Tài chính

Lãi suất huy động giảm sâu 1,5% xuống còn 8%/năm tại một nhà băng

PGBank mới đây đã thay đổi biểu lãi suất huy động và giảm mạnh ở hàng loạt kỳ hạn, mức điều chỉnh khoảng 0,5%/năm. Và nếu so với cách đây 1 tháng, tức hồi đầu tháng 2, thì lãi suất tại đây đã giảm tới 1,3-1,5%/năm.

Cụ thể, lãi suất lĩnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn 12 tháng – 18 tháng tại nhà băng này đã giảm từ 9,5%/năm xuống còn 8%/năm, tức giảm 1,5%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất hiện nay tại PGBank.

Tương tự, lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 24 tháng, 36 tháng giảm từ 9,1%/năm xuống 7,8%/năm, tức giảm 1,3%.

Ngân hàng giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 1 tháng – 3 tháng ở mức tối đa quy định là 6%/năm.

Sau đợt điều chỉnh này, lãi suất của PGBank từ top trên đã rơi xuống nhóm thấp nhất hệ thống.

Nhiều nguồn tin cho biết, trong cuộc họp đầu tuần này, các ngân hàng thương mại đã được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho năm 2023 và cũng đạt được sự đồng thuận sẽ giảm lãi suất huy động 0,5% trước ngày 6/3. Riêng các ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ giảm khoảng 0,2%/năm so với lãi suất hiện hành. Điều này đồng nghĩa sẽ có một làn sóng giảm lãi suất rất mạnh trong những ngày tới, diễn ra trên diện rộng. Từ đó, lãi suất cho vay sẽ có điều kiện hạ nhiệt, tạo điều kiện cho người dân doanh nghiệp tiếp cận tín dụng với lãi suất thấp hơn.

Bên cạnh PGBank, OCB cũng đã đồng loạt hạ 0,5% lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn từ 6 -12 tháng. Theo đó, để được hưởng lãi suất trên 9%/năm, khách hàng sẽ phải gửi tiền kỳ hạn từ 13 tháng trở lên thay vì từ 6 tháng trở lên như trước đây.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán Mirae Asset cho biết, tiền gửi của khách hàng tại 27 ngân hàng niêm yết đã tăng đáng kể trong quý 4/2022, nhờ vào mức lãi suất huy động tăng cao trong giai đoạn này.

Cụ thể, 62% tổng số tiền gửi huy động được của nhóm ngân hàng niêm yết trong năm 2022 đến từ quý 4, nâng tổng huy động tăng từ mức 4,1% cuối quý 3/2022 lên mức 10,7% vào cuối năm 2022.

Sang 2 tháng đầu năm 2023, cuộc đua lãi suất huy động có phần chững lại, do NHNN đã kiềm chế động thái tăng lãi suất, đặc biệt là các ngân hàng vừa và nhỏ, để ổn định hoạt động của hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, nhu cầu vốn cho sự tăng trưởng tín dụng giai đoạn cuối năm không quá lớn, đi kèm với sự dồi dào thanh khoản của thị trường liên ngân hàng nên lãi suất huy động đã giảm đáng kể. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm