Nhiều dự án 'xí phần' đất vàng
Đà Nẵng là một trong những địa phương có tốc độ đô thị phát triển nhanh và được đầu tư hiện đại. Tuy nhiên, việc phát triển này đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót, trong đó nhiều dự án giao đất, cho thuê đất sai phạm, chậm triển khai dự án, gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai rất lớn.
Có thể kể đến khu đất thuộc sân vận động Chi Lăng sau nhiều năm tháo gỡ, đến nay mới đang tiến hành tháo dỡ hơn 100 căn nhà nằm trên khu "đất vàng" xung quanh sân để thi hành án.
Dự án này liên quan đến việc thi hành bản án vụ Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh, việc xử lý tài sản thế chấp là các lô đất thuộc khu vực sân vận động Chi Lăng đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý. Việc này dẫn đến lãng phí một diện tích đất rất lớn ngay trung tâm thành phố.
Ông Lâm Hồng Anh, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng cho biết, vụ Phạm Công Danh - Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh vụ việc có giá trị phải thi hành hơn 3.946 tỷ đồng thi hành theo Bản án số 332/2016/HSST ngày 9/9/2016 của TAND TP.HCM và Bản án số 30/2017/HSPT ngày 24/1/2017 của TAND cấp cao tại TP.HCM. Hiện nay còn nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng.
Sân vận động Chi Lăng. Ảnh: Nguyễn Tri.
Theo ông Anh, nguyên nhân chính là do số tiền phải thi hành lớn nhưng tài sản chưa xử lý được do vướng mắc về cơ sở pháp lý, liên quan chủ trương chính sách của nhà nước, của địa phương, vướng mắc về hiện trạng tài sản, dẫn đến chưa thể xử lý tài sản đảm bảo…
Ngoài ra, trên địa bàn Đà Nẵng còn có nhiều dự án đã "treo" hàng chục năm, chiếm dụng hàng chục ha đất "vàng". Có thể kể đến như: Dự án Viễn Đông, rộng 1,2ha, đầu tư năm 2008; Dự án Đà Nẵng Center, rộng gần 8.000m2, đầu tư 2008, cũng "treo" 14 năm; dự án Trung tâm cao ốc phức hợp Nguyễn Kim 1,4ha được đầu tư 2014, cam kết hoàn thành năm 2020 nhưng đến nay vẫn bỏ hoang và nhiều dự án treo khác tại khu vực trung tâm thành phố.
Tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP. Đà Nẵng khóa X diễn ra ngày 13/7, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho rằng, vấn đề xử lý các khu đất dự án chậm triển khai là vướng mắc chung của nhiều tỉnh, thành phố. Hiện nay, Luật Đất đai (điểm i, khoản 1, điều 64) đã quy định rõ việc xử lý các dự án, khu đất chậm triển khai dự án nhưng trong quá trình đưa vào thực thi có nhiều vấn đề phát sinh.
Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước dừng triển khai nhiều năm nay. Ảnh: Thành Vân.
Tại Đà Nẵng, từ năm 2016, qua rà soát, thành phố đã kiểm tra 206 dự án và khu đất. Xác định 81 trường hợp có vi phạm điểm i, khoản 1, điều 64, Luật đất đai (chậm đưa đất vào sử dụng sau 24 tháng được giao đất), đã xử phạt và nộp ngân sách hơn 345 tỷ đồng. Đối với khu đất của hộ gia đình cá nhân, Sở TN&MT đã triển khai vấn đề này đến các quận huyện. Đến nay, đã thực hiện gia hạn 53 khu đất dự án của gia đình cá nhân, thu số tiền của việc gia hạn là hơn 68 tỷ đồng.
Theo ông Hùng, do đặc thù của thành phố nên các dự án để đất trống không triển khai dự án, cũng không thể thu hồi. Bởi, trước đây thành phố có tình trạng giao đất và cho thuê đất không có dự án. Sau đó, chủ đầu tư mới lập quy hoạch, lập dự án, lập thủ tục để tiến hành triển khai thi công công trình.
"Vướng mắc của các dự án này phần lớn những khu đất này rơi vào các sai phạm đã có kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ, chủ yếu vướng về chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định. Vì không hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên khi tiến hành các thủ tục hầu như không được giải quyết, ví dụ như cấp phép xây dựng, cấp chủ trương đầu tư đều vướng", ông Hùng thông tin.
Đà Nẵng sẽ thu hồi những dự án chậm triển khai và không có khả năng triển khai. Ảnh: Thành Vân.
Thu hồi dự án chậm triển khai
Trong khi đó, tại họp báo quý 2/2022, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, đối với các dự án đã quá 3 năm, thành phố sẽ rà soát, điều chỉnh hoặc thu hồi nếu dự án không khả thi. Trong thời gian qua, thành phố đã giao các quận, huyện cùng Sở TN&MT, Sở Xây dựng liên tục rà soát các dự án treo để trình thành phố xem xét, có biện pháp xử lý.
"Qua rà soát, Sở TN&MT tham mưu cho UBND thành phố thu hồi hơn 50 dự án treo trên địa bàn. Đối với những dự án này đều chưa được giao cho chủ đầu tư, nên việc thu hồi hồi dự án sẽ không phát sinh các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ tài chính", ông Vinh cho hay.
Cũng theo ông Vinh, về hướng xử lý đối với các dự án chậm triển khai đã được giao cho chủ đầu tư, theo quy định các dự án chậm triển khai sẽ được gia hạn 24 tháng. Sau thời gian gia hạn mà chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi và không bồi thường về đất và tài sản trên đất.
"Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước chưa có địa phương nào thực hiện được vấn đề này. Mặc dù pháp luật đất đai quy định như vậy nhưng ở đây còn liên quan đến quyền tài sản của người dân, chủ đầu tư", ông Vinh nói.
Ông Vinh cho biết, sau khi gia hạn 24 tháng mà chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng do phát sinh một số trường hợp thì Luật Đất đai có quy định các nguyên nhân do bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, thủ tục hồ sơ, pháp lý chưa đủ để triển khai... TP. Đà Nẵng đã giao Sở TN&MT rà soát, nếu thuộc trường hợp bất khả kháng sẽ xem xét thấu đấu. Nếu các nhà đầu tư cố tình không đưa đất vào sử dụng thì sẽ xem xét xử lý theo quy định.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố sẽ tổng rà soát các khu đất trống, các dự án chậm triển khai, những dự án xong mà chưa bàn giao để có phương án xử lý. Những dự án chậm triển khai thì sẽ rà soát tính pháp lý, hiệu quả.
"Quan điểm của thành phố là tháo gỡ, nhưng không làm sai quy định của pháp luật. Với những dự án nào chậm triển khai và không có khả năng triển khai thì sẽ thu hồi, những đồ án quy hoạch nào lạc hậu, không đúng sẽ điều chỉnh và thu hồi", ông Chinh khẳng định.