Làng nghề nức tiếng tại Nam Định
Huyện Nam Trực nằm ở cửa ngõ phía Nam thành phố Nam Định, phía Bắc giáp với thành phố Nam Định; phía Đông giáp huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) lấy sông Hồng làm ranh giới; phía Tây giáp với huyện Vụ Bản, huyện Nghĩa Hưng; phía Nam giáp với huyện Trực Ninh.
Địa hình Nam Trực rất thuận lợi cho sự phát triển của ngành nông nghiệp. Phía Bắc và phía Nam là vùng trũng, thuận lợi cho việc trồng lúa nước, vùng giữa huyện từ Tây sang Đông, dọc theo con đường Vàng thuận lợi cho việc phát triển các loại hoa màu và cây công nghiệp.
Vùng đồng bãi chạy dọc theo đê sông Đào dài 15 km phía tây huyện và theo đê sông Hồng 14 km phía Đông huyện thuận lợi cho việc phát triển rau màu và nghề trồng dâu nuôi tằm.
Chạy dọc từ bắc xuống nam là sông Châu Thành cùng với các nhánh sông khác, thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển giao thông đường thuỷ; sông Hồng, sông Đào là nguồn cung cấp nước chính phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn huyện.
Huyện có nền tảng phát triển sản xuất công nghiệp -TTCN dựa trên các làng nghề truyền thống được phát triển từ rất lâu đời.
Tại Nam Trực, có nhiều làng nghề sau này được lưu truyền và phát triển thành các nghề nổi tiếng. Một trong số đó chính là nghề vận tải đường thủy. Nghề này cực kỳ phát triển tại làng Phú An, xã Cát Thành. Dân cư ở đây 80% làm nghề vận tải đường thủy.
Nằm bên dòng Ninh Cơ, làng Phú An xưa gồm 4 xóm (nay là tổ dân phố): Phú Thọ, Nam An, Liên Phú (hữu ngạn) và Phú Cường (tả ngạn). Thông tin trên Báo Nam Định cho hay, trước đây, người dân làng Phú An chỉ có nghề chính là sản xuất nông nghiệp. Dân làng chỉ trồng lúa, đánh bắt thủy sản từ sông để ăn.
Cả làng chỉ có 2-3 chiếc thuyền "vo" (thuyền gỗ, dùng buồm cánh vuông và các loại: chèo tay, sào tre để chống, đẩy) của những hộ có chức sắc trong xã. Thuyền nhỏ, tải trọng tối đa chỉ khoảng 5 tấn, chuyên chở nông sản, giao thương với các tỉnh lân cận và mang các đặc sản, đồ dùng sinh hoạt (đồ gốm, muối, tơ lụa…) ở nơi đó về cung ứng cho nhân dân địa phương.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước, ngành vận tải đường thủy của làng Phú An cũng dần đi lên. Đội tàu thúng, thuyền gỗ cũng được thay thế bằng thuyền vỏ sắt.
Thời điểm năm 2010, làng Phú An đã có 3 người đầu tư đóng tàu vận tải lớn có tải trọng đến 5.500 tấn để tham gia thị trường vận tải biển xuyên quốc gia. Từ 1-2 con tàu ban đầu, nhiều hộ đã phát triển cả đội tàu. Đến thời điểm hiện tại, đội tàu tại làng lên đến hàng chục đến cả trăm chiếc.
Làng dài 2km với toàn biệt thự, lâu đài như trong phim
Đội tàu vận tải của làng Phú An đã có mặt trên khắp các dòng sông nội địa từ Bắc vào Nam. Thời gian vận chuyển mỗi chuyến hàng đã lên đến hàng tháng, thậm chí vài tháng mới hoàn thành. Ước tính, nghề vận tải biển của làng Phú An tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1.500 lao động.
Thu nhập từ nghề vận tải biển đã khiến cho cư dân ở đây đổi đời. Thu nhập của người lao động ở đây không thua kém gì ở những thành phố lớn, dù họ chỉ phục vụ cho địa phương. Theo tính toán, mỗi chuyến tàu sông sau khi trừ chi phí (dầu, thực phẩm, trả lương, khấu hao) cho thu nhập thực tế khoảng 100 triệu đồng/tháng; còn tàu biển mỗi tháng có thu nhập thực tế từ 500 - 600 triệu đồng/tháng.
Làng Phú An (Nam Định) chỉ dài 2 km, nhưng trên đó nhà cao tầng, dinh thự san sát. Có đến 60% số hộ xây được biệt thự, nhà cao tầng trị giá thấp nhất từ 2 tỷ đồng.
Nhà cao tầng, biệt thự hiện đại tại khu vực này có đủ kiểu kiến trúc, từ mái vòm, mái cong, thiết kế cầu kỳ theo phong cách kiến trúc lâu đài châu Âu với trị giá từ vài tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng mọc lên san sát tưởng chừng như chỉ có trong các bộ phim điện ảnh quốc tế cũng có đến cả chục căn.
Theo chia sẻ của ông Trần Văn Tiệp, trưởng xóm Phú Thọ (Phú An), "ở đây đám cưới 100 mâm cỗ là bình thường, vì họ có nhiều mối quan hệ xã hội. Những ngày rét, họ huy động ô tô để đón khách thì có thể đến vài trăm chiếc. Tuy nhiên, tôi nghĩ đời sống ở đây không phải là giàu vượt bậc, chỉ cơ bản là đầy đủ hơn một vài làng khác".
Tại làng tỷ phú này, vì đa số người dân phải Phú An sống bám biển, quanh năm lênh đênh biển nên làng xóm thường xuyên vắng vẻ, đặc biệt là những thanh niên, trai tráng. Nhịp sống ở đây khá tách biệt với những làng lân cận.