Dù không được pháp luật Việt Nam (VN) thừa nhận nhưng tiền ảo (còn có các tên gọi khác như tiền điện tử, tiền kỹ thuật số) vẫn được giao dịch nhiều trên thị trường, núp bóng dưới nhiều hình thức đầu tư kinh doanh.
Điểm nóng giao dịch tiền ảo trong khu vực
Theo hãng tin Nikkei Asia, báo cáo từ Công ty dữ liệu blockchain Chainalysis cho thấy từ tháng 7-2021 đến tháng 6-2022, VN và Thái Lan đã ghi nhận hơn 100 tỉ USD giá trị mua bán tiền ảo.
Công ty dữ liệu này cũng cho biết VN và Thái Lan chứng kiến giao dịch tiền ảo tăng cao trong thời gian qua. Thái Lan ghi nhận 135,9 tỉ USD giá trị giao dịch tiền ảo trong năm, trong khi VN đạt 112,6 tỉ USD.
Thời gian gần đây, thú “chơi” tiền ảo được nhiều người dân tham gia và không ít ngườiđã mất trắng. Ảnh: Q.HUY
TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, cho biết trên thế giới hiện có khoảng 3.000 loại tiền ảo tồn tại. Trong đó, năm đồng tiền ảo có vốn hóa lớn nhất và giao dịch nhiều nhất là bitcoin, ethereum (ETH), binance coin, XRP và tether.
Trong phiên thảo luận ở tổ vào chiều 24-10, nêu ý kiến vào dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay khi thảo luận ở Chính phủ có ý kiến liên quan tới điều chỉnh giao dịch bằng tiền ảo và chống rửa tiền qua loại tiền này. VN chưa công nhận tiền ảo nên Chính phủ thống nhất chưa quy định loại tiền này vào dự luật trình Quốc hội. Tuy nhiên, thực tế tiền ảo vẫn được sử dụng, giao dịch nên cần nghiên cứu chế tài phù hợp và giao Chính phủ quy định chi tiết. |
“Tuy nhiên, tiền ảo không được nhiều nước công nhận là một loại tiền tệ và VN cũng vậy. Tiền ảo không được coi là một phương tiện thanh toán, không cho phép kinh doanh, tàng trữ. Do vậy các hoạt động liên quan đến tiền ảo là bất hợp pháp” - TS Nhân nói.
Tại VN, các loại tiền ảo được biết đến từ khoảng năm 2010. Hình thức đầu tư, kinh doanh tiền ảo chủ yếu là dạng các máy tính có thể “đào” các đồng tiền ảo như bitcoin. Giới chơi tiền ảo có thể tự giao dịch trên các trang web có máy chủ đặt ở nước ngoài hoặc tự giao dịch trong nước bằng hình thức chuyển tiền ảo qua “ví” là các tài khoản trên sàn, còn tiền thật là VND sẽ chuyển qua ngân hàng.
Sau vài năm, đồng bitcoin cũng như các đồng tiền ảo khác biến động, đào tiền ảo không có lợi nhuận, hoạt động tiền ảo tại VN chuyển sang hướng tiêu cực. Theo TS Nhân, tiền ảo đang bị một số cá nhân, tổ chức lừa đảo lợi dụng để trục lợi.
Lợi dụng tính ẩn danh của các đồng tiền ảo, đa số tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này không đăng ký thành lập doanh nghiệp tại VN. Các đối tượng và nhà đầu tư liên hệ qua các nhóm kín trên mạng xã hội và huy động thu lợi bằng tiền ảo thay vì tiền VND như trước đây.
“Cái kết sau khi “lùa gà” với số tiền lên tới hàng ngàn tỉ thì chủ sàn tiền ảo tự đánh sập web, ôm tiền bỏ trốn, nhà đầu tư mất trắng” - ông Nhân chỉ ra.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên quản trị tài chính quốc tế Học viện Tài chính, trên thế giới hiện chỉ duy nhất Ecuador coi tiền ảo là tiền. Dù không được pháp luật thừa nhận nhưng thực tế thị trường lại có nhiều cá nhân, doanh nghiệp lập sàn kinh doanh tiền ảo, hoạt động rất sôi nổi, đa dạng.
“Hoạt động tiền ảo lôi kéo người tham gia với cam kết lợi nhuận rất lớn không loại trừ nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt số tiền của người tham gia” - ông Thịnh nói.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính ngân hàng:
Nghiên cứu đánh thuế như tài sản ảo trong tương lai
Tiền ảo không đại diện cho bất kỳ loại hàng hóa, tiền tệ nào. Vì thế, các nước chỉ quản lý tiền ảo khi có giao dịch để thu thuế. VN cần nghiên cứu chuyên sâu để xác định vị trí, vai trò của tiền ảo trong nền kinh tế, từ đó hạn chế tác hại và quản lý đánh thuế nó ở một mức độ nhất định như một tài sản ảo.
