Thời sự

Làng biển trong “bão” giá xăng dầu - Kỳ cuối: Hết ngưỡng chịu đựng!

Ngư dân không mặn mà với biển

Là ông chủ của một tàu cá đánh bắt xa bờ có công suất gần 1.000CV, chuyên nghề lưới vây, cách đây mấy năm, anh Nguyễn V, là trụ cột của một gia đình khá giả ở làng biển Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình). Trước đây, mỗi năm anh đi cả chục chuyến biển, trừ các chi phí và trả lương cho 20 lao động, mỗi chuyến cập bờ anh V lãi trên dưới 100 triệu đồng. Có chuyến may mắn anh V, thu về mấy trăm triệu đồng.

"Tôi vừa yêu cầu bên ủy ban xã thống kê thực trạng của ngư dân hiện nay để tổ chức họp Đảng ủy tìm giải pháp. Cái gì trong khả năng của xã thì xã sẽ giải quyết, còn cái gì ngoài khả năng thì sẽ báo cáo lên trên. Từ một địa phương luôn là lá cờ đầu trong khai thác thủy sản của tỉnh, nhưng nay lại sa sút, đời sống ngư dân thì ngày thêm khó khăn, làm những người lãnh đạo như chúng tôi rất đau đầu. Để ngư dân tiếp tục bám biển, rất mong Chính phủ có những chính sách thiết thực để hỗ trợ ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn này" -

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình)

Theo anh V, mấy năm lại đây lao động nghề biển rất khó tìm. Đặc biệt, kể từ sau Tết Nguyên đán, giá xăng dầu lên cao, tìm đỏ mắt cũng không đủ lao động để ra khơi. Anh V đã tìm gặp những lao động cũ, rồi chạy khắp các làng quê trong tỉnh tìm lao động mới nhưng ai cũng lắc đầu. Họ nói nghề biển vất vả, nguy hiểm, nhưng thu nhập lại thấp và bấp bênh nên họ không mặn mà. “Như tàu của tui 1 năm được Nhà nước hỗ trợ tiền dầu 4 chuyến đi biển, mà ngư dân bọn tui gọi nôm na là “bấm dầu”. Thấy tàu nằm bờ, xót ruột, lại không có việc gì làm để có thu nhập nên hai cha con tui nhổ neo ra khơi. Đi đến toạ độ quy định, báo về rồi neo tàu chờ đến ngày về. Mỗi chuyến như vậy cũng còn dư hơn nửa tiền dầu Nhà nước hỗ trợ. Cũng nhờ đó có chút trang trải cuộc sống” - anh V thật thà tâm sự.

 Làng biển trong “bão” giá xăng dầu - Kỳ cuối: Hết ngưỡng chịu đựng!  - Ảnh 2.

Tàu cá Bảo Ninh nằm bờ


Không chỉ tàu của anh V, mà hầu hết những tàu đánh bắt cá xa bờ trên địa bàn Quảng Bình đều có cách làm tương tự. Không ít tàu chỉ chạy ra đến toạ độ quy định rồi cho tàu quay về neo ngoài bờ biển. Chờ đến ngày thì vào cửa để đủ ngày nhận hỗ trợ. “Cực chẳng đã chúng tôi mới làm thế. Nếu mà có lao động, với sự hỗ trợ tiền dầu của Nhà nước thì ít nhất 4 chuyến đánh cá trong năm cũng không đến nỗi nào. Ngặt nỗi không tìm ra lao động nên đành phải đối phó để có tiền trang trải cuộc sống” - một ngư dân ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Điệu, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bảo Ninh cho biết: Xã này có hơn 400 tàu cá, trong đó có hơn 200 tàu đánh bắt xa bờ và hàng trăm chiếc thuyền gắn máy đánh lưới và câu mực gần bờ. Tình trạng chung là không tìm ra lao động, kết hợp với giá xăng dầu tăng cao, nên hầu hết tàu cá phải nằm bờ. “Biết anh em trong nghiệp đoàn làm cách đối phó để nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước đó, tôi có khuyên ngăn, nên đi đánh cá thật để nhận tiền hỗ trợ nhưng anh em nói không thể tìm ra lao động” - ông Điệu nói.

Mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ

Theo ông Điệu, nguyên nhân dẫn đến sự sa sút, mất lao động trong nghề cá là do thu nhập quá thấp và bấp bênh. Thu nhập thấp không phải do giá cá thấp mà do tài nguyên ngày càng cạn kiệt. “Như thôn Mỹ Cảnh của xã Bảo Ninh đây, có năm cao điểm sản lượng đánh bắt đạt trên 650 nghìn tấn. Trong lúc đó, 6 tháng từ đầu năm lại đây sản lượng đánh bắt chưa đạt 250 tấn” - ông Điệu thông tin.

Năm nay 71 tuổi, ông Điệu từng là một ngư dân lão luyện. Ông nghỉ đi xa bờ gần 10 năm nay, nhưng vẫn thường xuyên ra biển gần bờ câu mực. “Ngày trước một đêm đi câu mực, ít ra cũng kiếm được vài ba triệu, nay đi câu chỉ đủ làm thức ăn trong gia đình thôi chú à. Nói như thế để thấy tài nguyên cạn kiệt đến mức nào. Nếu Nhà nước không có chính sách cấm biển mùa sinh sản thì nghề cá ngày càng khó thêm” - ông Điệu nói.

 Làng biển trong “bão” giá xăng dầu - Kỳ cuối: Hết ngưỡng chịu đựng!  - Ảnh 3.

Ngư dân Bảo Ninh câu mực gần bờ


Ông Điệu cho biết, hầu hết số tàu đánh bắt xa bờ của xã Bảo Ninh đều vay vốn ngân hàng. Nếu tàu gỗ số tiền đầu tư cũng mất 9 đến 10 tỷ đồng, còn tàu sắt là 22 tỷ đồng. “Xã có 7 chiếc tàu sắt đóng theo chương trình 67, về đi được mấy chuyến là nằm bờ cho đến nay. Máy móc hỏng hóc, xác tàu thì hoen gỉ, nhìn xót lắm. Đa số chủ tàu sắt đều là những ngư dân giỏi, nhưng giờ thì nợ đầm đìa, nhà cửa ngân hàng siết nợ lúc nào không hay. Mong sao Chính phủ có chính sách khoanh nợ, giãn nợ để họ tiếp tục đầu tư vào nghề may ra còn vớt vát lại được. Còn với tình trạng này, những con tàu đó chỉ có nước bán giá sắt vụn, còn gia đình của các chủ tàu thì mất nhà cửa, li tán mà thôi” - ông Điệu nhận định.

Ông Điệu thống kê, trong vòng 6 năm lại đây ngư dân Quảng Bình phải gánh đến 3 kiếp nạn. Đầu tiên là sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, tiếp đến là dịch bệnh COVID-19 và nay là bão giá xăng dầu. “Ngư dân chúng tôi thực sự đã hết ngưỡng chịu đựng. Không biết bao nhiêu ngư dân lão luyện đành phải bỏ nghề. Như nhà tui đây, khi thấy tình hình không ổn là tui cho hai đứa con đi xuất khẩu lao động. Cũng nhờ thế mà gia đình đỡ vất vả, chứ nếu cứ bám nghề biển thì giờ cũng bó gối, khó khăn chồng chất rồi” - ông Điệu tâm sự.

Ông Điệu nói, ngư dân “ly ngư” là một thực trạng đáng báo động. Một quốc gia mạnh về biển đảo mà người dân không mặn mà với biển, không làm giàu được từ biển là một điều đáng phải suy ngẫm. Tình trạng này để lại nhiều hậu quả xấu. Con em không có việc làm, suốt ngày lông bông sẽ sinh ra tệ nạn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, ngư dân không ra biển, sẽ mất đi những cột mốc sống, an ninh và chủ quyền biển đảo sẽ bị đe dọa.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm