Tài chính

Lãi suất và tỷ giá cùng giảm: Lợi ích kép cho xuất nhập khẩu

Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm đồng loạt lãi suất điều hành từ 0,5 - 1%/năm kể từ ngày 15/3. Cùng với động thái giảm lãi suất điều hành, tỷ giá trung tâm tại Ngân hàng Nhà nước ngày 16/3 cũng giảm về mức 23.622 VND/USD. Tỷ giá USD trên thị trường liên ngân hàng ngày 16/3 đã giảm nhẹ 0,02% so với những ngày trước đó, xuống 23.582 VND/USD.

Trong bối cảnh các DN đang dần hồi phục sau dịch Covid, nhu cầu vốn, nhu cầu sử dụng ngoại tệ cho đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu vật tư thiết bị hàng hóa được luôn được các DN quan tâm và coi trọng. Việc giảm lãi suất điều hành và tỷ giá ngoại tệ đang có phần “hạ nhiệt” vào thời điểm này được đánh giá động thái tích cực, hết sức kịp thời hỗ trợ DN, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất và tỷ giá cùng giảm: Lợi ích kép cho xuất nhập khẩu - Ảnh 1.

Nhiều DN tích cực nhập khẩu vật tư nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất có lợi thế khi tỷ giá ngoại tệ giảm.

Từ đầu năm đến nay, nhiều DN ngành thép có phần chật vật khi lượng xuất khẩu giảm sút do khó khăn về thị trường, giá cả. Cùng với đó, tình hình thế giới có nhiều biến động bởi khủng hoảng lạm phát và xung đột quân sự, đã khiến hoạt động nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất thép, các sản phẩm thép thành phẩm chất lượng cao gặp nhiều khó khăn.

Ông Bùi Minh Hiệp, Giám đốc Công ty XNK Kim khí Tường Minh (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, là DN hoạt động đặc thù nhập khẩu các chủng loại thép phục vụ ngành chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, như thép chế tạo cơ khí, thép tấm cán nóng, cán nguội, thép hợp kim… nên việc nhập khẩu sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố của thị trường nước ngoài. Trong khi đó, tỷ giá trong nước thời gian qua ở mức cao khiến DN phải đắn đo khi huy động nguồn ngoại tệ phục vụ hoạt động nhập khẩu.

“Chi phí của DN gia tăng khi tỷ giá lên cao càng làm cho giá thành sản phẩm đội lên, khiến việc nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm thép nhiều lúc rất chậm. Thường ở thời điểm tỷ giá trong nước ở mức cao, DN chỉ thực hiện các đơn hàng nhỏ để duy trì hợp đồng và theo dõi diễn biến. Nếu xu hướng tỷ giá tiếp tục giảm như hiện nay, DN sẽ tính đến những đơn hàng nhập khẩu lớn, bù lại một phần chi phí trước đây”, ông Hiệp chia sẻ.

Được xem là tác động tích cực đến hoạt động nhập khẩu, song biến động tỷ giá giảm sẽ có ảnh hưởng đến các lĩnh vực xuất khẩu, đặc biệt là đối với các ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày cũng như các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Đơn cử như dệt may hiện đang đối diện với khó khăn về đơn hàng, các DN trong ngành đang kỳ vọng đơn hàng sẽ nhiều hơn vào quý II và 6 tháng cuối năm nay.

Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tỷ giá USD giảm có thể ảnh hưởng đến một số đơn hàng dài hạn đã ký kết từ trước, khiến sản phẩm giảm tính cạnh trạnh tại các thị trường xuất khẩu có thanh toán bằng USD. Trong khi đó, dệt may Việt Nam đã và đang thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước để chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất, nên lợi thế khi tỷ giá giảm sẽ là không nhiều.

Nhìn nhận về tác động của biến động của tỷ giá, Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, trước mắt tỷ giá VND/USD giảm sẽ tạo thuận lợi hơn cho các nhà nhập khẩu khi giá nguyên phụ liệu giảm xuống. Đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam thường gia tăng vào những tháng đầu năm, bởi nhiều DN vẫn tập trung vào gia công xuất khẩu nên phải nhập khẩu gần như toàn bộ nguyên liệu, linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất.

Đối với các DN xuất khẩu, nếu tập trung hơn vào các thị trường không sử dụng đồng USD làm công cụ thanh toán, vẫn có thể gián tiếp tận dụng được lợi thế khi giá nguyên phụ liệu nhập khẩu giảm, khiến giá thành sản phẩm giảm theo, từ đó tăng được tính cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trong quá trình xuất khẩu.

Về lâu dài ông Phương cho rằng, các DN xuất và nhập khẩu vẫn cần phải làm tốt hơn công tác dự báo để lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, trong đó chủ động có những phương án thích ứng cùng các kịch bản ứng phó phù hợp nhất với biến động của tỷ giá và trong điều kiện có thể, DN nên tham gia quỹ bảo hiểm tỷ giá để đề phòng ngừa rủi ro.

Lãi suất và tỷ giá cùng giảm: Lợi ích kép cho xuất nhập khẩu - Ảnh 2.

Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu đều phải có kịch bản ứng phó với biến động của tỷ giá

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, khi đồng tiền trong nước tăng giá, các DN sẽ có xu hướng đẩy mạnh nhập khẩu bởi so với trước kia, họ sẽ phải trả số tiền thấp hơn để mua một lượng hàng hóa như nhau.

“Giá trị của VND hiện nay tương đối ổn định so với USD và một số ngoại tệ khác, thậm chí còn tăng giá so với USD. Do đó việc nhập khẩu của các DN Việt Nam sẽ được hưởng lợi ích tốt hơn từ việc vay tiền từ các ngân hàng trong nước để chuyển hóa thành ngoại tệ cho nhập khẩu. Tuy nhiên cần lưu ý, khi giá trị đồng tiền trong nước cao sẽ làm cho giá cả hàng hóa của Việt Nam ở nước ngoài tăng lên, đắt hơn so với hàng hóa của nước khác, làm giảm tính cạnh tranh, hạn chế lượng tiêu thụ từ đó phần nào tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh chỉ ra./.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm