Bất động sản

Kỳ vọng những điểm nhấn đô thị

Hơn 20 năm trước, TP HCM chủ trương giải tỏa 6,8 ha khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (còn gọi là khu Mả Lạng, quận 1, TP HCM) giới hạn bởi 4 tuyến đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh, nhằm chỉnh trang đô thị.

Tín hiệu tích cực

Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi tìm đến khu Mả Lạng, nơi có hàng trăm căn nhà diện tích chỉ trên dưới 20 m2, xuống cấp, cũ nát…. Nhiều năm qua, người dân sống trong những căn nhà nhỏ, siêu nhỏ, ẩm thấp, thiếu ánh sáng dù cách chợ Bến Thành chưa đến 1 km. Họ không dám sửa nhà vì không biết lúc nào giải tỏa.

"Hơn 20 năm nghe chuyện giải tỏa, có lúc rộ lên rồi lắng xuống. Tôi nghe tin giải tỏa từ hồi con gái, giờ đứa lớn đã vào đại học mà chuyện di dời cũng chưa được thực hiện" - bà Trần Thị Lan, người sống ở đây, nói.

Sống cách đó không xa là nhà bà Trần Thị Lựu. Sợ giải tỏa nên nhiều năm nay, bà Lựu không dám sửa nhà dù mưa đến là dột. Nơi ở này rộng chỉ 22 m2 mà có đến 10 người trong gia đình sinh sống. Bà Lựu làm nghề buôn bán, những anh chị em thì chạy xe ôm, rửa chén thuê… Nghe tin sắp tới có thay đổi, bà vừa mừng, vừa lo bởi ở đây quen rồi, không biết khi chỉnh trang khu vực thì việc tổ chức tái định cư cho người dân ra sao…

Chạy về hướng quận Bình Thạnh, qua cầu Kinh, phóng viên vào bán đảo Thanh Đa. 30 năm trước, nơi đây được quy hoạch để thành khu đô thị nhưng thành phố chưa kêu gọi được nhà đầu tư nên chưa thể khoác "áo mới" và trở nên "lạc lõng" giữa đô thị sầm uất. Con đường Bình Quới vẫn là độc đạo, ra đến bờ sông là bến đò Bình Quới qua TP Thủ Đức. Những ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, xuống cấp nép bên rặng cây được dẫn vào bằng những con đường nhỏ ngoằn ngoèo; nhiều cánh đồng hoang hóa vì người dân không canh tác… Nhà cửa nơi đây không khác vài chục năm trước bởi vướng quy hoạch, chủ nhân gặp khó khăn trong việc xây dựng, sửa chữa.

Hay tin Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM trình thành phố việc thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, ai cũng phấn khởi. Họ trông đợi thành phố sớm kêu gọi đầu tư để bán đảo trở thành khu đô thị sinh thái, thực sự là "đảo ngọc".

Ngược về khu Nam thành phố, hàng loạt dự án được giao đất từ hơn 20 năm trước vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, triển khai dự án khiến hạ tầng thiếu đồng bộ, kết nối… Cũng vì vướng quy hoạch, dự án chậm tiến độ mà cuộc sống người dân chật vật. Hàng loạt nhà cấp 4 cũ kỹ nằm san sát, lụp xụp, thậm chí nhiều nhà chỉ tạm bợ với vách tôn mục, bạt cũ, ván gỗ… Người dân mong muốn sớm hiện thực các dự án.

Hạ tầng khu Nam thành phố cần có sự chuyển biến mạnh mẽ thời gian tới Ảnh: QUỐC ANH

Hạ tầng khu Nam thành phố cần có sự chuyển biến mạnh mẽ thời gian tới Ảnh: QUỐC ANH

Không gian sinh sống của người dân khu Mả Lạng được kỳ vọng sớm thay đổi Ảnh: ANH VŨ

Không gian sinh sống của người dân khu Mả Lạng được kỳ vọng sớm thay đổi Ảnh: ANH VŨ

Chờ đợi sự đổi thay

Mới đây, tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND TP HCM với các địa phương, bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Bí thư quận 1, đề nghị thành phố sớm tìm nhà đầu tư mới đủ năng lực thực hiện dự án chỉnh trang bộ mặt đô thị khu Mả Lạng, để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, khu Mả Lạng một thời gian dài nhiều vướng mắc. Dự án trước đây đã thu hồi và thành phố đang thực hiện thủ tục đấu thầu mới. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với sở ngành, đơn vị liên quan sớm tiến hành công tác đấu thầu, đầu tư, chỉnh trang khu vực.

