Theo đó, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) mới cách đây vài ngày còn niêm yết lãi suất lên tới 10,7%/năm dành cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng lãi cuối kỳ từ 500 tỷ đồng trở lên và được phê duyệt của Tổng giám đốc. Đây là mức lãi suất cao nhất tại NamABank và cũng là cao nhất trong toàn hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, trong bảng lãi suất áp dụng từ ngày 4/3 đã không còn nội dung này. Hiện lãi suất cao nhất niêm yết tại NamABank là 8,9%/năm đối với khoản tiền gửi trực tuyến các kỳ hạn 7, 8, 12, 13 và 14 tháng.
Lãi suất một số kỳ hạn khác cũng được NamABank điều chỉnh giảm từ 0,5-1,2%/năm; trong đó, tiền gửi kỳ hạn 6 và 9 tháng, lãi suất giảm từ 8,5%/năm xuống 8%/năm.
Khách hàng gửi kỳ hạn 12, 13 tháng lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi dưới 500 tỷ đồng áp dụng lãi suất 8,1%/năm thay vì mức 8,6%/năm niêm yết trước đó vài ngày.
Đáng chú ý, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 11 tháng giảm tới 1,2%/năm xuống còn 7,3%/năm.
Cũng từ hôm nay, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) giảm đồng loạt từ 0,4-0,5%/năm lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên so với trước đó.
Lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 6 tháng tại VietABank giảm từ 9,3%/năm xuống 8,8%/năm; kỳ hạn từ 7 đến 11 tháng giảm từ 9,4%/năm xuống 8,9%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 12, 13 và 15 tháng giảm từ 9,5%/năm xuống còn 9%/năm.
Lãi suất cao nhất tại VietABank giảm còn 9,1%/năm áp dụng cho kỳ hạn tiền gửi từ 18 tháng trở lên. Trước đó, ngân hàng này niêm yết lãi suất cao nhất 9,5%/năm cho tiền gửi trực tuyến từ 12 tháng.
Tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), sau bước giảm lãi suất cao nhất từ mức gần 10%/năm xuống còn 9,5%/năm trong ngày đầu tháng 3 thì đến hôm nay NCB tiếp tục giảm lãi suất cao nhất còn 9,25%/năm dành cho tiền gửi trực tuyến Tiết kiệm An Phú, kỳ hạn từ 12 đến 30 tháng.
Các kỳ hạn khác cũng giảm từ 0,2-0,3%/năm lãi suất xuống còn 8,45%/năm với tiền gửi 6-9 tháng và 8,6%/năm với 12 tháng.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) thông báo từ ngày 5/3, lãi suất các kỳ hạn 6 và 9 tháng giảm từ 8,3%/năm xuống 7,8%/năm; 12 tháng từ 8,6%/năm xuống 8,1%/năm.
Lãi suất cao nhất tại MSB giảm tương ứng, xuống còn 9%/năm dành cho sản phẩm lãi suất đặc biệt kỳ hạn 15 và 24 tháng, gửi tối đa 5 tỷ đồng/khách hàng.
Kể từ ngày 6/3, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng điều chỉnh lãi suất với bước giảm từ 0,3-0,8%/năm.
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6-9 tháng tại BacABank giảm 0,5%/năm còn 8,6%/năm; kỳ hạn 12 tháng có bước giảm tương đương còn 8,7%/năm. Lãi suất cao nhất rời từ mức 9,5%/năm xuống còn 9,2%/năm dành cho khoản tiền gửi trên 1 tỷ đồng kỳ hạn từ 13 tháng.
Tại Sacombank, lãi cao nhất giảm mạnh 0,8%/năm xuống còn 8,6%/năm dành cho tiền gửi online kỳ hạn 36 tháng. Điều kiện hưởng mức lãi suất cao nhất này đã nới rộng hơn trước khi không còn đính kèm việc tham gia bảo hiểm nhân thọ kết hợp với gửi tiền tiết kiệm.
Các kỳ hạn khác cũng sẽ giảm 0,5%/năm xuống còn 7,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; 7,7%/năm cho 9 tháng và 7,9%/năm cho 12 tháng.
Trước đó, một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)... đã giảm lãi suất phổ biến từ 0,1-0,3%/năm tùy từng kỳ hạn.
Như vậy, sau loạt điều chỉnh này, lãi suất cao nhất trong hệ thống đang ở mức 10,1%/năm tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) khi gửi từ 50 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn từ 13 tháng.
Hiện còn 6 ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất 9,5%/năm là Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Trong đó, tại VietBank và SCB, khách hàng gửi tiền kỳ hạn từ 6 tháng đã được hưởng mức lãi suất hấp dẫn trên. Tại 4 ngân hàng còn lại, khách hàng phải đáp ứng điều kiện về số tiền gửi tối thiểu là 100 hoặc 300 tỷ đồng, hoặc lựa chọn sản phẩm chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 8 năm...
Tại thời điểm khảo sát, có 10/35 ngân hàng áp dụng lãi suất từ 9%/năm trở lên cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Một số ngân hàng đang huy động lãi suất cao nhất tại kỳ hạn này là SCB với 9,5%/năm; BaoVietBank 9,4%/năm; VietBank 9,3%/năm; Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) 9,2%/năm; Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) 9,2%/năm...
Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cao nhất được niêm yết tại các ngân hàng VietBank 9,3%/năm; DongABank 9,1%/năm; Kienlongbank 9%/năm...
Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT dự báo lãi suất huy động sẽ khó có thể giảm mạnh khi Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng phải giữ nguyên lãi suất điều hành do áp lực tỷ giá và lạm phát vẫn hiện hữu. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng được định hướng ở mức cao 14% đòi hỏi các ngân hàng phải cân đối nguồn vốn.
Nhưng theo VNDIRECT, lãi suất vẫn có thể giảm nhẹ trong năm nay: "Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7%/năm và 7,5%/năm vào cuối năm 2023".
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng ngày 3/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay. Thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới giảm 0,43%/năm; đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô thế giới, trong nước, điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp để ổn định tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng cường tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn tín dụng.