Kỹ năng sống

Làm rõ câu hỏi “Tiền có mua được hạnh phúc không?” bằng nghiên cứu khoa học

Chắc chắn bạn đã nhiều lần nghe câu “Tiền không mua được hạnh phúc”, cũng đã từng nhiều lần nghe quan điểm rằng tiền có thể làm rất nhiều việc khiến chúng ta hạnh phúc. Câu chuyện tưởng chừng như phụ thuộc vào quan điểm sống, tư tưởng của mỗi cá nhân này ấy vậy mà đã được các nhà tâm lý học, kinh tế học nghiêm túc đi tìm câu trả lời.

Vào năm 2010, Daniel Kahneman, một nhà kinh tế học và tâm lý học từng đoạt giải Nobel, đã đưa ra giả thuyết rằng có một “cao nguyên hạnh phúc” về tiền tệ. Khi bạn đạt thu nhập hộ gia đình hàng năm đến mức 75.000 USD (gần 1,8 tỷ đồng), việc kiếm thêm nhiều tiền không khiến bạn hạnh phúc hơn chút nào.

11 năm sau, nhà nghiên cứu Matthew Killingsworth đã công bố một nghiên cứu phản bác lại Kahneman. Ông làm khảo sát, nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng hạnh phúc tăng lên cùng với thu nhập và không có bằng chứng về “số tiền thần thánh” để con người đạt được sự thỏa mãn.

 Làm rõ câu hỏi “Tiền có mua được hạnh phúc không?” bằng nghiên cứu khoa học - Ảnh 1.

Các nghiên cứu mới xác nhận rằng có nhiều tiền hơn có thể cải thiện sức khỏe tinh thần của chúng ta

Giờ đây, cặp đôi chuyên gia này đã hợp tác trong một dự án được gọi là “hợp tác đối nghịch” và công bố một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng cả hai đều đúng. Thế nhưng, sau tất cả, Killingsworth vẫn đúng hơn một chút: đối với hầu hết mọi người, kiếm được nhiều tiền hơn khiến bạn hạnh phúc hơn.

Nghiên cứu mới của 2 chuyên gia hàng đầu đã được thực hiện trên phạm vi lớn và cho ra kết quả: con người càng có nhiều tiền thì càng thỏa mãn tinh thần. Tuy nhiên hạnh phúc dường như chỉ tăng lên dần đều cho đến khi thu nhập hộ gia đình lên tới 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng). Sau khi vượt quá mốc này, cảm giác hạnh phúc sẽ đột ngột chững lại. Khi đó sẽ phát sinh một số vấn đề mà tiền bạc không thể giải quyết được.

Đối với những người ở phạm vi có cảm xúc “hạnh phúc trung bình”, hạnh phúc tăng theo tỷ lệ thuận với thu nhập nhưng sẽ chậm lại sau mốc 100.000 USD. Và đối với những người vốn đã rất hạnh phúc (có thể vì các yếu tố khác bên cạnh tài chính), sau khi đạt thu nhập 100.000 USD, cảm giác hạnh phúc của họ còn dễ tăng lên nữa. Nghiên cứu không xem xét nhóm người có thu nhập trên 500.000 USD, vì vậy chúng ta vẫn không biết liệu việc đi du lịch ngoài không gian có khiến Jeff Bezos hay Elon Musk cảm thấy thực sự thỏa mãn hay không.

 Làm rõ câu hỏi “Tiền có mua được hạnh phúc không?” bằng nghiên cứu khoa học - Ảnh 2.

Dù sao đi nữa, nghiên cứu này cũng phần nào nói lên rằng bạn không cần xe thể thao và máy bay riêng để hạnh phúc, nhưng bạn vẫn cần nơi ở và sự ổn định, và những thứ đó ngày nay cũng khá đắt đỏ và khó khăn để đạt được. Những vấn đề như lạm phát, chi phí nuôi dạy trẻ, tiền nhà và chi phí nghỉ hưu cao,... ngày càng phức tạp và làm tăng áp lực lên những người đang ở độ tuổi lao động.

Trừ khi bạn là một tỷ phú sống trên du thuyền với một nhóm đầu bếp, vệ sĩ, phục vụ riêng, thực chất đây chính là quan điểm phổ biến của xã hội hiện tại. Hầu hết mọi người đều nhận thức rõ rằng chưa cần phải làm tỷ phú, việc không phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt hay căng thẳng về hòa đơn hàng tháng sẽ tốt cho sức khỏe tinh thần của chúng ta.

Nguồn: The Guardian


Cùng chuyên mục

Đọc thêm