Đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” và chương trình ưu đãi lãi suất trong gói 120.000 tỷ đồng mới đây đều đã được công bố chính thức. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến trái chiều xoay quanh gói tín dụng này.
Trong văn bản mới đây, Hiệp hội bất động sản TP HCM cho rằng, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi của “Đề án” áp dụng từ nay đến 30/06/2023 là 8,2%/năm đối với người mua nhà ở xã hội vẫn rất cao nếu so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm áp dụng cho năm 2023 đối với người mua nhà ở xã hội được quy định tại Quyết định số 2081/QĐ-NHNN ngày 12/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, với quy định áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm và lãi suất cho vay khi hết thời gian ưu đãi thì NHTM và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất có thể dẫn đến rủi ro cho người vay vốn để mua nhà ở xã hội là “bên yếu thế” khi phải thương lượng, thỏa thuận với NHTM.
Thêm vào đó, thời gian ưu đãi là 5 năm là quá ngắn, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội là cần được vay với lãi suất thấp và trong thời hạn dài, như Luật Nhà ở 2014 quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm.
Theo ông Châu, nhiều khả năng sau khi hết thời gian ưu đãi thì người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại bình thường thì đây sẽ là gánh nặng cho người vay là đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động. Do đó, theo vị này, NHNN nên xem xét để xây dựng hoàn thiện cơ chế này cho hợp tình hợp lý hơn.
Do đó, về lâu dài nhằm đảm bảo nguồn vốn tín dụng, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét xây dựng hoàn thiện chính sách tín dụng về phát triển nhà ở xã hội.
Trong đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định về các nguồn vốn cho phát triển nhà ở theo hướng: Bổ sung thêm việc huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương để phát triển nhà ở xã hội, giới hạn mục đích sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để phát triển hạ tầng cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, bổ sung hình thức huy động vốn từ nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu đề xuất gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng, bằng khoảng 30% nhu cầu nguồn vốn để thực hiện Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.
Gói này theo cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất theo kế hoạch chi ngân sách nhà nước trung hạn, tùy thuộc vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng sẽ để cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất ưu đãi khoảng 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ tại Hội thảo "Khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài cho thị trường bất động sản trong bối cảnh mới" diễn ra sáng 7/4, đại diện Bộ Xây dựng đã lên tiếng.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, vừa hôm qua Bộ Xây dựng nhận được ý kiến gói 120.000 tỷ lãi suất vẫn còn cao, chưa khuyến khích đối tượng vay và chưa phải là giải pháp để đẩy nhanh việc phát triển nhà ở xã hội. Và cũng đang có ý kiến đề xuất Bộ Xây dựng một gói hỗ trợ khác mà trước đó Bộ Xây dựng cũng đề xuất là gói 110.000 tỷ đồng với chính sách giống với năm 2013.
Tuy nhiên, ông Khởi cho rằng, để khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản hiện nay không chỉ phải tháo gỡ về mặt pháp lý, bởi không phải tất các doanh nghiệp đều vướng mắc vấn đề này.
Chính các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu về tháo gỡ và cần chủ động tổ chức rà soát, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, danh mục đầu tư, cơ cấu sản phẩm đầu tư của doanh nghiệp nhằm đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính, quy mô, khả năng quản trị của doanh nghiệp và phù hợp với nhu cầu thực của xã hội, tránh đầu tư dàn trải.
Cùng với đó cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện và báo cáo, đề xuất cơ quan, người có thẩm quyền xem xét giải quyết các thủ tục pháp lý của dự án để nhanh chóng triển khai, thực hiện dự án đảm bảo đúng quy định pháp luật.
"Cách đây ba ngày, rên địa bàn TP Hà Nội đã mở bán một dự án nhà ở xã hội ở Trung Văn với mức giá 19 triệu đồng/m2 (cao nhất từ trước đến nay) nhưng lượng người nộp hồ sơ rất đông, thậm chí xếp hàng nhiều ngày vẫn chưa nộp được hồ sơ. Điều này cho thấy nhu cầu về nhà ở xã hội rất cao. Do vậy các doanh nghiệp nên cơ cấu lại sản phẩm, xây dựng lại chiến lược đầu tư", đại diện Bộ Xây dựng phân tích.
Về phía chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, gói 120.000 tỷ đồng là gói tín dụng thương mại, có lãi suất ưu đãi hơn một chút so với lãi suất trên thị trường.
“Có nhiều băn khoăn cho rằng tại sao lãi suất cho vay không được thấp hơn, thời gian ưu đãi không dài hơn,… nhưng ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, việc giảm lãi suất 1,5 - 2% đã là thiện chí. Do đó, về lâu dài cần phải có quỹ phát triển nhà ở xã hội và việc này phải do Chính phủ “cầm trịch” chứ không phải là các ngân hàng cho vay nay gói này mai gói khác rồi có thể dừng lại vào một lúc nào đó. Điều này không bền vững cho việc phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ”, ông Lực nhấn mạnh.