Quan trọng nhất, chúng ta phải tuyên truyền để người dân không bị lôi kéo vào kinh doanh đa cấp tiền ảo lừa đảo. Việc đầu tư kinh doanh tiền ảo không được pháp luật bảo hộ và người dân có thể mất trắng bất cứ lúc nào. Sẽ rất lãng phí nếu số tiền thay vì đầu tư vào sản xuất thì là chảy vào tiền ảo như một trò chơi, vi phạm pháp luật.
Luật sư TRẦN XOA, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Việt Nam cần nghiên cứu đầy đủ về các loại tiền ảo
Việc nghiên cứu tiền ảo đã được các quốc gia trên thế giới thực hiện rất nhiều và VN cũng phải làm. Nói đến tiền phải có giá trị, giá trị sử dụng và được chính phủ của một quốc gia thừa nhận. Đồng thời có các cơ chế, chính sách, luật pháp để đồng tiền đó lưu thông một cách ổn định.
VN cần nghiên cứu các hoạt động về tiền ảo để có biện pháp quản lý và xử lý phù hợp. Với các đối tượng lừa đảo kinh doanh loại tiền này thì cơ quan chức năng cần tăng cường theo dõi, xử lý nghiêm. Song song đó, phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ nếu tham gia sẽ không có bất cứ ai hay luật pháp nào bảo vệ.
Nguy cơ rửa tiền, cần quản lý chặt
Các chuyên gia cho biết trên thế giới tiền ảo được coi là công cụ rửa tiền vì nhanh gọn, dễ dàng giao dịch vì không có cơ quan nhà nước nào quản lý. Tiền ảo có thể mua bán giữa các chủ thể xuyên quốc gia và không cần chuyển tiền qua hệ thống tài chính ngân hàng. Do đó, việc truy vết nằm ngoài khả năng của các ngân hàng.
Trong thực tế giao dịch, giới kinh doanh sử dụng tiền ảo đều có khả năng móc nối với các chủ thể trong nền kinh tế quốc dân để mua bán ngoại tệ trên thị trường chợ đen. Nhờ đó họ chuyển hóa tiền VND thành ngoại tệ, rồi tiếp tục mua được các đồng tiền ảo trên thị trường quốc tế. Một phần khá lớn hoạt động này thực hiện qua ngân hàng nếu số tiền lớn, phần còn lại thực hiện thông qua việc mua ngoại tệ trôi nổi trên thị trường.
Để quản lý giao dịch tiền ảo, theo TS Lê Bá Chí Nhân, không chỉ quản lý hoạt động ngân hàng mà còn phải quản được các hoạt động mua bán ngoại hối chợ đen.
TS Đinh Trọng Thịnh cho hay trên thế giới quản lý hoạt động tiền ảo mỗi nước mỗi khác nhưng tất cả đều đánh giá đây là việc cực kỳ khó khăn, phức tạp. Họ chỉ coi nó như một tài sản ảo, kiểu hợp đồng tương lai trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Các nước chỉ quản lý khi tài sản ảo này có giao dịch, có doanh thu, phải nộp thuế. Đồng tiền ảo tăng hay giảm từ 1.000 USD hay lên đến hàng chục ngàn USD cũng không ai quản lý được. Vì thế, VN muốn nghiên cứu kinh nghiệm quản lý tiền ảo cũng không dễ dàng. Khoảng 4-5 năm nay, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính nghiên cứu phương án quản lý đồng tiền ảo nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản nào được đưa ra.
Theo ông Thịnh, kinh doanh tiền ảo trên lãnh thổ VN là vi phạm pháp luật vì nước ta chưa công nhận là tiền hay tài sản kinh doanh. Thứ hai, muốn mua tiền ảo thì phải chuyển tiền VND sang ngoại tệ, việc chuyển tiền này phải tuân thủ quy định pháp luật, nếu chuyển tiền không theo quy định thì là vi phạm pháp luật.
Để có đồng tiền ảo và kinh doanh đồng tiền này, các cá nhân, tổ chức sẽ phải lập một sàn giao dịch trên không gian mạng và lôi kéo nhà đầu tư bỏ tiền vào. Do đó, cơ quan an ninh, Bộ TT&TT hoàn toàn có thể quản lý, theo dõi, giám sát và xử lý các sàn kinh doanh tiền ảo trên lãnh thổ VN.
“Ngoài ra, việc chuyển hóa VND sang ngoại tệ thông qua ngân hàng hoặc chợ đen thì Ngân hàng Nhà nước và Cục An ninh kinh tế cũng có thể kiểm soát được” - ông Thịnh góp ý.
Truy cứu hình sự nếu vi phạm quy định hoạt động ngân hàng
Tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại VN. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm theo quy định tại Nghị định 80/2016 về thanh toán không dùng tiền mặt.
Việc phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt hành chính từ 50 triệu đến 100 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 88/2019. Nặng hơn thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Bộ luật Hình sự.