Báo cáo Chính phủ về tình hình tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú cho hay, tính đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).
"Chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ", Phó Thống đốc chia sẻ đồng thời cho biết, "cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền".
Trần tình về những khó khăn trong công tác điều hành Phó Thống đốc cho biết, NHNN cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục đã liên tục rà soát, tháo gỡ khó nhưng doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, "không muốn vay" thì rất khó.
Lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ 7-8% là phù hợp
Phân tích về những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng (TTTD) năm nay rất thấp, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho hay, tổng cầu của nền kinh tế suy giảm, đơn hàng sụt giảm nên các doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới có xu hướng tăng lãi suất, tác động gián tiếp vào sự hấp thụ vốn của nền kinh tế Việt Nam.
Với nguyên nhân chủ quan, nền kinh tế thời kỳ COVID-19 và hậu COVID-19 đòi hỏi cần được hỗ trợ, Chính phủ đã có nhiều chính sách phục hồi kinh tế nhưng đáng tiếc là việc thực thi chưa được như kỳ vọng khiến sức khoẻ của doanh nghiệp suy giảm.
Bên cạnh đó, các vụ việc lành mạnh hoá thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng làm mất niềm tin của nhà đầu tư khiến dòng vốn đi vào doanh nghiệp cũng như nền kinh tế còn hạn chế.
Yếu tố thứ ba là lãi suất, giai đoạn cuối năm ngoái không ít NHTM đẩy lãi suất 12 tháng lên tới hơn 11% làm cho lãi suất cho vay trong nền kinh tế Việt Nam ngắn hạn lên tới 13-15%, trung và dài hạn 17-18%; lạm phát thấp khiến lãi suất thực quá cao, tăng chi phí vốn của doanh nghiệp.
Theo ông, với mức lạm phát chỉ khoảng 3-4% thì lãi suất cho vay ngắn hạn của VND chỉ nên khoảng 7-8%, cho vay trung dài hạn khoảng 10-12% là hợp lý.
Tuy nhiên, các ngân hàng đang gặp phải là chi phí nguồn vốn cho đến 6 tháng đầu 2023 còn cao nên khó có thể giảm lãi suất cho vay. Vì vậy, cần giảm chi phí bình quân huy động vốn các ngân hàng thương mại (NHTM) thấp xuống, giá hàng tồn kho phải giảm.
Chuyên gia cũng khuyến nghị, ở bối cảnh hiện này, NHNN cần vận dụng các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ kéo "hàng tồn kho huy động vốn" thấp xuống bằng một số công cụ như: Điều chỉnh dự trữ bắt buộc, triển khai các nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt.
Các tổ chức tín dụng có thể dùng các trái phiếu Chính phủ thế chấp NHNN để vay tiền, kéo lãi suất thị trường mở xuống nữa và thời gian vay trên thị trường mở kéo dài ra, có thể cho vay 6 tháng, một năm. Hay NHNN hỗ trợ các tổ chức bằng cách cho phép dùng tài sản đảm bảo người vay đang thế chấp để vay tái cấp vốn.
"Tóm lại, NHNN đóng vai trò lớn hơn trong việc gia tăng niềm tin thị trường liên ngân hàng cho các tổ chức tín dụng lớn dư thừa thanh khoản cho vay tổ chức tín dụng nhỏ. Đó là giải pháp kéo lãi suất huy động, kéo theo lãi suất cho vay thấp xuống, kéo "giá bán" hàng hóa xuống, thì sẽ có nhiều người mua", TS. Trương Văn Phước phân tích.
Tốc độ TTTD các tháng cuối năm thường nhanh gấp đôi đầu năm
Dù vậy, so với tháng 7 khi TTTD ở mức âm thì kết quả tháng 8 khá tích cực, cho thấy tín dụng đã lấy lại được đà tăng trưởng, phù hợp với xu thế chung của các năm trước khi tốc độ TTTD các tháng cuối năm luôn cao gấp đôi nửa đầu năm.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây thường có xu hướng phục hồi mạnh vào quý III và tốc độ TTTD 6 tháng cuối năm luôn cao gấp đôi 6 tháng đầu năm.
Năm nay lại xảy ra hiện tượng ngược lại là tăng trưởng tín dụng tháng 7 thấp hơn các tháng đầu năm, điều này cho thấy các doanh nghiệp đang khó khăn thực sự. Trong đó, khó khăn nhất là khu vực chế biến, chế tạo, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này không chỉ có khó khăn về đơn hàng mà còn cả về vấn đề mới như tín chỉ cacbon, phát triển xanh, ông Nghĩa nói.
Ngành chế biến, chế tạo tăng 3,5% trong tháng 8, giữ vững xu hướng tăng trưởng của tháng 7 (tăng 3,6%), chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đã lần đầu tiên lên vượt mức 50 điểm sau 6 tháng duy trì tình hình ảm đảm. Đây là tín hiệu rất tích cực bởi đây là động lực quan trọng của ngành sản xuất công nghiệp và cả nền kinh tế.
Ngành xuất khẩu cũng đang có dấu hiệu cải thiện khi tăng trưởng liên tiếp trong ba tháng gần đây, mặc dù vậy tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc ngành sản xuất phục hồi cũng mang đến tín hiệu tích cực cho tăng trưởng tín dụng bởi nhóm các doanh nghiệp sản xuất nhất là chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực ưu tiên, tạo sự phát triển đột phá, lan tỏa, truyền dẫn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với nâng cao khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.
Về dài hạn, TS. Nghĩa cũng cho rằng, hệ thống các tổ chức tín dụng cần nhìn xa hơn, tài trợ tín dụng cho các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ mới, chuyển đổi xanh; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp,… cũng như mua bán sáp nhập doanh nghiệp để tái cấu trúc nền kinh tế.
Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn thì nhấn mạnh, giảm lãi suất là giải pháp quan trọng, nhưng việc giữ an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô cũng là yếu tố quan trọng không kém để hút các nguồn vốn nước ngoài trong thời gian tới.
Ông Tuấn cũng đề xuất các giải pháp liên quan đến khôi phục niềm tin thị trường, tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân tín dụng hộ kinh doanh, hướng dòng vốn tín dụng vào chuyển đổi xanh, các ngành hàng có triển vọng tốt như nông lâm, thủy sản, các ngành hàng xuất khẩu,...