Về dự án khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM thừa nhận đã trải qua nhiều năm nghiên cứu và kêu gọi đầu tư nhưng do dự án quy mô lớn, tổng vốn đầu tư cao và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng rất phức tạp nên kéo dài nhiều năm. Việc chậm trễ gây ảnh hưởng sâu sắc cuộc sống và quyền lợi chính đáng hàng ngàn hộ dân.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, thông tin vừa qua đã có tờ trình UBND TP HCM về phê duyệt nhiệm vụ đề bài thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa. Tiếp đó, UBND TP HCM muốn thêm nhiều nội dung nên sở đang làm lại đề bài để trình phê duyệt. Thời gian tổ chức cuộc thi sẽ kéo dài từ 45-60 ngày. Sở cũng tham mưu UBND TP HCM chỉ đạo Sở Tài chính tìm nguồn vốn phù hợp để nâng giá trị giải thưởng nhằm hấp dẫn các đơn vị lớn, nổi tiếng thế giới tham dự, đưa ra ý tưởng hay.

Nói về khu Nam thành phố, ông Dương Thành Công, Phó trưởng Ban Quản lý đầu tư và xây dựng khu đô thị Nam TP HCM, thông tin đơn vị đang tập trung rà soát, tổng hợp ý kiến các sở, ngành. Từ đó, báo cáo, tham mưu UBND TP HCM thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc xem xét 12 dự án chưa giải phóng mặt bằng xong, chậm triển khai đầu tư xây dựng.

Cũng theo ông Công, cơ quan này tranh thủ làm nhanh việc tham mưu để thúc đẩy quá trình lựa chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án để hoàn thiện hạ tầng khu Nam thành phố. 

2 dự án lớn được chờ đợi

Chiều 12-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác tới quận 7 kiểm tra dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và dự án cầu đường Nguyễn Khoái.

Đánh giá dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ là dự án trọng điểm, có ý nghĩa rất lớn bởi khi hoàn thành sẽ tăng năng lực giao thông cho cửa ngõ phía Nam thành phố, Bí thư Nguyễn Văn Nên ghi nhận nỗ lực của chủ đầu tư, các nhà thầu, đồng thời yêu cầu giữ vững tiến độ, bảo đảm thi công an toàn, chất lượng, đưa công trình về đích đúng dự kiến.

Tại dự án cầu đường Nguyễn Khoái, Bí thư Thành ủy TP HCM nhận định cầu đường Nguyễn Khoái hoàn thành sẽ tạo nên sự thay đổi lớn cho thành phố. Thành phố sẽ đẹp hơn, giao thông thuận lợi hơn, là động lực phát triển kinh tế - xã hội rất lớn. "Để bảo đảm tiến độ dự án, từng sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư phải có kế hoạch cụ thể vì vướng một khâu sẽ kéo theo các khâu khác chậm lại" - Bí thư Nguyễn Văn Nên lưu ý.

T.Hồng

TS Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM:

Vận dụng cơ chế vượt trội

Một trong những thuận lợi của dự án chỉnh trang đô thị khu Mả Lạng là nơi đây có quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước lớn. Điều này giải quyết vấn đề quan trọng nhất là tái định cư cho người dân. Những vướng mắc tại dự án chỉnh trang đô thị khu Mả Lạng không nằm ngoài tầm giải quyết của thành phố.

Thành phố có thể "lọc" ra một số khó khăn và vận dụng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội để giải quyết, tăng tốc dự án, từ đó tạo diện mạo đô thị mới cho khu vực này. Hướng mở cho dự án này chính là cơ chế vượt trội từ Nghị quyết 98 và quỹ đất tái định cư tại chỗ.

TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM:

Phát triển đô thị sinh thái

Theo tôi, bán đảo Bình Quới - Thanh Đa không nên xây dựng khu hỗn hợp, mật độ cao mà nên dành phần đất để xây dựng thành bán đảo sinh thái, trong đó tạo sự hấp dẫn, độc đáo gắn với sông nước.

Thành phố tổ chức thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch bán đảo Bình Quới - Thanh Đa để tìm kiếm ý tưởng hay, tạo thuận lợi kêu gọi đầu tư là điều tốt. Việc thi ý tưởng quy hoạch nên gắn với nhà đầu tư dự án vì khi đưa ra ý tưởng quy hoạch thì họ sẽ quyết tâm đầu tư.

Quốc Bảo


Cùng chuyên mục

Đọc thêm