Kỹ năng sống

Nợ nần chồng chất vì mua trả góp

Ở tuổi 18, Sarah Pfefferle tiết kiệm được 16.000 USD, dự định mua nhà. Nhưng ba năm sau, kế hoạch đổ vỡ khi cô gái đến từ Chicago, bang Illinois mắc khoản nợ 5.000 USD từ ba trong số các công ty cho vay trả góp.

Dư nợ gốc lớn cùng với một số chi phí y tế đột xuất đã tiêu hao phần lớn tiền tiết kiệm của Sarah, buộc cô phải tìm sự giúp đỡ từ một cố vấn tài chính. Nhưng hậu quả đã xảy ra, sau khi đóng hết các tài khoản, điểm tín dụng của cô giảm từ 720 xuống còn 580. Cô cho biết kế hoạch mua nhà bị lùi lại ít nhất hai năm và lo sợ không thể vay thế chấp.

"Tôi gần như không còn tiền tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp. Đó là một vòng luẩn quẩn", Sarah nói.

Sarah Pfefferle tiêu gần hết tiền tiết kiệm để mua nhà khi sử dụng phương thức thanh toán mua trước trả sau. Ảnh: Bloomberg

Sarah Pfefferle tiêu gần hết tiền tiết kiệm để mua nhà khi sử dụng phương thức thanh toán mua trước trả sau. Ảnh: Bloomberg

Nhưng Sarah không phải trường hợp duy nhất rơi cảnh nợ nần chồng chất.

Công ty Afterpay tại Australia đưa ra khái niệm "mua trước trả sau" (Buy now pay later - BNPL) là sản phẩm tài chính cho phép người tiêu dùng trả tiền mua hàng thành bốn đợt với cam kết ít hoặc không tính thêm phí, không lãi suất và phê duyệt tín dụng nhanh chóng. Điều này được người tiêu dùng trẻ coi là một giải pháp mua sắm tuyệt vời bởi tiềm lực tài chính còn hạn chế.

Một số công ty tiên phong trong lĩnh vực này, bao gồm Afterpay, Klarna Bank AB và Affirm Holdings Inc., đã kết hợp với các nhà bán lẻ quần áo thời thượng và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, đưa chính sách này trở nên phổ biến trên các ứng dụng và thanh toán trực tuyến. Đặc biệt, mỗi khi người tiêu dùng chọn mua trước trả sau khi thanh toán, người bán sẽ trả một khoản phí tới công ty này.

Theo báo cáo tháng 9/2022 từ Cục Bảo vệ tài chính người tiêu dùng Mỹ (CFPB), các khoản vay ngắn hạn trở nên phổ biến trong thời kỳ đại dịch. 5 công ty BNPL lớn đã tạo ra 180 triệu khoản vay với tổng giá trị 24,2 tỷ USD vào năm 2021, tăng gần gấp 10 lần so với năm 2019. Lời cam kết về việc thanh toán không lãi suất khiến các sản phẩm tài chính BNPL trở nên hấp dẫn với Gen Z - những người dè chừng với thẻ tín dụng hoặc từng chứng kiến người thân gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng tài chính.

Ed Mierzwinski, Giám đốc cấp cao của Nhóm nghiên cứu lợi ích công Mỹ, cho biết hoạt động tiếp thị của BNPL đang nhắm vào giới trẻ, những người ít kinh nghiệm tiêu tiền bởi chưa tham gia vào thị trường tài chính đủ lâu. "Nhưng mua trước trả sau chỉ thực sự miễn phí nếu người tiêu dùng tuân thủ quy tắc", ông Ed Mierzwinski nói.

CFPB phát hiện những người trẻ tuổi có nhiều khả năng không trả được nợ hoặc bị gửi tới một bên đòi nợ thứ 3. Theo đó, khoảng 11% người vay đã trả ít nhất một khoản phí trễ hạn vào năm 2021, tăng so với năm trước. 18% người tiêu dùng từ 18 đến 29 tuổi đã giảm thanh toán vào năm 2021, theo một báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang. Còn trên mạng xã hội, một số tài khoản gần đây chia sẻ về việc trốn các khoản thanh toán hoặc số dư nợ mà họ không thể trả hết.

Mặt khác, trong tuyên bố được gửi qua email, các công ty Afterpay, Klarna và Affirm đều nói rằng đã cung cấp cho người dùng nhiều biện pháp bảo vệ hơn thẻ tín dụng, đồng thời nhấn mạnh không tính lãi suất hay phí trễ hạn.

Các chuyên gia tài chính cảnh báo, chính sách mua trước trả sau khiến nhiều người trẻ tiêu pha vượt quá khả năng và rơi vào cảnh nợ nần. Ảnh: Brent Lewin / Bloomberg

Các chuyên gia tài chính cảnh báo, chính sách mua trước trả sau khiến nhiều người trẻ tiêu pha vượt quá khả năng và rơi vào cảnh nợ nần. Ảnh: Brent Lewin / Bloomberg

Sử dụng hình thức thanh toán mới khiến Gabrielle, 19 tuổi không có cảm giác đang tiêu tiền bởi suốt nhiều tuần cô không nhận được thông báo cần thanh toán các khoản mua trước, trả sau. Chưa kể, càng chi nhiều tiền, cô càng nhận được nhiều điểm tín dụng.

Hơn một năm sau khi dùng phương thức thanh toán mới, ngoài quần áo và đồ trang điểm mới, Gabrielle còn có thêm khoản nợ 3.500 USD.

Cuộc thăm dò của Hiệp hội Công nghệ Tài chính cho thấy, 40% người dùng BNPL đã vay tiền từ nhiều nhà cung cấp. Gần 1/3 được báo cáo chi tiêu nhiều hơn mức họ có, theo số liệu từ Mạng lưới Sức khỏe Tài chính.

Đối với một số người, trả nợ không đúng hạn có thể để lại hậu quả lâu dài. Briana Gordley, 24 tuổi, ở bang Texas đã không lường trước được những cạm bẫy tiềm ẩn khi lần đầu tiên thấy quảng cáo mua hàng trả sau vào năm 2016.

Là một người phải tự trang trải học phí đại học và bị các nhà cung cấp thẻ tín dụng từ chối, Briana thấy các sản phẩm tài chính này là cách an toàn để chi trả cho những khoản phí cô không đủ khả năng mua với đồng lương làm thêm ít ỏi. Nhưng chỉ sau 18 tháng, cô đã nợ 1.500 USD trên 3 nền tảng, buộc phải nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ, trước khi xây dựng tài khoản tiết kiệm mới và bắt đầu trả các khoản vay sinh viên.

Một số văn phòng tín dụng lớn cho biết sẽ bắt đầu đưa ra các giao dịch "mua trước trả sau" và báo cáo tín dụng của người tiêu dùng, mặc dù không phải tất cả các bên cho vay đều báo cáo dữ liệu cho họ. Các khoản cho vay được gửi tới người thu nợ cũng có thể được báo cáo, dù điều này sẽ làm ảnh hưởng đến điểm tín dụng của người tiêu dùng.

Tháng 9 năm nay, Briana nói với Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ rằng BNPL nhắm đến đối tượng vay trẻ tuổi, những người đang học cách tự quản lý tài chính cá nhân. "Tôi hiểu và chịu trách nhiệm cho những quyết định đã đưa ra, nhưng đây là mối quan hệ hai chiều, tức là người tiêu dùng và doanh nghiệp phải cùng nỗ lực mới có thể đạt được kết quả như mong muốn", cô gái 24 tuổi nói.

(Theo Bloomberg)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm