Thời sự

‘Làng một thận’ ở Afghanistan

Đói nghèo khiến nhiều người Afghanistan không còn lựa chọn nào khác là bán nội tạng để có tiền mua thực phẩm, trả nợ và trong một số trường hợp là tránh phải bán con.

Tại khu dân cư gần thị trấn Herat ở phía tây bắc Afghanistan, nhiều người dân sinh sống tại đây đã phải bán đi một quả thận để có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Từ đây, biệt danh “Làng một thận” đã ra đời.

Hơn 6 tháng kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan, nền kinh tế của quốc gia Nam Á đã hoàn toàn sụt đổ. Hơn 24 triệu người tương đương 59% dân số Afghanistan hiện đối mặt với nguy cơ bị đói, tăng 30% so với năm 2021, theo số liệu của Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, 500.000 người Afghanistan cũng đã mất việc làm.

Tình cảnh đói nghèo khiến nhiều người buộc phải đưa ra quyết định bán nội tạng để có tiền trang trải cuộc sống gia đình và trả nợ.

Cô Aziza (20 tuổi), người mẹ của 3 đứa con sinh sống ở làng Shenshayba Bazaar, cho biết cô đang chờ người trung gian tìm khách mua thận của mình. Nếu không thể bán thận, có thể cô phải bán đi đứa con gái mới 1 tuổi. Chồng của cô Shenshayba mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 1,5 USD nhờ gánh hàng rong ở chợ.

“Tôi có thể làm gì với số tiền này?”, cô Shenshayba nói với France24.com.

“Những đứa con phải lăn lộn trên đường để xin ăn. Nếu tôi không thể bán thận của mình, tôi buộc phải bán con gái mới 1 tuổi”, người mẹ trẻ chua xót nói.

Trong những tháng gần đây, ngoài việc bán nội tạng, nhiều báo cáo cho hay không ít ông bố bà mẹ ở Afghanistan đành lòng cho con gái còn nhỏ tuổi đi lấy chồng sớm, hoặc bán con cho những cặp đôi hiếm muộn để lấy tiền. Bởi họ không còn đủ năng lực tài chính nuôi con gái.

Anh Nooruddin (32 tuổi) cho biết bản thân cũng không còn lựa chọn nào khác nên đành phải bán thận. Bởi anh là một trong những người bị thất nghiệp ở thị trấn Herat, nơi sinh sống của 575.000 người.

“Tôi không muốn làm như vậy, nhưng tôi không có lựa chọn khác. Tôi phải bán thận để nuôi con”, anh Nooruddin nói khi vén áo cho phóng viên xem vết sẹo dài trên bụng sau ca phẫu thuật bán một quả thận.

“Nhưng giờ tôi đã hối hận. Tôi không còn đủ sức làm việc. Tôi luôn cảm giác bị đau đớn và không thể nhấc những đồ vật nặng”, anh Nooruddin tâm sự.

Trước đây, những người giàu có từng phải chi 4.000 USD để mua một quả thận từ người bán. Nhưng kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan khiến số người cùng quẫn bán thận gia tăng, giá bán một quả thận đã nhanh chóng giảm xuống còn 1.500 USD.

Tại các bệnh viện ở Afghanistan, những quy định giám sát hoạt động mua bán thận dường như không xuất hiện. Một bác sĩ cho biết trước ca phẫu thuật, ông không hỏi chuyện quả thận được lấy từ đâu và ai là người cần ghép tạng.

“Chúng tôi không bao giờ điều tra những vấn đề này, bởi đó không phải là công việc của chúng tôi”, bác sĩ cho hay.

Trong khi nhiều người bán thận để lấy tiền mua thức ăn, không ít người bán nội tạng để trả nợ cho gia đình. Đây là trường hợp của người mẹ trẻ Shakila mới 19 tuổi. Để có tiền trả nợ và mua thức ăn cho 2 con nhỏ, cô Shakila đã hy sinh một quả thận.

Sau khi nhận được số tiền khoảng 2.000 USD, cô Shakila dành hơn 1.650 USD đẻ trả nợ, và số còn lại đùng để mua dần thức ăn cho gia đình.

Cô Shakila thừa nhận sau khi Taliban nắm quyền điều hành đất nước, Afghanistan đã rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trong khi nguồn viện trợ từ nước ngoài bị cắt giảm khiến cô rơi vào cảnh bất lực vì “không còn có ai giúp đỡ” nên buộc phải bán thận để lo cho các con.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm