Bất động sản

Lãnh đạo Kinh Bắc chia sẻ kế hoạch hợp tác với các quỹ từ Mỹ, sắp có hợp đồng tỷ đô với đối tác chuyên sản xuất sản phẩm cho Apple

Thu xếp vốn đầu tư 10.000 tỷ

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 diễn ra vào ngày 25/6, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC), cho biết trong năm 2021, Kinh Bắc đã phát hành riêng lẻ thành công, tạo giá trị thặng dư lớn phục vụ hoạt động kinh doanh, đặc biệt là góp vốn vào các KCN mới được cấp phép.

Từ đầu năm đến nay, Kinh Bắc đã được cấp phép liên tục 3-4 dự án KCN có diện tích lớn. Các dự án này mất 3-5 năm để hoàn thiện, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như thu hút đầu tư. Riêng việc thu hút đầu tư có thể thực hiện ngay từ năm 2023.

“Với sự xáo trộn của thế giới hay chính sách zero COVID của một số quốc gia khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển rất lớn, mà Việt Nam là một trong những địa điểm an toàn và hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Thời gian qua, dòng vốn này vào Việt Nam rất lớn, trực tiếp thông qua việc xây dựng nhà máy xí nghiệp và gián tiếp qua việc mua cổ phần, cổ phiếu, đầu tư vào thị trường chứng khoán, cũng như tham gia vào hoạt động tái cấu trúc của ngân hàng, tập đoàn lớn,…

Năm 2021, khi ngành hàng không, du lịch chịu thiệt hại nặng nề, hoạt động kinh doanh của Kinh Bắc cũng có khó khăn đôi chút nhưng tỷ lệ thu hút đầu tư vẫn lớn với khoảng 5 tỷ USD, chiếm hơn 20% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, Chủ tịch Kinh Bắc cho biết.

 

 

 

Cũng theo ông Tâm, trong 6 tháng đầu năm tiếp tục có nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như doanh số của Kinh Bắc nhưng nếu xét tổng thể cả năm nay, Kinh Bắc vẫn có nhiều tín hiệu tích cực khi có nhiều nhà đầu tư đang tìm đến hợp tác với doanh nghiệp.

Song song với việc triển khai các dự án mới, Kinh Bắc cân đối nguồn tài chính để góp vốn vào các KCN mới mở, đền bù giải phóng mặt bằng các dự án theo đúng tiến độ, phát triển thêm quỹ đất để đưa vào hoạt động trong thời gian ngắn sắp tới.

Theo kế hoạch năm nay, Kinh Bắc thu xếp khoảng 10.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng các dự án cũ và mới, đồng thời bổ sung vốn kinh doanh cho các công ty. Mục tiêu đạt tổng doanh thu 9.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng.

Chủ tịch Kinh Bắc thông tin: "Chúng tôi đang phối hợp với các quỹ lớn ở Hoa Kỳ để đầu tư phát triển, mở rộng các KCN đặc thù. Trước đây, chúng ta xây dựng nhà xưởng cho thuê không nhiều mà đây lại là thị trường rất lớn nên trong thời gian tới chúng ta sẽ liên doanh, liên kết với họ để làm.

Vừa rồi chúng ta ký được nhiều hợp đồng tốt. Cuối tháng 7 này, một đoàn doanh nghiệp rất lớn của Hoa Kỳ sẽ sang Việt Nam thực địa khoảng 10 tỉnh, thành.

Chuẩn bị ký kết với một đối tác chuyên sản xuất sản phẩm cho Apple

Tính đến nay, Kinh Bắc có quỹ đất công nghiệp sạch sẵn sàng cho thuê trong năm nay với diện tích hàng chục ha tại mỗi KCN.

Nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực điện tử, logistic từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore đã đến khảo sát các KCN của Kinh Bắc ở miền Bắc và miền Nam (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Long An,…) để triển khai dự án mới hoặc mở rộng với quy mô 10-50 ha.

 

Cập nhật thêm tình hình kinh doanh gần đây, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc Kinh Bắc, cho biết: “Tính đến ngày hôm qua, chúng tôi đã đàm phán được nhiều dự án KCN lớn, có thể chính thức ký kết trong tuần tới hoặc trong tháng tới. Hi vọng trong một tháng tới, các thủ tục về chủ trương đầu tư được cấp phép để chúng ta có thêm khoảng 100 ha. Hiện tại đã có đủ nhà đầu tư sẵn sàng vào những khu đất đó và chỉ chờ ký kết”.

Bà Hương cho biết trước mắt trong tuần tới, Kinh Bắc sẽ ký kết với một đối tác chuyên sản xuất sản phẩm cho Apple và phía đối tác sẽ thuê 50 ha tại KCN Quang Châu mở rộng (Bắc Ninh) với giá trị đầu tư hàng tỷ USD. Cách ngày diễn ra đại hội ba tuần, Kinh Bắc đã ký hợp đồng với Oppo tại KCN Nam Sơn-Hạp Lĩnh.

Riêng tại KCN Tràng Duệ (Hải Phòng), TGĐ Kinh Bắc cho biết còn vướng một chút về thủ tục, đến giai đoạn 3 (Tràng Duệ 3) mới có thể thu hút đầu tư, còn những giai đoạn trước đó đã lấp đầy 100%.

Bên cạnh đó, Bắc Ninh đã cho phép Kinh Bắc thành lập 3 KCN mới, trong đó Kinh Bắc có 2 KCN và Sài Gòn-Bắc Giang (công ty con của Kinh Bắc) sở hữu 1 KCN. Ngoài ra, KCN Quế Võ cũng được mở rộng một khu.

 

 

Chia sẻ thêm về những khó khăn, bà Hương nói: “Ngoài những khó khăn khách quan như COVID-19 ảnh hưởng đến việc đi lại, ký kết, hoạt động kinh doanh KCN là hoạt động cho thuê nên công tác chuẩn bị rất nhiều, trong đó có thủ tục đầu tư, cấp phép. Một dự án nhỏ có thể kéo dài từ vài tháng đến nửa năm, một năm. Những dự án lớn không thể tính bằng tháng được.

Rất nhiều cổ đông thắc mắc sao dự án này thấy nói mãi mà không làm được. Chúng ta phải cân nhắc khó khăn, thuận lợi, rủi ro khi bỏ một số tiền lớn đầu tư. Ai đó có thể thắc mắc vì sao trong những năm vừa rồi ghi nhận doanh thu, lợi nhuận của Kinh Bắc không đạt được mục tiêu. Chúng ta sẽ dồn hết hợp đồng lớn vào năm 2022, đặc biệt là nửa cuối năm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm