Tài chính

Lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng điều gì về thị trường bất động sản?

 

Tại mùa đại hội cổ đông năm 2024, lãnh đạo nhiều ngân hàng đã đưa ra các nhận định dự báo về thị trường bất động sản và đánh giá xu hướng phát triển tín dụng lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới.

Mới đây, chia sẻ với các cổ đông, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), ông Phạm Như Anh cho biết ngân hàng sẽ tập trung vào nhóm khách hàng có nhu cầu mua nhà ở thật và đây sẽ là sản phẩm chủ lực của ngân hàng trong những năm tới. 

"MB trong các năm vừa qua đều tập trung vào chuyển dịch sang bán lẻ. Năm nay tiếp tục chiến lược 2022 - 2026 là chuyển dịch MB thành ngân hàng bán lẻ với quy mô tổng dư nợ trong năm 2024 là trên 50% dư nợ bán lẻ", ông Phạm Như Ánh nói.

Còn với ACB, Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy cho biết ngân hàng không cho vay đầu tư dự án bất động sản mà chỉ cho vay cá nhân vay tiền mua nhà, đất, đó là một trong những nguyên nhân giúp tỷ lệ nợ xấu của ACB thấp hơn nhiều so với mức thị trường chung (dưới 1%). Ông cũng khẳng định ACB không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cả ở hiện tại và trong thời gian tới.

Đặc biệt, lãnh đạo ACB khẳng định ngân hàng không cho vay đầu tư dự án bất động sản mà chỉ cho vay cá nhân vay tiền mua nhà – đất, do đó nợ xấu cũng thấp hơn nhiều mức thị trường chung, chỉ dưới 1%. "Riêng trái phiếu doanh nghiệp, ACB không đầu tư vào mảng này và thời gian tới cũng không có ý định đầu tư"- ông Huy nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về tình hình cho vay mua BĐS, Tổng Giám đốc ACB, ông Từ Tiến Phát cho hay ngân hàng không tập trung vào cho vay các nhà phát triển bất động sản, hiện dư nợ mảng này dưới 2% và không có nợ xấu. Cho vay người mua nhà chiếm 22% và nợ xấu cũng thấp hơn mức chung. 

Tại Techcombank, ngân hàng có tỷ trọng cho vay BĐS lớn nhất hệ thống (chiếm khoảng 70%), góc nhìn về thị trường bất động sản có chiều hướng tích cực hơn.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ chuyên gia phân tích và cập nhật kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2024, Tổng Giám đốc Jens Lottner cho hay giá trị giải ngân bất động sản trong quý I/2024 của Techcombank đã về tương đương như quý I hoặc quý III/2022, trước khi thị trường gặp khó khăn. 

 Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner. (Ảnh: Techcombank).

"Đây là một kết quả rất tốt, nên ít nhất là từ góc nhìn của chúng tôi, nhu cầu bất động sản đang rất lớn....Và lý do giúp kết quả kinh doanh của Techcombank tốt là vì chúng tôi đang tài trợ cho rất nhiều dự án với pháp lý rõ ràng, sẵn sàng để bán", ông Lottner chia sẻ.

Theo Tổng Giám đốc Techcombank, có nhiều nhà đầu tư là khách hàng của ngân hàng đang bàn giao dự án hoặc trong giai đoạn pre-sale (bán nhà hình thành trong tương lai), giúp số lượng các khoản vay thế chấp đi lên. 

Nói thêm về vấn đề nguồn cung, ông Lottner cho rằng cần có thêm nhiều dự án mới. Ông chỉ ra tại thị trường BĐS TP HCM, trong cả năm nay mới chỉ có một dự án nhà ở được phê duyệt. Trong khi đó, thị trường phía Bắc có vẻ tốt hơn với những dự án như Vinhomes Hải Phòng, Vinhomes Ocean Park đang được bán ...

Tuy nhiên, ông cho biết nhu cầu về BĐS vẫn đang rất mạnh mẽ. Đồng thời, khách hàng của Techcombank vẫn có thể triển khai dự án nhờ chính sách flexible pricing (đưa ra lãi suất ưu đãi để khách hàng có thể lựa chọn thanh toán phù hợp với tình hình tài chính). 

"Chúng tôi cho rằng xu hướng trên sẽ được duy trì và nửa cuối năm có thể tốt hơn. Chúng tôi tin rằng một số dự án có vấn đề về pháp lý được những ngân hàng khác tài trợ cũng sẽ được giải quyết và thị trường sẽ có thêm nguồn cung", ông Lottner nhận định. "Những nhà phát triển có dự án rõ ràng, pháp lý tốt sẽ có vị trí tốt trên thị trường".

"Còn về phía cầu, niềm tin, sự sẵn sàng của nhà đầu tư và các yếu tố hỗ trợ như lãi suất thấp, xu hướng tăng giá bất động sản" sẽ tiếp tục duy trì, ông nói.

 

Giải ngân cho vay mua nhà trong quý I/2024 của Techcombank đạt 23.484 tỷ dồng, tương tự những giai đoạn trước khủng hoảng. Ngoài ra, ngân hàng cho biết tập trung vào danh mục nhà ở tại các thành phố lớn. (Ảnh: Techcombank).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm