Đã bao giờ bạn ở trong một vòng lặp vô tận như thế này chưa: Đi làm - áp lực cao - giải trí bằng cách mua sắm không ngừng - hết tiền - đi làm,... Cuộc sống cứ thế trôi qua và chẳng có đồng bạc nào để tích lũy. Thu Cúc (24 tuổi, Hà Nội) cũng đã có khoảng thời gian bị cuốn vào vòng xoáy vô tận đó. Nhưng thật may, cô bạn cũng đã nhận ra vấn đề của chính mình, và giải quyết nó!
Hết tiền ngay khi vừa nhận lương
Mình vừa nhận bằng Dược sĩ được 1 năm. Nhưng khoảng thời gian vùi mình vào việc cũng đã gần 2 năm. Lúc còn đi học, mình có làm thêm ở tiệm thuốc, vừa học hỏi kinh nghiệm vừa kiếm thêm ít tiền. Mức lương được trả cũng chỉ khoảng 6,5 triệu đồng. Bán thuốc từ 7h sáng đến 3h chiều. Hôm nào bận học, mình lại chuyển sang ca đêm. Dù cho chi phí lúc đó cần chi trả chẳng nhiều, nhu cầu phát sinh cũng chẳng có, nhưng mình luôn trong tình trạng hết tiền.
Tan làm, tan học về nhà, mệt quá nên mình hay gọi đồ ăn ngoài. Tiền phòng trọ chia 4 cũng chỉ hết 900k/tháng. Tiền điện nước, gạo góp chung cũng chỉ khoảng 300k. Nhưng tiền ăn ngoài lại khá cao, đều đều mỗi tháng 1-1,5 triệu nữa. Nhưng thứ khiến mình chi tiêu nhiều nhất có lẽ là mua sắm đồ đạc. Ngoài chi tiền cho quần áo, lúc đó mình chọn mua trả góp 1 chiếc điện thoại và chiếc xe máy cũ của chị họ. Mỗi tháng, tổng số tiền cần chi ra cũng vượt mức 6 triệu. Lương chưa kịp nhận về, tính toán 1 chút cũng đã hết sạch. Nhiều hôm tiền vừa được chuyển đến tài khoản, đã phải lo đóng tiền phòng, trả nợ chị họ và trả góp chiếc điện thoại kia. Điều này khiến lúc nào mình cũng cảm thấy bí bách về chuyện tiền nong.
Sau này, khi đi làm rồi mình mới ý thức được việc tính toán chi tiêu phù hợp, quan trọng ra sao. Bởi không còn sự giúp đỡ của bố mẹ, nên mọi chi phí mình đều tự lo. Nếu không kiểm soát tiền lương, việc vay nợ sẽ là điều hiển nhiên.
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Cố gắng tiết kiệm 30% tiền lương mỗi tháng
Nếu bạn không sống trong một hoàn cảnh quá đặc biệt và cần phải tiêu nhiều tiền, thì không cần phải sống tằn tiện quá mức. Đừng ép mình phải sống dè sẻn, mà hãy học cách sử dụng đồng tiền có kế hoạch và đúng với mức thu nhập của mình, đó gọi là cách quản lý tiền lương.
Đầu tiên, hãy xác định mục tiêu tiết kiệm và cân đối các khoản chi tiêu.
Nói chung, số tiền tiết kiệm được có thể đặt ở định mức 20% tiền lương. Tháng nào ít thì 10%, tháng nào không cần chi tiêu gì nhiều thì 30%. Đây cũng chỉ là những con số trung bình và phù hợp với nhu cầu của từng người. Không có một con số cụ thể nào cả, vì nó còn dựa trên tổng thu nhập, cách bạn sử dụng tiền, mức tiêu dùng của bạn ở thành phố đó là bao nhiêu. Đôi khi cùng 1 mức lương, nhưng bạn sống ở Hà Nội sẽ khác với sống ở quê. Để xác định được số tiền này, tốt nhất bạn hãy liệt kê rõ ràng thu nhập và chi phí của mình. Từ bảng đó, chúng ta có thể tìm ra được những khoản chi tiêu cố định - và chi tiêu linh động để từ đó điều chỉnh chi tiêu linh động một cách tối ưu hóa nhất.
Ví dụ: Bạn có thể giảm số lần ăn ngoài từ 4 thành 2, thay thế những món ăn đắt tiền, không tiết kiệm bằng các khoản chi tiêu phù hợp với mức thu nhập hiện tại.
Nhưng bên cạnh đó, đừng hạ thấp những chi phí liên quan đến việc "giảm căng thẳng". Bởi vì với thời gian làm việc ngày càng nhiều, bạn cần thư giãn đầu óc hơn để có thể sáng tạo, nâng cao hiệu suất trong công việc. Mình luôn giữ những khoản chi phí như: Mạng internet, luôn là loại mạng có tốc độ truy cập nhanh nhất, hay các phần mềm liên quan đến giải trí như game, xem phim, nghe nhạc, gym, yoga... Đây là những khoản tiền tưởng chừng như lãng phí, nhưng lại cứu cánh mình lúc mệt mỏi. Với mình, đây là - chi phí đặc biệt.
Thêm nữa, nhất định luôn phải có khoản dự phòng. Mình dành ít nhất 10% thu nhập đều đặn hàng tháng. Chỉ khi kết hôn, thất nghiệp, hay bệnh tật,... bạn mới biết khoản tiền này quan trọng đến thế nào.
Và trừ đi chi phí sinh hoạt hàng ngày, là bạn sẽ áng chừng được con số mình tiết kiệm được. Nếu như làm thêm giờ, mức lương thay đổi theo hàng tháng, thì hãy tính thêm khoản thả nổi của tiền lương. Sau đó, đem chia nhỏ và bù trừ vào những chi phí mình đã liệt kê ở trên.
Thứ hai, đừng tiêu tiền bằng cách quẹt thẻ hay chuyển khoản
Đây là điều mình nhận ra sau khoảng thời gian sử dụng tiền chuyển khoản. Biết gì không, bạn sẽ chẳng thể cảm nhận từng đồng tiền trong ví bị rút ra! Vì chi tiêu bằng thẻ ngân hàng, khiến bạn lờ đi cảm giác biến mất của những tờ tiền giấy.
Vậy nên, sau khi nhận tiền lương hàng tháng, hãy theo kế hoạch tiết kiệm trên mà chuyển sang tài khoản ngân hàng. Tách ngay khoản này ra để tránh nhập nhằng trong chi tiêu. Số còn lại dùng để chi trả sinh hoạt phí, mình khuyên bạn hãy sử dụng tiền mặt là chủ yếu. Chỉ khi biết được bản thân tiêu 1 đồng là mất 1 đồng, bạn sẽ bớt chi tiêu buông thả hơn rất nhiều đó!
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Thứ ba, hãy dùng thẻ tín dụng cho những khoản thanh toán trực tuyến
Trước đây, thẻ tín dụng với mình không khác gì cái bẫy tiêu tiền. Nhưng nếu biết sử dụng đúng cách, bạn sẽ lời một số tiền "chẳng cần làm cũng được hưởng" từ ngân hàng. Có rất nhiều chính sách ưu đãi, tích điểm của thẻ, giúp việc mua sắm trực tuyến "rẻ" hơn. Nhưng hãy dùng cẩn thận, nếu không muốn biến thành con nợ, đến cuối tháng nhận lương chỉ biết trả cho ngân hàng.
Mình thường dùng loại thẻ này mỗi khi đi siêu thị, cửa hàng thời trang, hay các quán ăn nhanh,... đây là những địa điểm tích điểm và giảm giá nhiều nhất. Con người ta vốn rất thích những món đồ giảm giá, kể cả đồ hiệu. Vậy nên, hãy sử dụng 1 cách thông minh những tiện ích của thời đại công nghệ.
Thứ tư, hãy tiết kiệm điện, nước, và các loại đồ dùng
Đây là những khoản chi tiêu, với nhiều người là rất nhỏ. Nhưng với những người thuê nhà, hoặc sống ở các thành phố lớn, số tiền bạn phải trả cho 1 số điện thường cao hơn mức nhà nước đưa ra. Con số hàng năm cần chi trả có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Hơn nữa, tiết kiệm điện, nước hay các loại năng lượng liên quan giúp bảo vệ môi trường nữa.
Mình thường mua những món đồ có thể sử dụng được lâu dài để không cần tốn tiền thay đổi trong năm. Ít uống đồ uống ngoài đường, thay vào đó là mang nước ở nhà đi, hoặc tự pha mỗi sáng. Tận dụng triệt để các loại tài nguyên sẵn có!
Cuối cùng, hãy học đầu tư
Đây là cách cải thiện thu nhập tốt nhất mình đang làm. Nếu không biết quá nhiều về kinh tế, hãy đi học. Chỉ có đầu tư mới khiến số tiền bạn tiết kiệm được trở nên có ích nhất.
Những điều này tuy hữu ích nhưng không phải dành cho tất cả mọi người. Xét cho cùng thì môi trường sống, hoàn cảnh kinh tế, gia đình,... của chúng ta khác nhau. Nhưng xét trên góc độ "quản lý tiền lương", thì trong ngắn hạn hay dài hạn, các mẹo trên đều có lợi cho chính bạn đó!