Doanh nghiệp

La Nina trở lại, doanh nghiệp thủy điện nào hưởng lợi?

Theo Trung tâm Dự báo Khí hậu của Mỹ, hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục suy giảm về cường độ, sau đó sẽ chuyển sang trạng thái trung tính trong tháng 5,6 năm nay với xác xuất cao trên 70%. Pha La Nina dự báo sẽ bắt đầu từ 7/2024 và diễn ra mạnh mẽ từ 8/2024 với xác suất trên 70%. 

Theo các đơn vị phân tích, sự xuất hiện của La Lina trong nửa sau năm 2024 có thể giúp các nhà máy thủy điện hưởng lợi nhờ thủy văn tốt, sau giai đoạn đầy khó khăn trước đó. 

Chứng khoán MB cho rằng nhóm thủy điện sẽ có thể được huy động tốt hơn ngay trong quý II, so với thấp điểm của quý I là giai đoạn các nhà máy thực hiện kế hoạch tích nước tối đa để phục vụ nước sản xuất cho cao điểm mùa nóng. 

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định với bối cảnh EVN vẫn đang gặp khó khăn tài chính, thủy điện sẽ được ưu tiên huy động do có giá rẻ nhất hệ thống. Tuy nhiên, thủy điện chịu tác động mạnh bởi thời tiết và diễn biến sát sao theo biến động thủy văn. 

Công ty Cơ điện lạnh (Mã: REE) hiện là đơn vị sở hữu danh mục thủy điện lớn nhất trong các công ty năng lượng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, với công suất 1.364 MW (sở hữu 52%). 

 DSC kỳ vọng mảng thủy điện của REE khả quan hơn từ quý II. Ảnh:VSH.

Chứng khoán DSC nhận định mảng năng lượng của REE hiển nhiên sẽ được hưởng lợi nhờ diễn biến thủy văn thuận lợi khi La Nina trở lại. Nhóm chuyên gia kỳ vọng sản lượng thủy điện của REE sẽ tăng khoảng 20% so với mức nền thấp năm 2023. 

Thực tế, các nhà máy thủy điện của REE tiếp tục gặp khó khăn trong việc tăng trưởng sản lượng do ảnh hưởng của El Nino kéo dài và sản lượng huy động của các nhà máy thủy điện miền Bắc bị hạn chế theo chính sách chung của Bộ Công Thương nhằm giữ nước phục vụ phát điện cho các tháng cao điểm nắng nóng.

Do đó, sản lượng thủy điện trong quý đầu năm giảm hơn 31% so với quý I/2023. Trong khi sản lượng nhiệt diện tăng mạnh 95% nhưng lại có biên lợi nhuận thấp nên không đủ bù đắp cho sự suy yếu của mảng thủy điện. 

Kết quả, doanh thu quý I của REE giảm 22% còn 1.837 tỷ và lợi nhuận giảm gần phân nửa còn 549 tỷ đồng. Tuy nhiên, DSC dự báo tốc độ tăng trưởng của REE sẽ khả quan hơn trong các quý cuối năm nhờ các dự án BĐS và sự trở lại của thủy điện. 

Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) cũng là công ty năng lượng lớn trên thị trường khi làm chủ đầu tư 8 nhà máy, bao gồm 5 nhà máy thuỷ điện, 2 nhà máy điện mặt trời và 1 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 500 MW, đạt doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm. 

Theo kế hoạch đến năm 2030, tập đoàn này sẽ nâng công suất phát điện lên trên 1GW, với doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng/năm.

Trong quý đầu năm, mảng thủy điện đóng góp gần phân nửa doanh thu cho Hà Đô. Tập đoàn này vẫn đang dự kiến mở rộng danh mục khi vận hành thêm nhà máy thủy điện Sơn Linh và Sơn Nham trong năm 2025-2026. 

Tập đoàn PC1 (Mã: PC1) đang đầu tư 2 nhà máy thủy điện Bảo Lạc A (30MW) và thủy điện Thượng Hà (13MW), dự kiến đưa vào vận hành thương mại trong năm 2026. Tổng vốn đầu tư cho các dự án này là khoảng 2.300 tỷ đồng.

Chuyên gia Yuanta  kỳ vọng các dự án mới này sẽ nâng công suất thiết kế nhà máy thủy điện thêm 15% lên 202MW và góp phần đưa doanh thu mảng năng lượng tăng trưởng 14% vào năm 2026. Hiện năng lượng là mảng có biên lợi nhuận cao thứ hai (đạt khoảng 50%) và mang lại dòng tiền ổn định cho tập đoàn. 

Thủy điện Hủa Na (Mã: HNA), chủ đầu tư nhà máy thủy điện cùng tên tại thượng nguồn Sông Chu, tỉnh Nghệ An. Dự án này có công suất thiết kế 180MW với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, sản lượng điện trung bình năm là 712,7 triệu Kwh.    

 Thủy điện Hủa Na được kỳ vọng có kết quả tốt hơn trong chu kỳ La Nina và mở rộng đầu tư. Ảnh: POW.

Cổ phiếu HNA của Thủy điện Hủa Na đang được nhà đầu tư chú ý khi tăng mạnh dù kết quả kinh doanh quý I tiêu cực. Đà tăng giá trong bối cảnh các cổ phiếu ngành điện trong sóng tăng cũng như kế hoạch mở rộng kinh doanh. 

Công ty đang lấy ý kiến cổ đông về việc vay vốn ngân hàng để đầu tư mua Nhà máy Thuỷ điện Nậm Nơn với công suất 20MW (thượng nguồn sông Lam). Công ty còn nghiên cứu về dự án Thủy điện Sơn Trà 1D (12 MW)dự án điện mặt trời ở lòng hồ Thủy điện Hủa Na.  

Công ty Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh (Mã: TTE) đang sở hữu nhà máy Thủy điện Đăk Ne, Tà Vi, Đăk Pia và Đăk Bla 1 với tổng công suất phát điện là 28,3MW/h, hàng năm thu về hàng trăm tỷ đồng doanh thu.  

Công ty Điện Gia Lai (Mã: GEG) cũng đầu tư lớn vào mảng thủy điện khi đang sở hữu 12 nhà máy với tổng công suất 81 MW; ngoài ra còn phát triển 5 nhà máy điện mặt trời và 34 hệ thống áp mái với tổng công suất 292 MWp, 4 nhà máy điện gió với công suất 230 MW trên khắp cả nước.   

Với kỳ vọng cao về chu kỳ La Nina tạo ra kết quả khả quan, các cổ phiếu liên quan đến thủy điện cũng được nhà đầu tư quan tâm. Mã REE đang giao dịch tại mức 64.500 đồng/cp, ở vùng giá cao nhất 2 năm và đang tiến gần về lại đỉnh lịch sử. 

Cổ phiếu PC1 cũng đang giao dịch tại vùng giá cao nhất hơn 2 năm và xấp xỉ đỉnh lịch sử. Mã TTE đã có 9 phiên tăng trần liên tiếp lên 16.500 đồng/cp hay HNA cũng đang dao động quanh đỉnh lịch sử tại vùng 27.000 đồng/cp.  

VCBS dự kiến công suất thủy điện cả nước sẽ đạt 29.346 MW đến năm 2030 và hơn 36.000 MW đến năm 2050. Tổng công suất nguồn thủy điện đến năm 2023 đã đạt gần 23.000 MW (gồm khoảng 18.000 MW thủy điện vừa và lớn). Tiềm năng nguồn thủy điện vừa và lớn về cơ bản đã được khai thác gần hết, chỉ còn dư địa cho thủy điện nhỏ xây mới, hoặc tăng trưởng nhờ mở rộng các nhà máy hiện hữu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm