Từ ngày 6 đến 8-2, ghi nhận thực tế trên hàng loạt đường phố trong TP HCM, phóng viên không khó để nhận thấy rất nhiều tuyến đường có vỉa hè đang bị chiếm dụng.
Mạnh ai nấy lấn
Điểm đầu tiên chúng tôi ghé tới là khu vực Hồ Con Rùa, quận 3 - nơi giao của 3 tuyến đường Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân. Đây là khu vực tập trung nhiều quán cà phê, quán ăn... và theo quan sát, tình trạng đỗ xe máy, ôtô trên vỉa hè, lòng đường tràn lan, có đoạn không còn không gian cho người đi bộ. Đặc biệt, hai thời điểm trưa và chiều tối, tại một số quán ăn, quán cà phê…, nhân viên thản nhiên cho nhiều xe máy dựng dưới lòng đường.
Một quán ăn cho xe máy đậu tràn xuống lòng đường khu vực Hồ Con Rùa Ảnh: ANH VŨ
Hình ảnh tương tự cũng xuất hiện tại các đường Rạch Bùng Binh, Bà Huyện Thanh Quan, Võ Văn Tần (quận 3).
Tại quận 1, một số tuyến đường như Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Nguyễn Thị Minh Khai... có vỉa hè rộng nhưng do tập trung nhiều hoạt động kinh doanh nên đa phần người dân tận dụng làm chỗ đậu xe cho khách. Một số chỗ khác thì được tranh thủ đặt xe bán bánh mì, bàn ghế để kinh doanh giải khát.
Khu vực trung tâm là thế, ở các quận xa hơn, hiện tượng tự ý dùng vỉa hè làm của riêng cũng không kém phần sôi động, đặc biệt là các tuyến đường mới có nhiều khu dân cư, khu công nghiệp. Như vỉa hè đường Tây Thạnh (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú), do nằm giáp với KCN Tân Bình nên ban ngày vắng vẻ nhưng ban đêm trở thành mặt bằng buôn bán quần áo, quán nước, quán nhậu cho hàng chục hộ dân dọc hai bên đường.
Ban đêm gần như toàn bộ vỉa hè rộng 6 m của đường Tây Thạnh, quận Tân Phú bị chiếm dụng để buôn bán, giữ xe quán nhậu Ảnh: THU HỒNG
TP Thủ Đức không "thua chị kém em" khi nhiều tuyến đường có hoạt động kinh doanh lớn như Hoàng Diệu 2, Võ Văn Ngân, Lê Văn Việt…, việc lấn chiếm vỉa hè để buôn bán cũng khá rầm rộ.
Muốn được "chính danh"
Tấp vào một chỗ bán quần áo có diện tích gần 50 m2 trên vỉa hè đường Tây Thạnh, chúng tôi được chủ tiệm cho biết do chỗ này rộng lại ít phương tiện qua lại vào ban đêm nên nhiều người bày quần áo ra bán giá mềm cho công nhân. Thu nhập không nhiều nhưng ai cũng phập phồng vì sợ cơ quan chức năng xử phạt. Nếu sắp tới thành phố cho phép người dân sử dụng vỉa hè và thu phí công bằng, hợp lý, hẳn nhiều người đồng ý.
Anh Trần Minh Tuấn (quận Gò Vấp) cho hay sống nhờ vỉa hè đường Phạm Văn Đồng nhiều năm nay bằng việc mở quán ăn, anh sẵn sàng trả phí và mong muốn chính quyền sớm cấp phép để được "sử dụng vỉa hè chính danh".
"Diện tích mặt bằng của đa số hộ kinh doanh cạnh tuyến đường này nhỏ nên rất cần sử dụng một phần không gian vỉa hè. Khi thành phố quy định rõ ràng mức phí, người dân không cần phải kinh doanh "chui" mà nhà nước lại thu được tiền, rất thuận tiện" - anh Tuấn nói.
Cùng suy nghĩ, bà Mai Hiếu Như (chủ quán ăn trên đường Hoàng Diệu 2, TP Thủ Đức) cho biết bà đang có nhu cầu mở rộng quán ra phần vỉa hè để việc kinh doanh thuận tiện nhưng chưa dám vì sợ bị xử lý. Theo bà Như, nếu thành phố cho phép sử dụng có trả phí thì người dân sẵn sàng ủng hộ. Điều này cũng góp phần khiến mỹ quan đô thị đỡ "mạnh ai nấy phá", để quy củ hơn.
Cần tính kỹ
Theo các chuyên gia, việc thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè nếu được triển khai kỹ lưỡng, có quy hoạch rõ ràng, công khai, minh bạch không chỉ giúp ổn định trật tự lòng lề đường mà còn tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, hạn chế tình trạng bát nháo, bảo kê hiện nay.
