Trên sân khấu của cuộc thi One Mount Hack2Hire cuối tuần trước, Hải Đăng được vinh danh với giải đặc biệt. Với đề bài "Phát triển ứng dụng đặt chỗ xem show biểu diễn trong 6 tiếng", sản phẩm của kỹ sư trẻ được đánh giá chỉn chu, trực quan về giao diện, hoạt động mượt với đầy đủ các tính năng cần có như thông tin các show diễn, xác nhận thông tin người dùng, chỗ ngồi, thao tác đặt vé, hủy vé... Đăng là một trong bốn thí sinh có sản phẩm hoàn thiện và tốt nhất tại cuộc thi này.
Lần đầu tham dự một cuộc thi hackathon (đua lập trình), Đăng cho biết thách thức là cần phân chia các đầu việc một cách hợp lý. "Tôi tận dụng tối đa thời gian cho phép làm sản phẩm, nhưng vẫn dành những quãng nghỉ để 'reset' đầu óc, nhằm tránh đi vào lối mòn cũng như nghĩ ra những giải pháp hiệu quả hơn", Đăng nói.
Về quá trình viết phần mềm, kỹ sư trẻ ưu tiên xử lý dòng công việc chính trước, sau đó đến các tình huống xung quanh, tạo thành phần giúp xử lý lỗi. Với kinh nghiệm của một lập trình viên Front-End, Đăng chia nhỏ ứng dụng ra các thành phần nhỏ, sau đó kết nối lại thành một giao diện đầy đủ. "Thí sinh chỉ cần có kiến thức cơ bản về UI/UX cùng khả năng kiểm soát các tình huống có thể xảy ra với việc đặt vé là đủ để làm bài, chưa xét đến các yếu tố về mặt Back-End", Đăng nói.
Cậu đánh giá việc viết sản phẩm trong một cuộc thi hackathon có thể khiến thí sinh bị áp lực khi thấy những người khác lập trình quá hăng say, nhưng bù lại là có thể học hỏi kinh nghiệm, trao đổi kiến thức với các đối thủ, cũng là những lập trình viên tài năng khác.
"Đề thi không quá khó, cũng không quá dễ. Nếu cho đủ thời gian, chắc chắn tất cả mọi người đều có thể hoàn thiện dễ dàng", Đăng nhận định. Tuy nhiên để đạt giải cao nhất, cậu cần trình bày cho ban giám khảo về logic phát triển sản phẩm, thao tác thử các tính năng cũng như chia sẻ các phương pháp để sản phẩm trở nên tối ưu hơn.
Ông Đinh Việt Hưng, Giám đốc Công nghệ và Dữ liệu Tập đoàn One Mount, đánh giá chất lượng các kỹ sư trẻ tại Việt Nam ngày càng được nâng cao. "Chỉ sau 6 tiếng thi, nhiều sản phẩm hoàn thiện 90-95% với kết quả rất thuyết phục", ông đánh giá. Tuy nhiên theo ông, để có kết quả tốt trong một cuộc đua như vậy, các lập trình viên không chỉ cần có tư duy phát triển phần mềm, mà còn cần có tính sáng tạo trong công nghệ, khả năng giải quyết vấn đề phát sinh. Kết quả của Hải Đăng và một số thí sinh khác đã thể hiện được điều này.
Hack2Hire là cuộc thi hackathon lần đầu được One Mount tổ chức, thu hút hơn 600 lượt đăng ký tham gia từ các thí sinh có độ tuổi sinh từ năm 1995 đến 2003, trong đó 65% là kỹ sư đã có kinh nghiệm làm việc, 35% là sinh viên.
Ở vòng một, 600 thí sinh phải trải qua bài kiểm tra năng lực 60 phút trực tuyến trên nền tảng Coderbyte, với các câu hỏi trắc nghiệm cũng như thử thách viết code, nhằm đánh giá kỹ năng lập trình cơ bản. Hơn 120 thí sinh đạt điểm số từ 90% trở lên vào vòng hai và tham gia đua lập trình tại Hà Nội.
Ngoài giải đặc biệt thuộc về Hải Đăng, cuộc thi trao giải nhất cho Nguyễn Ngọc Trường Sơn (sinh năm 2000), hai giải nhì cho Nguyễn Anh Duy (1998), Đinh Thế Hiệp (1999) và ba giải ba cho Nguyễn Thanh Hòa (1999), Mai Đức Duy (1996) và Vũ Long Vũ (2003). Ngoài ra, thí sinh Bùi Đại Dương (2003) của Đại học Phenikaa giành hai giải về Sinh viên lập trình và giải Sử dụng công nghệ xuất sắc.