Lãi suất chạm đáy, thanh khoản dư thừa
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong phiên 24/11, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm xuống còn 0,14%/năm, bằng với mức lãi suất ghi nhận vào ngày 21/9 - thấp nhất kể từ giai đoạn đại dịch COVID. Kể từ khi NHNN ngừng hoạt động hút tiền qua kênh tín phiếu, lãi suất liên tục giảm.
Ngoài kỳ hạn qua đêm, những kỳ hạn khác cũng tụt xuống thấp nhất trong nhiều tháng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tuần đã giảm còn 0,25%/năm, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2023. Lãi suất kỳ hạn 2 tuần giảm còn 0,38%/năm, thấp nhất kể từ giai đoạn đại dịch COVID. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng cũng chỉ còn 1,1%, thấp nhất từ giữa tháng 9.
Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 3 tháng ở mức 3,49%/năm, tiếp tục duy trì quanh vùng thấp nhất kể từ giữa năm 2022.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng diễn biến của lãi suất hàm ý nhu cầu vay vốn trong thời điểm cuối năm của nền kinh tế là không mạnh. Đồng thời, nhu cầu vay yếu có thể duy trì sau Tết Nguyên đán năm 2024 nếu nhìn vào xu hướng của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 3 tháng.
Trong tháng 11 (tính đến ngày 28/11), NHNN đã bơm ròng hơn 167.100 tỷ đồng, trong khi chỉ phát hành thêm 41.300 tỷ đồng tín phiếu và có gần 208.400 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Vào giai đoạn tháng 9 và tháng 10 (từ ngày 21/9 đến 31/10), NHNN đã hút ròng tổng cộng 208.400 tỷ đồng tín phiếu.
Hiện tại, số dư tín phiếu đang lưu hành chỉ còn khoảng gần 41.300 tỷ đồng và sẽ giảm về 0 vào ngày 6/12 nếu nhà điều hành không tiếp tục phát hành bổ sung. VDSC đánh giá việc một lượng lớn tín phiếu đáo hạn quay trở lại hệ thống khiến cho mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trong tháng 11.
Tính đến ngày 31/10, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,39% so với đầu năm. VDSC chỉ ra rằng tín dụng tháng 10 tăng, nhưng so với cùng kỳ thì mức tăng gần như không đổi so với tháng trước, cho thấy nhu cầu vốn nhìn chung vẫn còn yếu.
Các chuyên gia phân tích nhận định rằng diễn biến lãi suất liên ngân hàng phần nào cho thấy nhu cầu vốn vẫn chưa được cải thiện dù đã vào mùa cao điểm cuối năm.
Khi bóc tách tăng trưởng 9 tháng đầu năm, VDSC chỉ ra rằng hai lĩnh vực đóng góp chính vào tăng trưởng là cho vay khác và cho vay hoạt động thương mại. Trong đó, cho vay khác tăng 11,1%, đóng góp 4,4 điểm % vào mức tăng chung. Cho vay hoạt động thương mại tăng 14,4% so với cùng kỳ, đóng góp 3,5 điểm % vào mức tăng chung.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp rất yếu, chỉ đạt lần lượt 2,9% và 4,9%. Tăng trưởng tín dụng của ngành vận tải đã thoát mức âm và đạt 10,7% trong 9 tháng đầu năm.
Theo số liệu của NHNN, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tính đến 30/9 đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với đầu năm. Trong đó, tín dụng kinh doanh bất động sản đi lên 21,9% so với cuối năm 2022. Từ con số này, có thể ước tính tín dụng bất động sản tiêu dùng vẫn tăng trưởng âm khoảng 1,4% so với cuối 2022.
Xu hướng trên cũng tương đồng với diễn biến tăng trưởng tín dụng tiêu dùng, tính đến ngày 30/9, quy mô tín dụng tiêu dùng đạt 2,7 triệu tỷ đồng và tăng 1,5% so với cuối năm 2022.
Từ kết quả trên, VDSC cho rằng có hai khả năng. Thứ nhất, nhu cầu tín dụng thực trong nền kinh tế rất yếu, thể hiện qua tăng trưởng vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp ở mức thấp nhất trong nhiều năm.
Thứ hai, tín dụng tăng thêm trong 9 tháng đầu năm đã đi vào các khoản tài trợ ngắn hạn (liên quan đến hoạt động thương mại), đồng thời, hệ thống ngân hàng vẫn hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp BĐS dù tình hình kinh doanh của khu vực này đang khó khăn.