Ủng hộ đề xuất thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè mà TP HCM đang hoàn chỉnh đề án, TS Dương Như Hùng, Trưởng Khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho rằng do đặc thù nên từ lâu kinh tế vỉa hè tồn tại ở TP HCM. Để dần đưa tình trạng lấn chiếm, sử dụng vỉa hè vào trật tự, bảo đảm mỹ quan, an toàn giao thông, tránh ùn ứ thì trước khi triển khai đề án, thành phố cùng các sở, ngành, địa phương phải rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ thực trạng giao thông và tác động giao thông trên các tuyến đường, quanh khu vực có thể cho sử dụng tạm vỉa hè để thu phí.
Vỉa hè đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) nhiều chỗ bị chiếm dụng toàn bộ Ảnh: ANH VŨ
"Khi triển khai, có thể khuyến khích sử dụng vỉa hè vào ban đêm vì nhu cầu kinh doanh, buôn bán ban đêm rất phong phú. Về quản lý thu phí, thành phố nên có một cơ quan đứng ra cùng địa phương quản lý để bảo đảm tính công khai, minh bạch và quá trình quản lý cần áp dụng công nghệ, các phần mềm để tăng tính hiệu quả" - TS Dương Như Hùng nêu ý kiến.
Đồng quan điểm ủng hộ việc thu phí sử dụng tạm vỉa hè, kiến trúc sư Phan Tấn Lộc (Việt kiều Pháp) lưu ý cần có sơ đồ tổ chức không gian, nghiên cứu về nhu cầu của người dân và giới hạn tối đa ảnh hưởng đến luồng giao thông.
"Tại TP HCM, không gian lòng đường, vỉa hè lâu nay bị chiếm dụng vô tội vạ, tiền bất minh lọt vào tay những cán bộ không gương mẫu hoặc các nhóm bảo kê. Cần nghiên cứu sâu để có sơ đồ tổ chức không gian hợp lý. Trong đó, nên sử dụng phần vỉa hè 2 m tính từ mặt tiền nhà ra để làm không gian đi bộ, còn không gian sát với mặt đường thì cho sử dụng để kinh doanh, lắp đặt bảng quảng cáo…" - kiến trúc sư Phan Tấn Lộc đề xuất.
Chuyên gia này cũng nói cần có khảo sát về nhu cầu sử dụng vỉa hè, lòng đường của người dân. Đồng thời, phải tổ chức buôn bán, kinh doanh như thế nào để khi người dân sử dụng những dịch vụ này không làm ảnh hưởng đến giao thông quanh khu vực.
Dễ nhận thấy tình trạng chiếm dụng vỉa hè diễn ra tràn lan tại tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đi qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận. Tuyến này đa số bị các hộ dân kinh doanh tận dụng làm chỗ để xe cho khách.
Nhiều chỗ vỉa hè đường Hoàng Sa, quận 3 đã hẹp còn bị chiếm dụng để buôn bán Ảnh: THU HỒNG
Bảo đảm mỹ quan, hiệu quả
Để hoàn chỉnh dự thảo và xây dựng đề án Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, các quận, huyện, TP Thủ Đức, Ban Quản lý khu đô thị đang rà soát hiện trạng hạ tầng giao thông đường bộ, lên danh mục các tuyến đường dự kiến đáp ứng điều kiện để tổ chức các hoạt động sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, quy định mới về quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố nhằm quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố bảo đảm an toàn, hiệu quả và mỹ quan đô thị. Việc sử dụng tạm lòng đường ngoài mục đích giao thông phải bảo đảm lòng đường còn lại đủ bố trí 2 làn ôtô cho một chiều lưu thông, bảo đảm kết cấu mặt đường và an toàn cho người đi bộ...
10 trường hợp đóng phí
Trong dự thảo về quy định quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè thay thế Quyết định số 74/2008 của UBND TP HCM, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đưa ra nhiều nội dung đáng lưu ý. Trong đó, 10 trường hợp sẽ đóng phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè.
Cụ thể 7 trường hợp sử dụng tạm thời vỉa hè phải đóng phí gồm: Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ mua bán hàng hóa; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ công cộng có thu tiền sử dụng; điểm bố trí lắp đặt các công trình tạm, các trụ quảng cáo tạm; điểm tồ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội); trông giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng phục vụ thi công công trình hộ gia đình; điểm trông giữ xe có thu phí.
Ngoài ra 3 trường hợp sử dụng tạm lòng đường có thu phí gồm nơi tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ ôtô phục vụ các hoạt động văn hóa có thu tiền sử dụng; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; nơi bố trí điểm trông giữ xe có thu phí.