệt hoàn toàn 2 chân, bí tiểu.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ các bệnh nhân ghi nhận, trước khi tai nạn xảy ra, họ đang làm nhiệm vụ sửa thang máy tại một tòa nhà cao tầng. Khi cả hai cùng bước vào thang máy bất ngờ tuột cáp rơi từ lầu 7 xuống đất. Cả hai đã được sơ cứu tại hiện trường rồi chuyển đến Bệnh viện Nhân Dân 115 cấp cứu.
Xác định 2 bệnh nhân trong tình trạng chấn thương cột sống rất nặng, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa và quyết định thực hiện liên tiếp 2 cuộc phẫu thuật cấp cứu, nắn chỉnh, cố định cột sống, giải ép tủy với hy vọng phục hồi lại vận động cho cả 2 bệnh nhân.
Tuy nhiên, tình trạng chấn thương cột sống các bệnh nhân phải đối mặt rất nặng nề nên khó có cơ hội phục hồi. Cả hai bệnh nhân còn rất trẻ nhưng sau tai nạn sẽ phải đối mặt với di chứng liệt 2 chân, mất khả năng đi lại.
Từ 2 trường hợp trên, BS Chu Tấn Sĩ cho biết, chấn thương cột sống là tai nạn thường gặp trong sinh hoạt, lao động hàng ngày, trong đó, tai nạn lao động chiếm khoảng 20%. Nạn nhân bị chấn thương cột sống thường do té từ trên cao và để lại di chứng yếu liệt rất nặng nề gây tàn phế. Người bệnh thường tốn kém chi phí cho điều trị, chế độ chăm sóc kéo dài, phục hồi chức năng khó khăn. Đặc biệt, người bị tai nạn có thể mất mất khả năng sinh hoạt và lao động.
Tai nạn lao động luôn tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường, cộng đồng cần nâng cao cảnh giác
Từ thực tế trên, ông khuyến cáo: “Đối với các đơn vị sử dụng người lao động cần ban hành và triển khai những cảnh báo, quy định, quy trình chi tiết chặt chẽ và tập huấn kỹ lưỡng cho người lao động về đảm bảo an toàn lao động, phòng ngừa những sự cố tai nạn lao động đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, cần có những chính sách về bảo hiểm tai nạn lao động, hỗ trợ chi phí, động viên quan tâm cho những trường hợp người lao động không may bị tai nạn trong quá trình lao động”.
Người lao động cần đặc biệt chú ý tuân thủ các hướng dẫn về an toàn lao động nghiêm ngặt. Phải đặc biệt chú ý cảnh giác đảm bảo an toàn trong các trường hợp lao động dưới các điều kiện nguy cơ cao như leo trèo sửa chữa các vị trí cao, sửa tháng máy, các thao tác kỹ thuật lao động phức tạp không đảm bảo thăng bằng hoặc không có phương tiện bảo hộ chắc chắn. Bên cạnh đó, người lao động nên tìm hiểu đầy đủ về chính sách chế độ bảo hiểm tai nạn lao động nghề nghiệp của công ty chủ quản để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bản thân.
“Những người bị tổn thương tủy sống, yếu liệt chi thường đối mặt với biến chứng và thương tật thứ như loét da do đè ép, nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm trùng tiết niệu, huyết khối tĩnh mạch sâu, teo cơ, cứng khớp, co rút biến dạng. Để tránh nguy cơ gặp biến chứng, người bệnh cần kiên trì tập thở, tập ho, tập vận động đúng tư thế, tập theo tầm vận động, tập di chuyển tại giường, tập di chuyển từ giường ra xe lăn và ngược lại, tập làm mạnh cơ, tập thăng bằng ngồi tĩnh và động, tập đi, tập với các dụng cụ trợ giúp” – BS Chu Tấn Sĩ.