Sau những phiên rung lắc trong biên độ hẹp, thị trường chứng khoán Việt Nam đã quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 8/3. Kết phiên, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.247,35 điểm, giảm hơn 21 điểm (1,66%) so với phiên trước. VN30-Index mất hơn 26 điểm (2,06%), còn 1.250,2 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng giảm 1,04 điểm để đóng cửa ở mức 236,32 điểm. Chỉ số Upcom-Index giảm 0,37 điểm để đóng cửa ở mức 91,23 điểm.
Cùng với đà giảm của thị trường, thanh khoản toàn thị trường cũng tăng vọt khi đạt hơn 35.800 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng sàn HoSE chiếm hơn 32.500 tỷ đồng, tăng gần 6.900 tỷ đồng so với phiên trước và là mức cao nhất trong hơn 6 tháng.
Trái ngược với đà lao dốc của thị trường chứng khoán Việt Nam, mã cổ phiếu HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô có phiên giao dịch tích cực khi ghi nhận tăng thêm gần 3% so với phiên liền trước để để đóng cửa ở mức giá 29.200đ/cổ phiếu. Đây là mức giá cao nhất của HDG kể từ đầu năm 2024. Không chỉ tăng về thị giá, thanh khoản của HDG cũng tăng vọt với gần 6 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay trị giá hơn 173 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với phiên liền trước.
Khối tài sản của đại gia Nguyễn Trọng Thông tăng mạnh trong ngày thị trường chứng khoán lao dốc
Đà tăng của cổ phiếu HDG không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông trong ngày thị trường đỏ lửa, mức tăng giá của cổ phiếu này cũng giúp khối tài sản trên sàn chứng khoán của Chủ tịch Nguyễn Trọng Thông ghi nhận tăng thêm gần 80 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường, kỹ sư 71 tuổi đang trực tiếp nắm giữ khối tài sản có giá trị 2.842 tỷ đồng.
Đi ngược với đà tăng giá của cổ phiếu HDG từ đầu năm 2024 đến nay, chỉ trong vòng 2 tháng qua, nhóm Dragon Capital đã bán hơn 17 triệu cổ phiếu HDG, tương ứng tỷ lệ 5,59%. Qua đó, nhóm quỹ "rồng xanh" không còn ngồi ghế cổ đông lớn tại Tập đoàn Hà Đô.
Sau phiên giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng giao dịch trong tuần tới, chuyên gia của công ty chứng khoán Vietcap dự báo chỉ số VN-Index có thể tiếp tục có quán tính giảm để kiểm định vùng hỗ trợ gần nhất quanh 1.240 điểm. Lực mua kỳ vọng sẽ được thúc đẩy từ vùng giá thấp để đối trọng lại áp lực bán. Nhiều khả năng VN-Index sẽ có sự hồi phục sau đó để kiểm định lại đường MA10 ngày tại 1.255 điểm, hiện đang đóng vai trò là kháng cự. Ở kịch bản tiêu cực nếu mốc 1.240 điểm tiếp tục bị vi phạm, VN-Index có thể sẽ thoái lui về vùng 1.125-1.130 điểm nơi có đường MA20 ngày.
Chuyên gia của công ty chứng khoán SHS nhận định dưới góc nhìn ngắn hạn, thị trường điều chỉnh mạnh trong phiên 8/3 sẽ thử thách động lực tăng ngắn hạn tiếp theo, thị trường đang vận động bất thường. Phiên 8/3 có thể xem là phiên test lại ngưỡng 1.250 điểm và chưa thể xác nhận đà tăng ngắn hạn kết thúc nếu VN-Index sớm hồi phục và vượt lên trên ngưỡng 1.250 điểm trong các phiên tới. Trong kịch bản này VN-Index vẫn có khả năng có thêm nhịp tăng hướng tới ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm. Tuy nhiên kể cả trong kịch bản này SHS không đánh giá cao khả năng VN-Index hình thành uptrend mạnh mẽ mà khả năng VN-Index sau khi kết thúc đà hưng phấn sẽ điều chỉnh trở lại trong kênh 1.150 điểm - 1.250 điểm bởi nền tảng tích lũy là cơ sở cho uptrend chưa đủ tin cậy.
Về góc nhìn trung hạn dù VN-Index đang trong nhịp tăng mạnh nhưng nhịp tăng không hình thành trên nền tích lũy đủ dài và tin cậy do đó khả năng VN-Index điều chỉnh trở lại và vận động trong kênh tích lũy 1.150-1.250 là kịch bản dễ xảy ra.
Chuyên gia của công ty chứng khoán SSI nhận định VN-Index thêm lần nữa đảo chiều từ vùng 1.270 và đánh mất vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.260. Các chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX có sự điều chỉnh từ vùng tích cực thể hiện thể hiện xu hướng giảm đã xác lập ở VN-Index với mục tiêu vùng 1.233 - 1.237.