Bất động sản

Tái diễn rao bán nhà ở xã hội trái phép qua mạng

Đây là động thái sau khi Sở Xây dựng có báo cáo gửi UBND tỉnh về kiến nghị, đề xuất xử lý những thông tin rao bán các dự án nhà ở xã hội.

Tràn lan trao bán nhà ở xã hội trái phép

Trước đó, theo Sở Xây dựng Vĩnh Long, trên địa bàn tỉnh có 4 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai gồm: Nhà xã hội tại khu tái định cư phường 4, TP Vĩnh Long (do Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ vận tải Lợi My 2 làm chủ đầu tư); Nhà ở xã hội khu công nghiệp Hòa Phú (do Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng thương mại và dịch vụ Hồng Trung làm chủ đầu tư); Nhà ở xã hội Khu công nghiệp Bình Minh và Nhà ở xã hội HQC Hòa Phú tại xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ (do Công ty CP TV-TM-DV Địa ốc Hoàng Quân Mê Kông làm chủ đầu tư).

Cả 4 dự án trên đều chưa đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai, tuy nhiên đã có một số đối tượng phát tờ rơi rao bán và đăng tín rao bán trên các trang mạng xã hội không đúng quy định.

Ngày 29/4/2022, Thanh tra Sở Xây dựng có văn bản gửi Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Vĩnh Long về việc xem xét, kiểm tra xử lý các thông tin đăng tải chưa chính xác trên các trang mạng xã hội về dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Trên thực tế, tình trạng rao bán nhà ở xã hội trái phép đang diễn ra ở nhiều nơi. Trong đó, một dự án của Tập đoàn Sungroup là nhà ở xã hội Sun Home Đà Nẵng từng bị quảng cáo và rao bán trái phép trên nhiều website bất động sản với mức giá chỉ từ 500 triệu đồng/căn. Trên những trang mạng này, dự án được giới thiệu với những lời lẽ hấp dẫn như sổ đỏ vĩnh viễn, mua bán tự do, có thể vào ở ngay.

Để cảnh báo người mua tránh sập bẫy môi giới , Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã có văn bản phản hồi đến công dân.

Trong khi đó, tại Đăk Lắk thông qua kiểm tra mới phát hiện nhiều trường hợp ở tại căn hộ nhưng lại không đúng tên người đăng ký mua.

Hay gần nhất, tại dự án nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang, hồi tháng 3/2022, dù chưa đủ điều kiện mua - bán, Sở cũng chưa duyệt giá bán, song đã được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, đẩy nguy cơ về phía khách hàng.

Cẩn trọng tiền mất tật mang

Theo Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng, Văn phòng Luật sư Long Cường - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, việc “lách luật” bằng hình thức hợp đồng ủy quyền, di chúc hay hợp đồng hứa mua hứa bán, lập vi bằng… người mua lại NOXH có thể gặp nhiều rủi ro về sau.

Tái diễn rao bán nhà ở xã hội trái phép qua mạng - Ảnh 1.

Rao bán nhà ở xã hội ngang nhiên trên mạng

Trong đó, đối với hình thức lập vi bằng và hợp đồng hứa mua hứa bán, đây lại loại hình mua bán trong trong tương lai, có giá trị khi hai bên tuân thủ nó nhưng khi 1 trong 2 tranh chấp thì người mua luôn bị thiệt thòi vì đây không phải là giao dịch bảo đảm.

Đồng quan điểm, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về thực trạng này, LS Vũ Văn Biên, Công ty Luật TNHH An Phước cho rằng Luật Nhà ở 2014 đã quy định chi tiết các nhóm đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội và với những điều kiện liên quan cho từng đối tượng chi tiết. Đối với thủ tục, trình tự mua NOXH đã được chi tiết hóa tại các văn bản như Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 49/2021/NĐ-CP, Thông tư 20/2016/TT-BXD...

Do đó các khách hàng có nhu cầu về nhà ở xã hội cần tìm hiểu để xem mình có thuộc diện được mua hay không, nếu đủ điều kiện thì thực hiện theo đúng các trình tự, thủ tục quy định.

Đối với các thông tin về dự án , khách hàng nên tìm hiểu theo các kênh chính thống như website của Sở Xây dựng các tỉnh thành và của doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhằm tránh việc bị lợi dụng, cần thiết có thể tham khảo thêm ý kiến tư vấn của Luật sư nếu có thể.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm