Vài năm trước, Takako Tomura thường đi ngang qua của hàng đồng giá 100 yen khi đang mua sắm gần nhà. Tuy nhiên, những cửa hàng bán lẻ của Nhật Bản đã thay đổi đáng kể trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Tomura giờ đây là một khách hàng thường xuyên của các cửa hàng đồng giá – vốn trước đây được coi là chỉ toàn sản phẩm chất lượng thấp với giá rẻ, từ lịch cho đến dụng cụ nhà bếp, bút hay khăn giấy.
Tomura – một người nội trợ 44 tuổi đến từ Yokohama, cho biết: "Những hình ảnh đó không bao giờ có được ấn tượng tốt đẹp với người mua vì những thứ họ bán đều phải vứt đi sau vài lần sử dụng. Vì vậy, tôi luôn nghĩ rằng việc mua sắm ở đó là phung phí tiền bạc."
Khi con gái Tomura cần một cục tẩy mới thì cửa hàng đồng giá là giải pháp hợp lý nhất. Chị chia sẻ: "Tôi khá là bất ngờ. Đồ đạc trong cửa hàng rất nhiều và không được sắp xếp hợp lý. Do đó, việc tìm kiếm đồ bạn cần có chút khó khăn. Tuy nhiên, mức giá thì rất rẻ và chất lượng cũng đã tốt hơn, tôi nghĩ vậy."
Theo các nhà phân tích, đó là sự thay đổi về hành vi mua sắm trong thời điểm giá cả tăng cao, trong khi thu nhập vẫn chững lại ở Nhật Bản. Vô số sản phẩm ở các cửa hàng đồng giá 100 yen trước đây bị người dùng đánh giá thấp hiện được coi là "đủ tốt".
Mô hình các cửa hàng bán sản phẩm đồng giá đã có từ thời Edo, từ năm 1603 đến năm 1868 – khi Nhật Bản chứng kiến những thay đổi lớn trong xã hội và các ngành công nghiệp. Sự phát triển của các cửa hàng đồng giá 100 yen trong thập kỷ vừa qua cũng diễn ra mạnh mẽ giống như vậy.
Thống kê của công ty phân tích thị trường Teikoku Data Bank cho thấy Nhật Bản có hơn 8.000 cửa hàng đồng giá 100 yen trong năm tài khóa 2020 tính đến tháng 4/2021. Số lượng cửa hàng đã tăng 40% trong thập kỷ qua. Trong khi đó, lợi nhuận của họ cũng có xu hướng tăng tương tự, gồm 4 hãng lớn nhất là Daiso, Seria, Watts và Can Do, với doanh thu 900 tỷ yen (7,18 tỷ USD).
Động lực thúc đẩy doanh số và số lượng cửa hàng của họ là chất lượng nguồn hàng tăng lên, sự cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng gay gắt, sản phẩm đa dạng hơn và người tiêu dùng Nhật Bản đang tiết kiệm nhiều hơn.
Roy Larke – giảng viên cấp cao tại Đại học Waikato ở New Zealand và chuyên gia về ngành bán lẻ, hành vi người tiêu dùng ở Nhật Bản, nhận định: "Nhiều bằng chứng cho thấy xu hướng này đã có từ trước khi đại dịch diễn ra. Khi đó, người tiêu dùng Nhật Bản lo ngại về chính sách của chính phủ về lạm phát, nhu cầu hạ giá đối với toàn bộ các lĩnh vực đều đang tăng lên."
Larke nói thêm: "Đó là mọi thứ từ quần áo, thực phẩm và đồ gia dụng. Nhìn chung, Don Quijote là chuỗi dẫn đầu xu hướng này".
Don Quijo là chuỗi đã phát vỡ khuôn mẫu thông thường đối với ngành bán lẻ của Nhật Bản, khi cửa hàng đầu tiên mở tại Tokyo vào tháng 3/1989. Với triết lý "đồ chất đống, giá rẻ", chuỗi cửa hàng này đã đã mở rộng ra hơn 160 địa điểm ở Nhật Bản, hơn 10 cửa hàng ở Singapore, 8 ở Hồng Kông và các cửa hàng khác ở Hawaii, Malaysia, Bangkok, Đài Loan và Ma Cao.
Larke nói: "Các công ty vận hàng chuỗi cửa hàng đồng giá đã bắt đầu mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Song, họ cũng phải thử nghiệm những cái mới, ví dụ như kinh doanh cả thực phẩm, để tạo sự khác biệt. Họ đang thúc đẩy sức hấp dẫn để tạo ra sự khác biệt, đặc biệt là chi phí lao động và đưa thêm những yếu tố mới lạ."
Ngoài mở chi nhánh mới, Daiso đã tăng sự hiện diện của mình bằng cách hợp tác với 7-Eleven và thiết kế cửa hàng với màu hồng tươi sáng giúp thu hút người mua. Larke cho biết, cách tiếp cận như vậy là "đôi bên cùng có lợi", khi Daiso có đại lý bán hàng mới trong khi không phải chi nhiều tiền còn 7-Eleven được hưởng lợi từ việc nhiều khách hàng ghé đến hơn.
Martin Schulz – nhà kinh tế chính sách trưởng của Global Market Intelligence Unit thuộc Fujitsu, nhận định, các cửa hàng đồng giá đã phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian xảy ra đại dịch, một phần là do nhiều người làm việc tại nhà hơn. Số lượng người đến những cửa hàng gần văn phòng hay trên đường đi làm đã giảm bớt.
Ông nói: "Người tiêu dùng ưa thích việc mua sắm ở gần nhà hơn và đó là một câu chuyện tương tự với những cửa hàng tiện lợi. Những cửa hàng như thế này xuất hiện ngày càng nhiều, nhiều chuỗi cũng đang mở các cửa hàng nhỏ và nhắm đến khách hàng là người tiêu dùng ở các khu dân cư."
Schulz nói thêm: "Tôi cũng tin rằng, các gia đình đang tiết kiệm và nỗ lực cắt giảm những món đồ đắt đỏ. Đây cũng là những yếu tố giúp các cửa hàng đồng giá trở nên hấp dẫn hơn."
Larke cho biết lĩnh vực bán lẻ của Nhật Bản sẽ trải qua nhiều thay đổi hơn và suy nghĩ về việc người tiêu dùng không thích hàng giá thấp đang ngày càng bị coi là "sai".
Larke chỉ ra, cùng với sự phổ biến của Don Quijote, các cửa hàng tiện lợi và bây giờ là hàng đồng giá 100 yen, xu hướng phát triển các siêu thị giá rẻ đã ngày càng khởi sắc. Ví dụ như chuỗi cửa hàng OK đã phát triển trở thành tập đoàn lớn thứ 4 trong lĩnh vực này chỉ trong vài năm qua.
Ông nói thêm: "Khi lạm phát ngày càng căng thẳng, chúng ta sẽ thấy các cửa hàng giá rẻ hoạt động tốt hơn nữa. Những công ty không thể kiểm soát giá sản phẩm và bị ảnh hưởng bởi các nhà bán buôn sẽ gặp khó khăn."
Tham khảo SCMP