Tài chính

Lãi suất huy động, cho vay đồng loạt giảm

Dự kiến, từ hôm nay, 6-3, các ngân hàng (NH) thương mại sẽ giảm 0,5 điểm % lãi suất huy động theo cam kết đồng thuận trước đó, nhằm góp phần hạ nhiệt lãi suất. Dù vậy, vài ngày qua, không ít NH đã công bố biểu lãi suất mới theo hướng giảm khá mạnh ở các kỳ hạn. Các gói tín dụng có lãi suất thấp hơn 1-2 điểm % so với thông thường cũng được triển khai nhiều hơn.

Lãi suất 9,5%/năm "biến mất"?

Từ ngày 4-3, NH TMCP Việt Á (VietABank) đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân. Mức lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đồng loạt giảm 0,4-0,5 điểm % so với trước đó. Lãi suất các kỳ hạn 12-15 tháng từ mức 9,5%/năm còn 9%/năm; lãi suất kỳ hạn 18-36 tháng giảm về 9,1%/năm.

Một nhân viên giao dịch của VietABank cho biết dự kiến từ ngày 6-3, lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy dành cho khách hàng cá nhân sẽ tiếp tục giảm, với mức lãi suất cao nhất còn 8,1%/năm. Như vậy, không chỉ mức lãi suất 9,5%/năm "biến mất" mà lãi suất gửi các kỳ hạn dài tại NH này cũng giảm rất nhanh.

Không chỉ tại VietABank, mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên 9,5%/năm hiện đã không còn xuất hiện trong biểu lãi suất huy động ở nhiều NH khác. Chỉ khoảng 1 tháng trước, nhiều NH vẫn huy động lãi suất tiền gửi trên 9,5%/năm, trong khi trước đó lãi suất 10%-11%/năm còn xuất hiện trên biểu lãi suất chính thức hoặc trong các chương trình khuyến mãi tiền gửi. Các NH thương mại như Techcombank, OCB, Sacombank, KienlongBank... đều thay đổi biểu lãi suất mới theo hướng giảm đáng kể so với trước.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), cho biết NH này vừa có đợt giảm lãi suất ở tất cả kỳ hạn từ 6-12 tháng xuống 0,5 điểm %. Trong thời gian tới, nếu không có gì thay đổi thì NH này sẽ tiếp tục thêm một lần điều chỉnh nữa, với mục tiêu là nhanh chóng giảm lãi suất cho vay.

Tại NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), trong biểu lãi suất huy động mới nhất áp dụng từ cuối tuần qua, NH này đã giảm mạnh lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn với mức giảm tối đa lên đến 1,2%/năm. Khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lãi suất giảm còn 8%/năm; kỳ hạn 11 tháng còn 7,3%/năm thay vì mức 8,5%/năm như trước đó.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hà Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank, cho biết NH này luôn chủ động điều hành lãi suất huy động phù hợp và linh hoạt. Việc điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động trong giai đoạn hiện nay sẽ tác động tích cực vào việc giảm chi phí vốn, từ đó tạo điều kiện cho NH giảm lãi suất cho vay.

"Thực tế, Nam A Bank cũng vừa dành 3.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở 5 nhóm ngành ưu tiên với lãi suất giảm 2 điểm % so với thông thường, lãi suất cho vay hiện tại đã xoay quanh 10%/năm. Nếu các NH thương mại tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất huy động sẽ tạo dư địa giảm thêm lãi vay" - ông Cường nhìn nhận.

Theo ghi nhận, đến thời điểm này, nhiều NH thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất đầu vào và công bố nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi giảm 1-2 điểm % so với lãi suất hiện hành. NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết đã dành nguồn vốn 1.000 tỉ đồng với lãi suất giảm bình quân khoảng 2 điểm % so với lãi suất thông thường nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh.

Trước đó, Sacombank cũng triển khai gói tín dụng 5.000 tỉ đồng với lãi suất từ 7,5%/năm cho doanh nghiệp có nhu cầu vay thanh toán hàng nhập khẩu, làm hàng xuất khẩu hoặc khách hàng doanh nghiệp đạt hạng siêu VIP theo chính sách của NH này.

NH TMCP Á Châu (ACB) đang triển khai gói cho vay quy mô lên đến 20.000 tỉ đồng với lãi suất thấp hơn biểu lãi suất tối đa 3 điểm % áp dụng cho khách hàng mới. ACB cũng tiếp tục duy trì chính sách giảm 1 điểm % lãi suất cho vay cho khách hàng hiện hữu...

