Theo dữ liệu do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố ngày 24/4, Trung Quốc đã hủy đơn hàng 12.000 tấn thịt lợn của Mỹ. Động thái mới này đánh dấu đợt hủy đơn lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng và làm đình trệ kinh tế toàn cầu.
Điều này khiến tổng doanh số xuất khẩu thịt lợn của Mỹ trong tuần qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2024, giảm 72% so với tuần trước. Sau báo cáo của USDA, hầu hết các hợp đồng tương lai thịt lợn tại Chicago đã giảm mạnh.
Theo USDA, trong năm 2024, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thịt lợn lớn thứ ba của Mỹ sau Mexico và Nhật Bản, với lượng nhập khẩu khoảng 475.000 tấn, trị giá hơn 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, mức thuế cao và sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ khác khiến xuất khẩu thịt lợn Mỹ tại thị trường này gặp khó khăn.

Top 5 thị trường nhập khẩu thịt lợn lớn nhất của Trung Quốc giai đoạn 2022-2024
Sau khi mức thuế tăng cao, Trung Quốc đã ký hai thỏa thuận thương mại nông sản với Tây Ban Nha, bao gồm thịt lợn và quả anh đào, trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào Mỹ, theo Reuters.
Mặt khác, theo Liên đoàn Xuất khẩu Thịt Mỹ, Trung Quốc đã áp thuế trả đũa đối với thịt lợn Mỹ sau khi Tổng thống Trump giáng đòn thuế quan lên nước này. Hiện tại, thịt lợn Mỹ xuất khẩu phải đối mặt với mức thuế lên tới 172%. Mức thuế này bao gồm các khoản thuế đã được áp dụng từ cuộc chiến thương mại bắt đầu vào năm 2018.
Trung Quốc là nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, chiếm gần 50% nguồn cung toàn cầu với khoảng 57 triệu tấn, theo USDA. Hoa Kỳ đứng thứ 3 với 11%, tương đương 12 triệu tấn. Theo Rabobank, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc có thể ổn định vào năm 2025. Tuy nhiên, sự không chắc chắn về dòng chảy thương mại đang thay đổi tăng lên khi căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Không chỉ thịt lợn, một số mặt hàng nông sản Mỹ như ngô và đậu tương cũng đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp thuế quan khi Trung Quốc chuyển hướng nhập khẩu các mặt hàng này từ Brazil. Mới đây, Trung Quốc cũng đã từ chối nhận đơn hàng 50 chiếc máy bay Boeing trị giá hàng trăm triệu USD.