Tôi nhớ có lần, nhân viên đã tới văn phòng tôi và khóc mỗi ngày một lần. Đôi khi, có nhiều hơn 1 nhân viên khóc với tôi trong một ngày. Nói một cách rõ ràng hơn, tôi không phải là người làm cho họ khóc. Tôi là Quản lý Nhân sự của họ.
Vì lý do nào đó không mấy tốt đẹp, người khiến họ khóc lại chính là sếp của họ. Và tôi muốn bạn hiểu rằng, rất khó để khiến ai đó khó chịu đến mức họ sẵn sàng nói chuyện với bộ phận Nhân sự về vấn đề họ đang gặp phải.
Có rất nhiều yếu tố khiến một mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, hình thành nên một phong cách lãnh đạo cực kỳ tồi tệ. Chẳng hạn, khi công ty đang gặp khó khăn về tài chính, các nhà quản lý thường trở nên mệt mỏi vì không đạt được mục tiêu doanh số, từ tháng này qua tháng khác. Tinh thần của họ sẽ dần trở nên căng thẳng, dẫn đến việc họ sẽ có những hành động và lời nói tàn nhẫn hơn bao giờ hết.
Vậy những người quản lý đó đã làm gì? Hầu hết họ chọn cách nghỉ việc.
Sau một thời gian, chúng tôi bị thiếu nhiều nhân lực cho vị trí cấp quản lý. Trong khi đó, chúng tôi cũng không tìm được những người có đủ tiêu chuẩn để lấp đầy những vị trí này. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng từ bên ngoài công ty gần như là không thể. Bởi vì, ai lại muốn gia nhập một công ty đang trên đà thất bại?
Chúng tôi đã đưa ra quyết định rằng, nếu muốn lấp đầy các vị trí cấp quản lý này, chúng tôi phải đề bạt những nhân viên trong nội bộ, những người được cho là chưa sẵn sàng để trở thành quản lý.
Đó thật sự là một sai lầm lớn. Họ chưa bao giờ được đào tạo để trở thành một người lãnh đạo đúng nghĩa
Chúng tôi đang phải làm việc với một đội ngũ "lãnh đạo" khủng khiếp. Họ không lạm dụng quyền hành hoặc bất cứ điều gì. Tuy nhiên, họ lại không có những kỹ năng về cách đối thoại, huấn luyện hoặc quản lý xung đột đối với đội ngũ nhân viên của họ. Và một số người còn bị thiếu sót đáng kể về mặt trí tuệ cảm xúc. Tất cả những điều này nói lên rằng, tôi đang phải đối diện với một đường lối lãnh đạo hết sức tồi tệ, mà đội ngũ quản lý đang áp dụng những điều tệ hại đó cho nhân viên của họ.
Và nếu bạn đang làm việc cho một nhà lãnh đạo tồi, tôi xin chúc mừng bạn. Tại sao?
Bởi vì, việc này sẽ giúp ích rất nhiều cho nghề nghiệp của bạn.
Những nhà lãnh đạo tồi sẽ giúp cho bạn hiểu được tầm quan trọng trong việc đánh giá đúng năng lực của bản thân
Lần đầu tiên, khi tôi nhận được một công việc toàn thời gian, tất cả những gì tôi mong muốn là có người công nhận và chỉ cho tôi biết rằng tôi đang làm tốt công việc ra sao. Tôi được làm quen với những đánh giá thông qua điểm số tôi đạt được, miễn là tôi đạt được điểm A, tôi biết mình đã làm "đủ tốt".
Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo tồi tệ thường ít khi đưa ra nhận xét cho nhân viên của mình, nếu có, thì nó cũng chẳng tích cực là bao. Nếu không có những lời nhận xét đó, tôi sẽ tự thuyết phục với bản thân rằng, không có ai nói với tôi rằng tôi đang làm rất tốt, thì có lẽ tôi đã không hoàn thành tốt công việc.
Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian chờ đợi những phản hồi không bao giờ đến, tôi đã học cách ngừng tìm kiếm những lời nhận xét từ mọi người và bắt đầu tự đánh giá hiệu quả công việc của bản thân.
Tôi sẽ tự hỏi liệu mình đã làm tốt những công việc được giao chưa? Tôi có đang cảm thấy mình tạo ra được thêm giá trị gì cho công việc này hay không? Nếu câu trả lời cho những câu hỏi đó là "có", tôi coi đó là thước đo thành công cho bản thân mình. Tôi không cần phải tìm kiếm nó từ người khác nữa.
Những người lãnh đạo tồi sẽ dạy cho bạn cách để trở thành những nhà quản trị tốt hơn
Hãy ghi chép lại thật kỹ điều này! Bởi vì, người sếp tồi tệ đang mô tả cho bạn một bản thiết kế chi tiết về mọi thứ không nên làm trong cương vị là một nhà quản trị. Một ngày nào đó, bạn sẽ lãnh đạo một đội ngũ nhân viên và bạn phải cố gắng hết sức để đảm bảo rằng, bạn sẽ không khiến cho các thành viên trong nhóm cảm thấy thất vọng như cách mà sếp bạn từng làm với bạn.
Tôi đã học được rất nhiều điều từ người sếp tốt nhất mà tôi từng làm việc, và bà ấy đã dạy tôi rất nhiều về cách suy nghĩ như một nhà lãnh đạo. Ngược lại, tôi cũng học được rất nhiều điều, nếu không muốn nói là nhiều hơn, từ người sếp tồi tệ nhất của mình. Nó gần như khiến tôi cảm thấy rất khó chịu, nhưng tôi vẫn cố gắng học và nhìn nhận nó ở góc độ tích cực nhất.
Bạn hãy chú ý đến cách sếp của bạn nói chuyện với bạn và những người khác, cách họ phản ứng khi gặp căng thẳng, cách họ đối diện với những lời chỉ trích và cách họ phục hồi sau khi gặp thất bại. Với một việc đơn giản là quan sát mọi người tại nơi làm việc, bạn có thể hình thành nên những điều kỳ diệu cho trí tuệ cảm xúc của chính mình trong tương lai.
Những người sếp tồi sẽ dạy bạn cách đánh giá những nhà quản trị khác trong tương lai
Tôi đã từng làm việc cho một người sếp, mà dường như ông ta luôn cố tình cô lập tôi. Mọi thứ gần như đều là bí mật đối với tôi. Tôi có cảm giác như tôi luôn là người cuối cùng biết thông tin mà tôi cần để làm tốt công việc của mình.
Sau này, khi tôi đi phỏng vấn để xin làm việc tại một nơi khác, tôi đã quyết tâm chỉ làm việc cho một người minh bạch và chủ động tạo ra những quy trình, để đảm bảo mọi nhân viên luôn nắm bắt rõ công việc. Tôi đã sử dụng quy trình phỏng vấn để đảm bảo rằng tôi sẽ không ứng tuyển vào những công việc được quản lý bởi những người sếp tồi như vậy nữa.
Và tôi đã thực hiện quy trình này bằng cách đặt rất nhiều câu hỏi cho nhà tuyển dụng trong các cuộc phỏng vấn của mình về khía cạnh văn hóa lãnh đạo. Tôi sẽ hỏi rõ người sếp tương lai của tôi về những mặt này và tham khảo thật kỹ những báo cáo trực tiếp về người đó, thăm dò những người có thể xác nhận được kinh nghiệm của người đó trong tổ chức.
Làm việc cho một người sếp tồi thật sự là điều rất kinh khủng vào thời điểm này. Nhưng tôi hứa với bạn rằng, bạn đang được học hỏi và sẽ trưởng thành hơn rất nhiều từ những trải nghiệm mà bạn đang phải trải qua.
Hãy nhớ rằng không có vị trí lãnh đạo nào tồn tại mãi mãi, và cũng không chắc chắn rằng bạn sẽ làm mãi công việc này, hoặc thậm chí là làm việc cho công ty này mãi mãi.
Bạn luôn có quyền lựa chọn để tiếp tục ở lại hoặc rời đi bất cứ lúc nào bạn cảm thấy phù hợp. Nhưng hãy cố gắng học hỏi thật nhiều trong khoảng thời gian bạn đang ở lại làm việc.