"Cây chuối giờ không bỏ cái gì", kỹ sư cơ khí Hồ Xuân Vinh cười nói với chúng tôi.
Vinh là con trai thứ của ông Hồ Văn Hoàn – Giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu. Công ty đặt trụ sở tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Vinh thú nhận "đại bản doanh" ở quê nhà là "xã lẻ của huyện lẻ của tỉnh lẻ".
Về sản phẩm từ cây chuối, chàng kỹ sư cơ khí Bách Khoa cho biết, cây chuối thay vì chỉ ăn quả như trước đây, thì giờ thân chuối cũng có thể làm ra nhiều sản phẩm như:
- Vải vóc may mặc: Sợi cho các nhà máy dệt kim
- Giấy từ chuối: Vốn là một sản phẩm phổ thông trên thế giới
- Các khay đựng, đĩa, cốc chén dùng 1 lần, ống hút… làm từ bã chuối ép
- Các sản phẩm về nước dinh dưỡng cho cây trồng.
"Trước đây bà con chỉ dùng quả, giờ đến thân chuối cũng có thể làm ra nhiều sản phẩm hữu ích và có giá trị", Vinh hồ hởi chia sẻ.
Theo thông tin từ Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (World Wilde Fund for Nature – WWF), nhựa thuộc họ "sống dai". Tùy theo các thành phần, số năm phân hủy các sản phẩm từ nhựa sẽ dao động từ 20 năm (túi nilon) đến 500 năm (cốc, chai nhựa, bỉm, bàn chải đánh răng…). Trong khi đó, với vật liệu từ sợi tự nhiên, Hồ Hoàn Cầu cho biết sẽ chỉ mất 1 – 2 năm phân hủy.
Sống xanh, bền vững đang là xu hướng, bên cạnh đó, mảng này còn tận dụng được phụ phẩm của nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho bà con.
"Đại dịch Covid-19 xảy ra kéo theo một lượng lớn lao động từ thành phố lớn về nông thôn. Lý do lên thành phố là tìm việc làm, khi về nông thôn cũng phải nghĩ cách làm việc. Dứa, chuối là những sản phẩm thân thuộc, Hồ Hoàn Cầu có thể tạo ra giải pháp, cần câu để họ tạo lập công việc của mình", Vinh nói.
Vinh cho biết ban đầu, Hồ Hoàn Cầu hợp tác với một đơn vị sản xuất máy làm sợi từ lá dứa. Nhưng nhận ra dứa có quy mô trồng khá nhỏ ở Việt Nam và phân bố rời rạc. Trong khi đó chuối là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, khả năng tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất với quy mô 200.000 ha phân bổ đều khắp cả nước.
Hiện máy tách sợi từ lá dứa, bẹ chuối, sợi gai để làm vải, được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế độc quyền và được đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Máy tách sợi tự động được giới thiệu công suất xử lý tới 5 tấn thân chuối tươi/ca làm việc. Hiện công ty cũng mở thêm công ty con chuyên về ngành sợi tự nhiên, lấy tên Abaca, đi theo mô hình startup.
* Abaca sẽ phát triển thế nào trong năm đầu tiên?
Kỹ sư Hồ Xuân Vinh: Đây là một mảng mới trong 2021. Năm đầu tiên chúng tôi sẽ tập trung 2 vấn đề:
- Phát triển công nghệ: Vì làm ra rất nhiều sản phẩm, rõ ràng cần nhiều dây chuyền thiết bị sản xuất ra nhiều mặt hàng.
- Chọn điểm làm mô hình: Khi có mô hình hiệu quả, các khách hàng ở Nghệ An, TPHCM, hay Hà Nội thì rõ ràng tính lan tỏa, nhân rộng sẽ tốt hơn thay vì chỉ tập trung bán máy.
Rõ ràng thị trường này không phải mới trên thế giới nhưng mới ở Việt Nam, theo tôi tìm hiểu thì có 3 nguyên nhân: Công nghệ chế biến ở Việt Nam chưa có; Mô hình sản xuất để thể hiện rõ tính hiệu quả chưa có; Công ty để dẫn dắt thị trường chưa có.
Cho nên, chúng tôi lập một công ty dẫn dắt thị trường và làm ra dây chuyền công nghệ, làm ra các mô hình để chứng minh tính hiệu quả, không khác gì ngày xưa chúng tôi phải làm mô hình sản xuất gạch mới bán được máy sản xuất gạch. Quá trình để đưa một dây chuyền công nghệ hay một sáng chế vào thị trường mất thời gian.
* Sáng chế các sản phẩm từ chuối có vẻ là xu hướng mới nổi? Năm ngoái cũng có một startup làm dự án hộp đựng thực phẩm, đĩa dùng 1 lần từ lá chuối. Dù dự án gây tiếng vang và giành giải nhất một cuộc thi khởi nghiệp, nhưng sản phẩm ra thị trường sau đó không thấy…
Rất nhiều dự án rời rạc như vậy chứng tỏ có xu hướng tận dụng thân chuối để làm ra nhiều sản phẩm hữu ích. Nhiều người đã nhìn thấy cơ hội, nhưng không phải ai cũng dấn thân vào phát triển. Làm ra công nghệ không phải dễ và cần người có chuyên môn để làm. Bạn có thể có ý tưởng, có thể làm ra sản phẩm, nhưng dây chuyền máy móc nhập ở đâu? Ai làm ra dây chuyền máy móc đó?
* Theo anh, đâu là những khó khăn trong việc biến một ý tưởng sáng chế thành một sản phẩm thương mại?
Đầu tiên, phải đánh giá được tính khả thi của sáng chế đó, tính ứng dụng vào cuộc sống. Phải nhìn thấy được thị trường, xem liệu có xu hướng lớn của cả nước hay toàn cầu cho việc đó không.
Hai, về vốn và kỹ thuật. Làm một sáng chế, anh phải hiểu rất sâu về kỹ thuật, và phải đầu tư vốn dài hạn cho nó. Sáng chế phải làm 3 – 4 năm, thậm chí có người làm 10 năm mới ra sản phẩm, chứ không phải làm kiểu "một phát ăn ngay".
Một điểm rất khó nữa là các tư duy về kinh tế, kinh doanh, lại vừa là nhà sáng chế thì rất khó để hội tụ trong một người. Anh nghiên cứu có thể không làm thương mại hóa sản phẩm được. Anh giỏi thương mại hóa lại không thể nghiên cứu ra sản phẩm. Đó là rào cản rất khó cho một nhà khoa học có thể phát triển sáng chế đưa ra thị trường. Có thể sáng chế đi trước thời đại vì nó chưa có tính thời điểm.
Ba là nạn sao chép ở Việt Nam. Sản phẩm chúng tôi bị rất nhiều đơn vị sao chép, mà cũng khó kiện cáo vì tốn chi phí, thời gian, công sức. Họ sao chép thì mình dùng chiến lược khác, cải tiến liên tục sản phẩm để đi trước họ, hoặc chiến lược về hậu mãi, chăm sóc khách hàng tốt hơn.
Làm nghiên cứu phải bỏ ra rất nhiều tiền, thu lại thì chậm. Con đường đi chắc chắn nhưng để bùng nổ nhanh là khó.
Cho nên chúng tôi thành lập Abaca, là nơi ứng dụng các sáng chế, là mô hình của startup chứ không phải SMEs, để có thể kêu gọi vốn và phát triển bùng nổ hơn.
* Xin cảm ơn anh!
Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu là doanh nghiệp khoa học và công nghệ chuyên cung cấp các dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng không nung như: Gạch không nung, gạch terrazzo, gạch lát vỉa hè, gạch bê tông.
Năm 2016, công ty nhận giải thưởng cuộc thi Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức. Qua cuộc thi, Hồ Hoàn Cầu nhận 770 triệu đồng vốn tài trợ không hoàn lại, tài trợ về kỹ thuật cũng như con người, đội ngũ chuyên gia quốc tế và đào tạo, xuyên suốt quá trình Hồ Hoàn Cầu thực hiện dự án.
Bên cạnh lĩnh vực chính là sáng chế các dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, các kỹ sư tại Hồ Hoàn Cầu đã chế tạo thêm máy sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp, gần đây họ còn sáng chế cả máy trợ thở xách tay, vừa được Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp bằng độc quyền sáng chế số 20881w/SHTT-SC ngày 27/08/2021, với chi phí sản xuất chỉ 2 triệu đồng/máy.