Đã thành thông lệ, rằm tháng Giêng hàng năm các dòng họ ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) lại cùng nhau làm những mâm cúng độc đáo để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Đây trở thành nét văn hoá truyền thống của người dân địa phương trong những ngày lễ, Tết, đặc biệt vào dịp rằm tháng Giêng, rằm tháng 7.
Tại dòng họ Lê ở xã Thạch Mỹ (huyện Lộc Hà), việc cúng rằm tháng Giêng được người dân làm rất bài bản và cầu kỳ. Theo người dân, để tạo thế những con gà đẹp mắt phải chọn gà trống, cân nặng từ 3-5kg.
Họ sẽ dậy từ sáng sớm để làm gà vì khâu tạo thế rất quan trọng và mất thời gian. Mỗi gia đình sẽ làm một mâm cỗ riêng để dâng lên bàn thờ tổ tiên trong ngày rằm tháng Giêng.
Mâm cỗ gồm hoa quả, trầu cau, hương lăng, bánh giầy và đặc biệt không thể thiếu gà. Gà ở đây được người dân làm rất đẹp, trang trọng để dâng lên bàn thờ.
Người dân cho biết, để làm được các thế gà dâng lên trong mâm cỗ ngày rằm phải là người có kỹ thuật. Từ khâu làm thịt, đến luộc gà đòi hỏi phải có kinh nghiệm để tránh gà luộc quá chín gây nứt da.
Một người tại dòng họ Lê Quang (xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà) cho biết, truyền thống tạo dáng, trang trí gà để cúng rằm tháng Giêng, trong dịp lễ của dòng họ có từ xa xưa. Nhưng khoảng hơn 10 năm nay phát triển mạnh, trở thành nét đẹp văn hóa với ý nghĩa tấm lòng của con cháu hướng về tổ tiên.
Gà lên mâm phải thẳng đứng, cánh ngả về hai bên. Người dân có thể làm thế gà ngồi, gà đứng tuỳ theo từng nhu cầu của các gia đình.
Nhiều năm qua, các dòng họ ở huyện Lộc Hà duy trì truyền thống tạo dáng, trang trí gà cúng tổ tiên với nhiều tư thế lạ mắt. Trong ảnh thế gà bay ngậm hoa...
Những mâm cỗ được bày biện rất đẹp mắt gồm bánh chưng, gà, lợn trước ban thờ là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dòng họ ở huyện Lộc Hà mỗi dịp lễ tết, đặc biệt là rằm tháng Giêng.