Chồn mẹ Antonia được nhân bản từ một mẫu mô đông lạnh của con chồn chân đen Willa (đã chết vào năm 1988). Antonia cùng với các chị em là Elizabeth-Ann và Noreen là 3 con chồn chân đen nhân bản còn sống đến ngày nay.
Theo trang IFLScience ngày 5-11, Vườn thú đông lạnh thuộc Liên minh hoang dã Vườn thú San Diego đã bảo tồn vật liệu di truyền của Willa. DNA của Willa chứa gấp 3 lần biến thể di truyền được tìm thấy ở loài chồn chân đen hiện đại (Mustle nigripes).
Lý do của việc ít biến thể di truyền ở loài chồn hiện đại là vì tất cả chồn chân đen còn sống đến ngày nay đều được sinh ra chỉ từ 7 cá thể. Sự suy giảm đa dạng di truyền khiến chúng có nguy cơ mắc một số bệnh, bao gồm dịch hạch và bệnh care ở chó.
Các nhà khoa học đã tìm cách đưa gene của Willa trở lại nhóm gene của loài chồn chân đen với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ tương lai của loài bằng sự đa dạng của hệ gene, vốn cần thiết cho quá trình phục hồi lâu dài.
Trước đây, các nhà khoa học hy vọng Elizabeth-Ann có thể là con chồn chân đen nhân bản đầu tiên sinh con nhưng hệ sinh sản của nó kém phát triển nên không thể. Hiện tại, Antonia đã làm nên "lịch sử".
Sau khi giao phối với một con đực ba tuổi cùng loài, Antonia đã sinh ra hai con non khỏe mạnh tại Viện bảo tồn sinh học và vườn thú quốc gia Smithsonian (NZCBI) ở bang Virginia, Mỹ trong sự vui mừng của nhóm nghiên cứu.
"Việc nhân giống thành công và sau đó là sự ra đời của lứa con của Antonia đánh dấu một cột mốc quan trọng trong công tác bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng", ông Paul Marinari, quản lý cấp cao của Smithsonian NZCBI, cho biết.
Nhóm nghiên cứu hiện đang tập trung vào bảo tồn môi trường sống, quản lý bệnh tật và cuối cùng là thả chúng về với tự nhiên.
May mắn, nhóm nghiên cứu đang nhận được sự hỗ trợ to lớn từ Cục Hoang dã và cá Mỹ cùng với các đối tác như Smithsonian NZCBI, Revive & Restore, Liên minh Hoang dã Vườn thú San Diego, Hiệp hội Vườn thú và thủy cung...