Chứng khoán

Lãnh đạo và cổ đông lớn dự kiến mua ròng 2.300 tỷ đồng cổ phiếu trong tháng 11, lực cầu có đủ mạnh để ‘đỡ giá’?

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 10, VN-Index dừng chân tại mốc 1.027,94 điểm, giảm 9,2% so với tháng trước đó và bốc hơi 33% từ vùng đỉnh tháng 4.

Với những diễn biến kém sắc của thị trường chung, thị giá nhiều cổ phiếu giảm 50 - 70% từ đỉnh. Trong bối cảnh trên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ồ ạt đăng ký mua cổ phiếu.

Gần đây  bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, Mã: DIG) và là con gái Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn vừa đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu DIG nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ ngày 7/10 đến ngày 4/11.

Theo thông báo, phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, số lượng cổ phiếu DIG mà bà Huyền nắm giữ sẽ tăng từ hơn 22 triệu đơn vị lên hơn 42 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu tăng từ 3,61% lên 6,89% vốn điều lệ và bà Huyền sẽ có mặt trong danh sách cổ đông lớn của công ty.

Động thái đăng ký mua cổ phiếu của bà Huyền diễn ra trong bối cảnh thị giá DIG liên tục trượt dài trong hơn hai tháng gần đây với tỷ lệ mất giá lên đến gần 58%. Chỉ trong tháng 10, mã này có tới 8 phiên giảm hết biên độ, dừng phiên hôm nay ở mốc 17.700 đồng/cp. Với thị giá hiện nay, bà Huyền dự chi 354 tỷ đồng để mua hết 20 triệu cp như đã đăng ký.

Tương tự, bà Mai Trần Thanh Trang, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã: KDH) đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu KDH từ ngày 31/10 đến ngày 29/11 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Nếu giao dịch thành công, bà Trang sẽ nâng sở hữu tại Nhà Khang Điền từ hơn 10,34 triệu cổ phiếu lên 20,34 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 2,84%.

Cũng trong thời gian này, quỹ ngoại trực thuộc VinaCapital là VOF Investment Limited cũng đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu KDH theo giao dịch thoả thuận hoặc khớp lệnh. Hiện nhóm quỹ VinaCapital đang sở hữu khoảng 12% vốn điều lệ tại Nhà Khang Điền.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KDH đã giảm hơn một nửa giá trị tính từ đầu năm. Tạm tính theo giá thị trường, bà Trang và VOF Investment Limited cùng phải chi gần 230 tỷ đồng để mua đủ số lượng cổ phiếu đăng ký.

Hay như ông Phạm Lê Việt Anh, con trai bà Lê Thị Liên, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng vừa đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu, tương đương 0,025% vốn điều lệ ngân hàng để đầu tư tài chính.

Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 28/10 đến ngày 27/11 theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận. Hiện tại, ông Việt Anh không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại MSB, còn bà Lê Thị Liên đang sở hữu hơn 636.900 cổ phiếu.

Cổ đông nội bộ đăng ký mua ròng khoảng 2.300 tỷ đồng tháng 11

Theo thống kê của FiinTrade, trong 3 tháng trở lại đây, cổ đông lãnh đạo và người liên quan liên tiếp mua ròng cổ phiếu và dự kiến tháng 11 này sẽ mua ròng 1.100 tỷ đồng từ lãnh đạo và người liên quan và 1.200 tỷ đồng từ các cổ đông tổ chức lớn (sở hữu trên 5%). Tổng giá trị mua ròng từ cổ đông nội bộ dự kiến trong tháng 11/2022 là 2.300 tỷ đồng.

Nếu so với các giai đoạn mua ròng trước đây, giá trị các giao dịch đăng ký mua của lãnh đạo và người liên quan này chưa hẳn đột biến. Tuy nhiên nếu so với quy mô thanh khoản thị trường - hiện chỉ khoảng 10.000 tỷ đồng/phiên so với 20.000 – 25.000 tỷ đồng của năm ngoái, lực mua ròng này cũng có vai trò hỗ trợ giá cổ phiếu nếu như các lãnh đạo thực sự mua vào đúng như đã đăng ký.

 Nguồn: FiinPro Platform.

Xét theo nhóm ngành, bất động sản là nhóm cổ phiếu được cổ đông nội bộ, chủ yếu là các tổ chức và ban lãnh đạo đăng ký mua vào tích cực nhất với giá trị mua ròng dự kiến khoảng 2.100 tỷ đồng

Tuy nhiên, nhóm phân tích của FiinTrade đánh giá lực mua không phân tán trên diện rộng mà tập trung vào một số cổ phiếu như NVL, KDH, NLG, DXG và DIG. Đây đều là những cổ phiếu có giá giảm khá sâu trong các tháng gần đây và cũng thường xuyên có các giao dịch mua/bán của các lãnh đạo và người liên quan. Chỉ số giá nhóm cổ phiếu bất động sản đã giảm 19% trong 3 tháng và 4% trong tuần vừa qua với áp lực bán không ngừng tăng lên.

Chia sẻ trong Talkshow Phố Tài chính, ông Bùi Văn Huy Giám đốc Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, CTCP Chứng khoán DSC cho rằng trong những nhịp rơi vừa qua đặc biệt là trong vùng giá thấp, đã xuất hiện những lực cầu đầu tiên của những nhà đầu tư lớn, những quỹ nước ngoài. Họ sẵn sàng mua và nắm giữ dài hạn cổ phiếu của những doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tốt hay duy trì được tỷ lệ tiền mặt ở mức cao.

“Trong bối cảnh thị trường giảm mạnh như hiện tại, nhiều nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp hay cổ đông nội bộ thấy giá cổ phiếu rơi sâu, họ sẵn sàng có nguồn tiền tạo cầu ở đó. Do đó nếu không có sự thay đổi quá lớn về mặt hệ thống, từ nay đến cuối năm thị trường vẫn duy trì được ở trên mức 1.000 điểm”, chuyên gia này nhận định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm