Chứng khoán

Hai năm liên tiếp chìm trong thua lỗ, Vinasun (VNS) lên kế hoạch có lãi trong năm 2022, tránh nguy cơ rời sàn

Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam – Vinasun (mã VNS) đã công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 28/4/2022.

Cụ thể, trong năm 2022, lên kế hoạch doanh thu tăng 28% so với năm trước, đạt gần 641 tỷ đồng. Doanh nghiệp đặt mục tiêu ngắt chuỗi thua lỗ với chỉ tiêu LNST đạt hơn 27 tỷ đồng. Vinasun cũng sẽ tiếp tục không chia cổ tức trong năm 2021 và 2022 do lợi nhuận thấp.

Hai năm liên tiếp chìm trong thua lỗ, Vinasun (VNS) lên kế hoạch có lãi trong năm 2022, tránh nguy cơ rời sàn - Ảnh 1.

Nhìn lại trước đó, kết quả kinh doanh của Vinasun bắt đầu tăng trưởng âm kể từ năm 2017, đỉnh điểm là trong hai năm gần nhất 2020 và 2021, Công ty lỗ lần lượt là 211 tỷ đồng và 278 tỷ đồng, tương ứng tổng lỗ tính thuế lũy kế đến cuối năm 2021 của VNS là 471 tỷ đồng.

Theo quy định, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ ba năm liên tiếp thì cổ phiếu sẽ bị huỷ niêm yết. Do đó việc đặt kết quả kinh doanh có lãi trong năm nay của Vinasun cho thấy quyết tâm của ban lãnh đạo bằng mọi giá không để bị huỷ niêm yết cổ phiếu.

Hai năm liên tiếp chìm trong thua lỗ, Vinasun (VNS) lên kế hoạch có lãi trong năm 2022, tránh nguy cơ rời sàn - Ảnh 2.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Vinasun trong năm 2022 vẫn phải đối mặt với nhiều yếu tố ảnh hưởng như dịch bệnh, khả năng phục hồi của ngành du lịch và vận tải hành khách; lạm phát và chi phí xăng dầu tăng cao...

Mặc dù vậy, Vinasun vẫn tin tưởng khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra khi các công ty nước ngoài đã bị khống chế về số lượng đầu xe cùng việc ban hành nhiều quy định mới.

Trong năm nay, Vinasun sẽ mở rộng việc thanh toán online trên Vinasun App và tăng số lượng đặt qua app lên 10.000 lượt/ngày; tích hợp thanh toán với các Mobile Money App; hoàn tất việc nâng cấp GPS từ 2G lên 4G. Song song với giữ vững và phát triển thêm các điểm tiếp thị chiến lược, doanh nghiệp cũng sẽ phát triển thêm cả lượng khách hàng trả sau.

Doanh nghiệp cũng sẽ chủ động linh hoạt điều chỉnh giá cước; tỷ lệ chia doanh thu xe tự doanh, thương quyền và phí nhượng quyền. Đặc biệt là tiết kiệm và giảm chi phí quản lý, chủ yếu là thông qua cắt giảm mạnh số lượng nhân viên. Tính đến hết năm 2021, Vinasun có 1.877 nhân viên đã giảm đi 2.521 nhân viên so với năm 2020, và chỉ còn bằng 11% của năm 2016. Kết quả, chi phí nhân công Vinasun trong năm 2021 là 57 tỷ đồng, giảm 42% so với mức 99 tỷ trong năm 2020.

Hai năm liên tiếp chìm trong thua lỗ, Vinasun (VNS) lên kế hoạch có lãi trong năm 2022, tránh nguy cơ rời sàn - Ảnh 3.

Về số lượng đầu xe, trong năm 2022, Vinasun dự kiến đầu tư mới trong năm khoảng 156 chiếc trong khi dự kiến bán trả chậm và thanh lý cho lái xe khoảng 506 chiếc - giảm đáng kể so với gần 1.900 xe thanh lý trong năm 2021; ngoài ra lượng xe hợp tác kinh doanh với các đối tác bên ngoài là khoảng 150 chiếc.

Như vậy, đến cuối năm 2022, dự kiến số xe thực hiện hợp tác kinh doanh là 900 chiếc và tổng số xe dự kiến hoạt động là 2.621 chiếc.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm