Mặc dù số lượng người có nhu cầu kiểm định xe tại Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) số 2910D - Đền Lừ (TTĐK Đền Lừ) vẫn đông và vượt khả năng đáp ứng, nhưng trong ngày 7/2, ghi nhận tại đây PV Tiền Phong thấy rằng, có đến 80 xe ô tô - tương đương 70% công suất được TTĐK Đền Lừ kiểm định thông qua đăng ký trực tuyến từ trước. “Do đã đăng ký trước theo lịch làm việc của trung tâm nên các xe đã đăng ký cứ đến là được chúng tôi kiểm định ngay, không phải chờ đợi”, ông Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Đền Lừ nói.
Kiểm tra phương tiện ô tô tại TTĐK Đền Lừ đầu năm 2023 Ảnh: Anh Trọng
Khác với 80 xe đăng ký trực tuyến trên, ngày 7/2 có cả trăm chủ xe ô tô có nhu cầu kiểm định và đưa xe trực tiếp đến TTĐK Đền Lừ đã phải xếp hàng chờ trên đường. Ông Cường cho biết, trung tâm có hai làn vào dây chuyền đăng kiểm, một làn dành cho xe đăng ký trước, một làn dành cho các xe đến lấy số đăng ký, nếu trong khoảng thời gian ngắn có nhiều xe cùng đến thì nhất thiết phải xếp hàng chờ đến lượt. Còn nếu chủ xe đăng ký trực tuyến, trung tâm sẽ làm tuần tự theo lịch khách đã đăng ký.
Tại các trung tâm đăng kiểm khác trên địa bàn Hà Nội như Cầu Giấy (2903V), Phạm Văn Đồng (2927D) cũng đã thực hiện kiểm định xe qua app đăng ký trực tuyến, số lượng ô tô xếp hàng dài trên đường đã giảm.
Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, trước tình trạng quá tải, để giảm thời gian xếp hàng của chủ xe trên đường từ đầu năm 2023, Cục Đăng kiểm đã triển khai thí điểm phần mềm đăng ký đăng kiểm trực tuyến để giảm thời gian chờ đợi của chủ xe. Trong tuần qua, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản đề nghị 19 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động áp dụng và thực hiện một số giải pháp để nâng cao công tác kiểm định, giảm quá tải.
Sửa quy định để “quản” trung tâm đăng kiểm
Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, hoạt động đăng kiểm xe cơ giới đang bộc lộ nhiều lỗ hổng. Với Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã tạo thay đổi lớn trong hoạt động kiểm định phương tiện, tuy nhiên hiện nay số lượng các Trung tâm đăng kiểm tư nhân (doanh nghiệp, cá nhân quản lý) phát triển theo hình thức xã hội hóa thời gian qua đã tăng chóng mặt.
Theo đó, nếu năm 2018, toàn quốc có 172 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thì đến năm 2022 đã tăng lên tới 280 trung tâm, trong đó 196 đơn vị hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Việc có quá nhiều trung tâm đăng kiểm xã hội hóa đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nhiều trung tâm chạy theo số lượng đã bất chấp quy chuẩn, quy định, bỏ qua nhiều nội dung, hạng mục kiểm tra khi đăng kiểm xe cơ giới.
Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng điều hành Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, năm 2023, Cục sẽ rà soát toàn bộ hệ thống văn bản về kiểm định xe cơ giới, đề xuất sửa đổi theo hướng tăng cường quản lý, siết chặt điều kiện kiểm định, điều chỉnh quy định còn bất cập, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp khi đi kiểm định.