Thời sự

Lãnh đạo Vingroup, Sun Group, Sovico nêu loạt kiến nghị nhằm phát triển du lịch quốc tế

Phát biểu tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững diễn ra sáng 15/11, đại diện các doanh nghiệp lớn trong ngành du lịch đã nêu loạt kiến nghị nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến của du lịch quốc tế.

Miễn visa linh hoạt theo giai đoạn

Cụ thể, đại diện Tập đoàn Vingroup, Sovico nêu kiến nghị về chính sách miễn visa linh hoạt, miễn visa cho một số thị trường chủ lực trong một số giai đoạn ngắn hạn theo chiến lược phát triển du lịch quốc gia hay việc đầu tư vào công nghệ, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào các hoạt động quản lý xuất nhập cảnh, cấp e-visa nhanh chóng và thuận tiện cho du khách quốc tế.

Đại diện Sun Group thì đề xuất Chính phủ mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu cho du lịch lớn và thời gian lưu trú dài hạn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại thuộc EU và một số nước khu vực Trung Đông như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Saudi Arabia, Kuwait…

Bên cạnh đó, cần nghiêm túc xây dựng kế hoạch hành động du lịch xanh – bền vững quốc gia và hành động để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) cho các cơ sở du lịch, khách sạn... Đây là một trong những chỉ số được du khách từ các nước phát triển đặc biệt đánh giá cao trong việc lựa chọn điểm đến.

Hỗ trợ hàng không vượt qua "nghịch cảnh"

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings. (Ảnh: VGP).

Với ngành hàng không, trong bối cảnh còn rất nhiều thách thức đối với cả ngành du lịch, hàng không, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings nêu kiến nghị về việc Chính phủ cần tiếp tục có các hỗ trợ về thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm phí cho các đường bay quốc tế mới, ngành ngân hàng giảm lãi suất cho hàng không, khách sạn, du lịch.

Cũng như có các chính sách hỗ trợ về phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam, chính sách quản lý slot bay, quản lý hoạt động khai thác tại các Cảng hàng không để tăng năng lực thông qua các cảng hàng không.

Bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group cũng nêu kiến nghị về việc tăng cường hợp tác hàng không.

Sun Group đề xuất Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thúc đẩy công tác mở rộng thị trường, hợp tác với các quốc gia, các hãng hàng không, mở thêm đường bay, đặc biệt ở các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia… Đồng thời, mở lại các đường bay thẳng, đón dòng khách từ Nga và các quốc gia Đông Âu.

Đại diện Vietnam Airlines thì đề xuất cần xây dựng kế hoạch phát triển hàng không xanh và bền vững. Đây không chỉ là cam kết của Chính phủ tại COP26 mà còn là sự quan tâm của khách hàng với vấn đề du lịch xanh và bền vững.

"Nếu chúng ta không triển khai tốt việc này thì du lịch Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Ví dụ với hàng không đang thực hiện net-zero đến năm 2050, khí thải bằng 0, trong đó triển khai là sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường", ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nói.

Đến năm 2023 ngành hàng không phải sử dụng 10% loại nguyên liệu này. Để thực hiện được việc này, các hãng hàng không không thể tự làm được mà còn cần sự hỗ trợ của các Bộ, ngành để tổ chức và sản xuất được nhiên liệu sạch này để hàng không sử dụng.

Mở rộng đối tượng mua bất động sản nghỉ dưỡng

Bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group. (Ảnh: VGP).

Về bất động sản nghỉ dưỡng đối với người nước ngoài, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group cho biết theo quy định hiện hành, người nước ngoài chỉ được mua nhà ở, chưa được mua các hình thức khác như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong khi nhu cầu thực tế là có.

Trong khi các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan,… loại hình này đang phát triển khá mạnh mẽ, thu hút nguồn đầu tư khá ổn định. Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản sẽ góp phần thu hút lượng khách lớn tới Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá, giải trí.

Từ đó, du khách quốc tế sẽ có thời gian lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn, quay trở lại nhiều lần và mở ra những cơ hội đầu tư lớn. Bên cạnh đó, việc mở rộng đối tượng mua bất động sản nghỉ dưỡng là người nước ngoài sẽ thu hút lượng ngoại tệ lớn; góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam thân thiện, yên bình, đáng sống ra thế giới.

Vì vậy, Sun Group cần xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài và bất động sản nghỉ dưỡng, giúp tăng trưởng kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Khi xây dựng cơ chế, chính sách, cần lưu ý cụ thể từ khâu điều kiện mua, quy định thanh toán, loại hình kinh doanh, chuyển lợi nhuận…

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel. (Ảnh: VGP).

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel) cũng đề xuất cần sửa đổi Luật Đất đai theo hướng bổ sung vấn đề du lịch, phát triển các khu du lịch. Hiện nay Luật Đất đai đang bỏ sót phần du lịch. "Dự thảo đang được trình Quốc hội, chúng tôi đề nghị xem xét để tránh việc bỏ sót", ông Kỳ nói. 

Ông cũng nêu vấn đề về việc Chính phủ về khống chế mức trần lãi vay hiện nay không giúp cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn được. Ngân hàng có hoạt động chuyển đổi rất tốt thúc đẩy doanh nghiệp du lịch tiếp cận vốn, tuy nhiên Nghị định 132 nếu áp dụng tinh thần cho vay 30% như hiện nay vô hình trung doanh nghiệp bị vướng hết.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm