Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11, sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc dự kiến phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia.
Trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét phân bổ vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 và xem xét, quyết định phương án phân bổ vốn kế hoạch ngân sách trung ương năm 2022 cho ba Chương trình mục tiêu quốc gia là đúng thẩm quyền theo quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội.
Các Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/3. Tuy nhiên, đến ngày 19/4, Chính phủ mới có Tờ trình là quá chậm so với thời gian quy định.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng sự chậm trễ này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt bố trí kế hoạch vốn sau gần 1,5 năm chưa được phân bổ cụ thể đến các bộ, ngành, địa phương gây lãng phí nguồn lực của quốc gia. Chính phủ cần báo cáo làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chậm triển khai các Nghị quyết của Quốc hội.
Quốc hội đã quyết nghị về mức bố trí vốn đầu tư phát triển để thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 là 100.000 tỷ đồng. Tại Tờ trình này, Chính phủ đề nghị phân bổ 95.000 tỷ đồng, chưa phân bổ 5.000 tỷ đồng đối với một số nhiệm vụ, đề án, chương trình chuyên đề chưa được phê duyệt.
Về nội dung này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ giải trình về việc phân bổ kế hoạch trung hạn 95.000 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc ba Chương trình mục tiêu quốc gia đã đủ thủ tục, cơ sở để triển khai tổ chức thực hiện theo quy định.
Đối với số chưa phân bổ 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển (gồm 2.000 tỷ đồng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và 3.000 tỷ đồng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới), Chính phủ cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Về phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2022, ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh Chính phủ cần xây dựng phương án phân bổ toàn bộ số vốn 34.049 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đối với các nhiệm vụ, đề án cụ thể tại thời điểm hiện nay chưa hoàn thiện về cơ sở pháp lý, đề nghị bố trí nguồn lực trong các năm sau để thực hiện.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cơ bản thống nhất với nguyên tắc phân bổ vốn giai đoạn 2021-2025 và năm 2022, đồng thời đề nghị, Chính phủ tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các nghị quyết của Quốc hội trong phân bổ vốn.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc lưu ý việc bảo đảm phân bổ vốn có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các địa bàn khó khăn, giải quyết những vấn đề bức xúc, vướng mắc; bố trí nguồn lực bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp, phân tán, dàn trải, lãng phí...
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định sau gần một năm rưỡi, nguồn vốn ba Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ cụ thể đến các bộ, ngành, địa phương đã gây lãng phí nguồn lực. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của sự chậm trễ và trách nhiệm của các cơ quan để báo cáo Quốc hội.
"Chậm ở đâu, bộ ngành nào, địa phương nào? Không nói chung chung mà phải có địa chỉ" - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ. Đồng thời, Chính phủ cần có kế hoạch triển khai cụ thể, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ và bộ ngành, địa phương nào thực hiện yếu kém thì quy trách nhiệm, kiểm điểm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh ba Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, tác động rộng lớn đến đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên đến nay, việc triển khai thực hiện rất chậm. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá, phân tích làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, chậm trễ ở đâu, do ai.
Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 quyết định lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2023 về việc tổ chức thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia này.
"Giám sát để có đổi mới, cải tiến, không chỉ hậu kiểm mà giám sát ngay trong quá trình tổ chức triển khai, như giám sát về quy hoạch vừa qua thì mới có tác dụng trực tiếp, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Đề nghị các bộ, ngành, các cấp quán triệt ý thức trách nhiệm của mình đối với ba Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý công việc giờ đã chậm thì phải làm nhanh, song "nhanh nhưng phải đúng" về mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn mà các Nghị quyết của Quốc hội đặt ra.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương phân bổ vốn ngân sách trung ương cho giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện phương án phân bổ vốn. Việc phân bổ vốn phải tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan rà soát các nhiệm vụ dự án để xác định mức vốn phân bổ, hoàn chỉnh báo cáo và dự thảo Nghị quyết xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản.
Trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét việc bổ sung kế hoạch ngân sách trung ương năm 2022 trong nước phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương.