Trao đổi với chúng tôi sau chỉ đạo về tín dụng của Thủ tướng, Giám đốc một chi nhánh ngân hàng lớn tại Hà Nội cho biết rất vui mừng với chủ trương của người đứng chính phủ. "Việc kiểm soát chặt chẽ room tín dụng đang gây khó khăn cho ngân hàng, doanh nghiệp lẫn người mua nhà. Nhiều người dân có nhu cầu trả góp mua nhà nhưng hiện nay ngân hàng hết room tín dụng dẫn đến việc vay vốn bị đình truệ. Ngân hàng muốn cho vay cũng không có cách nào khác phải chờ chính sách nới room từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Điều này ảnh hưởng mật thiết đến vấn đề an sinh xã hội".
Tuy nhiên, vị này cũng băn khoăn: "Để thông điệp về tín dụng của Thủ tướng đi vào thực tế cần có những chính sách gỡ khó trực tiếp từ NHNN, chỉ đạo sát sao từ các bộ ban ngành để khơi thông dòng vốn cho thị trường. Hiện nay, room tín dụng đến hết 30/6 các NHTM đã dùng hết và đang chờ room mới. Nhưng đã quá nửa tháng 7 các NHTM vẫn chưa có thông tin vì về việc nới room khiến cả Ngân hàng, doanh nghiệp và người mua nhà rơi vào tình trạng "ngóng" vốn".
Lo lắng về việc nếu room tín dụng không được mở, ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc khối cho vay khách hàng cá nhân của NH Shinhan Việt Nam phát biểu trên truyền thông lãi suất cho vay mua nhà sẽ tiếp tục tăng: "Hiện nhiều yếu tố đầu vào của các NH đang có xu hướng tăng lên như lãi suất huy động, chi phí quản lý, vận hành…Trong khi áp lực về quản lý bằng trần tăng trưởng tín dụng của NHNN sẽ khiến lãi suất cho vay cá nhân chịu áp lực tăng tương đối cao trong năm nay".
"Đối với cá nhân vay mua nhà để ở, NHNN không hạn chế, thậm chí còn khuyến khích như đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Nhưng một khi room tín dụng hết hoặc còn quá ít thì NHTM sẽ phải hạn chế giải ngân, điều kiện cho vay cũng ngặt nghèo hơn", ông Vũ cho biết.
Về phía doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT RB Group cho biết, vấn đề ngân hàng hết room tín dụng đang ảnh hưởng tới doanh nghiệp BĐS: "Từ tháng 4 đến nay, một số ngân hàng hết room tín dụng khiến một số dự án bán chậm, đặc biệt với phân khúc bất động sản cần sử dụng đòn bẩy ngân hàng", ông Ngọc nói.
Ở góc độ người vay vốn, nhiều người cho biết lãi suất cho vay không còn "rẻ" như trước. Các gói tín dụng ưu đãi gần như không còn. Một số khách hàng cho biết đang vay mua nhà tại NNgân hàng HDBank đang có lãi suất ưu đãi trong 6 tháng đầu khoảng 9,5%/năm, sau đó lãi suất điều chỉnh theo thị trường khoảng 11%/năm. Tại NH VPBank, lãi suất cho vay mua nhà đang áp dụng khoảng 12%/năm. Nhiều ngân hàng khác cũng đang tăng mức cho vay cao hơn 2-3% so với cách đây khoảng 3 tháng.
Bàn về tín dụng cho bất động sản, Báo thị trường mới đây của SSI Research cũng cho biết: "Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức cuộc họp tổng kết ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm và định hướng hoạt động trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, NHNN nhấn mạnh việc duy trì mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 là 14%, tuy nhiên sẽ có bộ tiêu chí thống nhất để minh bạch phân bổ việc nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng NHTM".
Theo SSI Research, quan điểm điều hành của NHNN nhìn chung vẫn tương đối thận trọng, trước áp lực lạm phát cũng như áp lực mất giá của VND. Với mức tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022, chỉ có gần 500 nghìn tỷ đồng được giải ngân trong nửa cuối năm (so với mức gần 1 triệu tỷ đồng trong nửa đầu năm). Điều này giúp cải thiện mức chênh lệch giữa tín dụng – huy động vốn và từ đó giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động.
Nói thêm về tín dụng cho bất động sản, tại Hội nghị Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, thị trường bất động sản có vai trò hết sức quan trọng và có mối liên hệ với nhiều ngành sản xuất. Trong những năm qua, sự phát triển của thị trường bất động sản đã góp phần thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định lớn cho nền kinh tế, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, tín dụng chỉ là một trong nhiều nguồn vốn của thị trường bất động sản (vốn FDI, TPDN, vốn thị trường chứng khoán, vốn tự có...). Với vai trò là ngân hàng Trung ương và cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, NHNN Việt Nam điều hành chính sách tín dụng nhằm mục tiêu chính sách tiền tệ và đưa ra các quy định, chính sách bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Thống đốc cũng cho rằng, doanh nghiệp bất động sản cần nâng cao khả năng huy động vốn từ các nguồn khác như từ thị trường chứng khoán, vốn FDI... phát triển các thị trường này trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào dòng vốn tín dụng.