Lãi suất huy động, cho vay đồng loạt giảm - Ảnh 1.

Giao dịch tại một ngân hàng thương mại Ảnh: TẤN THẠNH

Cần giảm thêm lãi vay

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc NH TMCP Tiên Phong (TPBank), cho rằng khi mặt bằng lãi suất huy động đi xuống sẽ tạo điều kiện cho các NH thương mại giảm lãi suất cho vay. Một yếu tố quan trọng khác là đầu năm nay, nhu cầu vốn tín dụng từ thị trường khá yếu nên dù không hạn chế room nhưng các NH vẫn gặp khó khăn trong tăng trưởng tín dụng. Đây là điều kiện để lãi suất huy động ổn định hoặc giảm thêm, tạo điều kiện giảm lãi vay.

Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng động thái giảm lãi suất là tất yếu trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao thời gian qua đã khiến cả khách hàng cá nhân lẫn DN đều dè dặt, không dám vay vốn mới.

Tại hội thảo "Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 4-3 trong chương trình "Tôn vinh cà phê Việt" 2023, ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp - cho biết ngay các doanh nghiệp làm nông nghiệp cũng đang phải vay vốn với lãi suất khoảng 12%/năm. Với mức lãi suất này thì "không ai làm nổi". Vốn tín dụng đang là một nút thắt đối với các doanh nghiệp làm nông nghiệp, trong đó có ngành cà phê và cần sớm giảm lãi suất, cần chính sách tín dụng để hỗ trợ nông nghiệp phát triển.

Mới đây, kết quả khảo sát về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) thực hiện và công bố cũng cho thấy trong tổng số hơn 100 doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh, có tới 83% đang gặp khó khăn. Nguyên nhân đáng chú ý được doanh nghiệp đề cập là khó tiếp cận nguồn vốn và lãi suất cao, thủ tục vay vốn phức tạp, bên cạnh các nguyên nhân khác.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực HUBA, phân tích lãi suất vay cao là cản trở lớn, tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện lãi suất cho vay tại các NH hầu hết đều trên 10%/năm. Do lãi suất NH quá cao nên doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, cố gắng vượt qua giai đoạn này và hạn chế đầu tư trong năm nay. Trong khi đó, doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm cần vay vốn với mức lãi suất phù hợp để giữ chân khách hàng, giữ thị trường...

"Các doanh nghiệp kiến nghị NH có biện pháp giảm lãi suất huy động và cho vay, cần khống chế trần lãi suất để kiểm soát mức lãi suất cho vay khoảng 8%-8,5%/năm; giảm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên" - ông Nguyễn Phước Hưng nhấn mạnh.

Về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), cho rằng nếu các NH tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất huy động với mức đồng loạt 0,5 điểm % từ ngày 6-3 và cam kết thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần hạ chi phí đầu vào, có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay. Điều quan trọng là nếu không triển khai các giải pháp giảm lãi suất cũng rất khó để thị trường hấp thụ nguồn vốn tín dụng đang dồi dào ở thời điểm hiện tại.

22 ngân hàng đã giảm lãi vay

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2023, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết NH Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước, điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp để ổn định tỉ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng cường tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn tín dụng.

Theo đó, NH Nhà nước đã chỉ đạo tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay. Thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43 điểm %. Đến nay, 22 NH thương mại đã giảm lãi suất cho vay bình quân...

Ngân hàng có thể phải hy sinh lợi nhuận

Thời điểm này, NH Nhà nước đã cấp room tín dụng năm 2023 cho các NH thương mại. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, room tín dụng vừa được cấp của OCB vào khoảng hơn 11%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, sẽ góp phần giúp NH này hoạch định kế hoạch kinh doanh.

"Đang có dư địa giảm lãi suất với những điều kiện thuận lợi ở thời điểm hiện tại. Dù vẫn có những yếu tố bên ngoài tác động, như chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nhưng điều này đã được dự đoán trước nên sẽ không ảnh hưởng đến lộ trình và dư địa giảm lãi suất của Việt Nam, nếu không có thêm yếu tố bất ngờ" - ông Nguyễn Đình Tùng đánh giá.

Thậm chí, lãnh đạo một số NH thương mại cho biết mùa đại hội cổ đông năm nay sẽ có một xu hướng mới là việc điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận kinh doanh. Bởi lẽ, trong bối cảnh khó khăn của doanh nghiệp, các NH có thể sẽ phải hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm