Trong ngày 11/5, giá bitcoin lần đầu tiên rơi xuống ngưỡng dưới 30.000 USD sau 10 tháng. 800 tỷ USD giá trị vốn hóa tiền mã hóa thị trường đã “không cánh mà bay” trong bối cảnh nhà đầu tư tỏ ra quan ngại trước xu hướng siết chính sách tiền tệ trên phạm vi toàn cầu.
So với năm 2016, thời điểm gần nhất Fed thực hiện siết chính sách tiền tệ, thị trường tiền mã hóa đã lớn hơn rất nhiều, khiến không ít người lo ngại tác động qua lại giữa thị trường này và thị trường tài chính nói chung.
Thị trường tiền mã hóa lớn cỡ nào?
Tháng 11/2021, giá bitcoin, đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới, chạm ngưỡng hơn 68.000 USD, cao nhất trong lịch sử, góp phần đẩy giá trị thị trường tiền mã hóa lên 3.000 tỷ USD, theo CoinGecko. Nhưng sau phiên giao dịch ngày 11/5, con số này đã vơi đi một nửa. Trong khoảng 1.510 tỷ USD vốn hóa thị trường khi đó, bitcoin đóng góp gần 600 tỷ USD, theo sau đó là ethereum, với 285 tỷ USD.
Dù tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt thời gian qua, thị trường tiền mã hóa vẫn có quy mô tương đối nhỏ.
Thị trường chứng khoán Mỹ có vốn hóa lên tới 49.000 tỷ USD, trong khi tổng giá trị các thị trường thu nhập cố định rơi vào khoảng 52.900 tỷ USD tính đến cuối năm 2021, theo thông tin từ Hiệp hội Thị trường tài chính và Công nghiệp chứng khoán.
Những ai sở hữu và giao dịch tiền số?
Tiền mã hóa ban đầu phổ biến trong giới đầu tư cá nhân, nhưng sau đó nhanh chóng thu hút sự quan tâm từ các sàn giao dịch, doanh nghiệp, ngân hàng, các quỹ phòng hộ và tương hỗ.
Trong khi tỷ lệ nắm giữ tiền ảo giữa nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trên toàn thị trường khó để có thể đoán định chính xác, Coinbase, sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới, cho biết tỷ lệ này trên nền tảng của họ là 50/50.
Trong năm 2021, tổng giá trị giao dịch của nhóm khách hàng tổ chức đạt 1.140 tỷ USD, tăng 120 tỷ USD so với năm 2020, Coinbase cho biết.
Xấp xỉ 14% người dân Mỹ đã đầu tư vào các loại hình tài sản kỹ thuật số tính đến năm 2021, theo nghiên cứu của Đại học Chicago.
Thị trường tiền số sụp đổ có ảnh hưởng tới thị trường tài chính?
Dù quy mô thị trường tiền mã hóa tương đối nhỏ, Cục Dự trữ liên bang, Bộ Ngân khố và Ủy ban Ổn định tài chính Mỹ đã cảnh báo các đồng tiền ổn định, loại hình tiền mã hóa gắn liền với giá trị các loại hình tài sản truyền thống, là nguy cơ đe dọa tiềm tàng đối với sự ổn định thị trường tài chính.
Các đồng tiền ổn định thường được sử dụng để hỗ trợ giao dịch chuyển đổi sang các loại hình tài sản điện tử khác. Chúng được hậu thuẫn bởi những tài sản có thể mất giá trị hoặc mất khả năng thanh quản khi thị trường gặp khó, trong khi các quy luật giao dịch, thông tin xung quanh những loại hình tài sản này và quyền lợi của nhà đầu tư vẫn tương đối mập mờ.
Đây là lý do khiến những đồng tiền ổn định trở nên dễ ảnh hưởng bởi tâm lý của nhà đầu tư, đặc biệt khi thị trường bất ổn, các nhà lập pháp cho biết.
Điều này trên thực tế đã xảy ra trong ngày 9/5, khi đồng TerraUSD, một đồng tiền ổn định phổ biến, đã đánh mất mức neo 1:1 với đồng USD, và giảm xuống chỉ còn 0,67 TerraUSD đổi 1 USD. Hiện tượng này bắt nguồn từ xu hướng giảm giá của đồng Bitcoin.
Với việc ngày có càng nhiều hơn các doanh nghiệp và các định chế tài chính truyền thống đầu tư vào thị trường tiền mã hóa, rủi ro tác động lan tỏa vì thế cũng sẽ tăng theo, theo các nhà lập phát.
Hiện tại, quan điểm của các nhà lập pháp về mức độ tác động của diễn biến tiêu cực trên thị trường tiền số lên hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung vẫn tương đối khác biệt.