MoMo lần đầu tiên có lãi trong cả năm 2024 nhờ tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi, theo DealStreetAsia.
Như vậy, sau 15 năm phải cạnh tranh với hàng loạt đối thủ để vươn lên vị trí dẫn đầu, MoMo đã tiến đến giai đoạn mới.

Từ ví điện tử từng bị hoài nghi đến siêu ứng dụng
Cuối năm 2010, tại khách sạn Melia Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Tường – đại diện cho nhóm sáng lập, lần đầu giới thiệu về ví điện tử MoMo, được điều hành bởi CTCP Dịch vụ di động trực tuyến (M-Service), với các chức năng chuyển tiền, nạp tiền điện thoại và thanh toán hóa đơn.
Ở thời điểm đó, đây là một ý tưởng táo bạo vì khái niệm thanh toán không tiền mặt, thanh toán di động vẫn còn xa lạ với đại đa số người dân – những người chỉ quen dùng tiền mặt, kể cả việc dùng thẻ ngân hàng cũng hạn chế. MoMo lúc đó bị hoài nghi về khả năng phát triển, thậm chí bị xem là một "canh bạc nhiều rủi ro".
Sau nhiều lần thử nghiệm, cải tiến các phiên bản, thậm chí liên kết thử nghiệm với ngân hàng Vietcombank để thanh toán thay tiền mặt ở một số địa điểm, ví điện tử thử nghiệm này vẫn chìm nghỉm giữa một 'rừng' ứng dụng.
Năm 2016, nhận thấy tiềm năng của MoMo, Standard Chartered Private Equity và Goldman Sachs quyết định rót 28 triệu USD vào startup này — một khoản đầu tư thuộc hàng "khủng" đối với thị trường khởi nghiệp Việt Nam thời điểm đó.
Có thêm nguồn vốn, MoMo phần nào giải tỏa được áp lực tồn tại, có thêm thời gian để củng cố hệ sinh thái sản phẩm và tiếp tục hoàn thiện chiến lược thu hút, phát triển người dùng.
Thời điểm đó, nhiều ví điện tử khác cũng có mặt trên thị trường như Zalopay, Moca, Airpay, VNPT Pay, ViettelPay… cùng MoMo tham gia vào quá trình "educate" thị trường, tạo cho một thói quen thanh toán mới. Thêm vào đó, từ cuối năm 2016, khi Chính phủ ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020, loại hình thanh toán này đã bắt đầu được sử dụng nhiều hơn.
Cục diện xoay chiều từ năm 2018 khi MoMo tăng trưởng thần tốc về số lượng người dùng. Năm 2019, ví điện tử đạt 10 triệu người dùng, tháng 9/2020 đạt mốc 20 triệu người dùng, đầu năm 2022 cán mốc 31 triệu người dùng và thu hút 10 triệu người sử dụng dịch vụ tài chính, bảo hiểm – theo các công bố của MoMo.
Từ ví điện tử, nền tảng chuyển mình thành siêu ứng dụng tài chính với 50.000 đối tác, hơn 70 ngân hàng và tổ chức tài chính, 300.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc. 2,5 triệu người dùng thanh toán qua MoMo cho hơn 90% dịch vụ hành chính công.
Không còn là dịch vụ chuyển tiền, thanh toán hóa đơn cơ bản của ví điện tử, MoMo bước vào hành trình trở thành "siêu ứng dụng" trên di động. Người dùng có thể tìm thấy mọi nhu cầu như mua vé xem phim, du lịch, bảo hiểm, giải trí, dịch vụ công...
Cuộc đua "đốt tiền" và 15 năm gồng lỗ

Tính đến năm 2019, tại Việt Nam có khoảng 30 ứng dụng ví điện tử được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động, cùng thời và cạnh tranh trực tiếp hoặc gián tiếp với MoMo.
Giai đoạn 2019–2021 được xem là cao trào của cuộc đua "đốt tiền" giành thị phần trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam. Cuộc đua này lấy đi nhiều tên tuổi lớn trên thị trường hoặc buộc họ phải chuyển đổi hoạt động như Moca, Vimo…
MoMo dù vượt lên các đối thủ để trở thành ví điện tử lớn nhất Việt Nam, chiếm tới 68%, nhưng cũng đối diện áp lực tài chính đáng kể. Theo số liệu từ Vietdata, MoMo liên tục thua lỗ với khoản lỗ ròng 2 năm 2022-2023 lên tới 1.150 và 287 tỷ đồng.
Trong giai đoạn này, doanh thu của M-Service tăng trưởng hơn 10% mỗi năm, đạt hơn 9.400 tỷ đồng vào năm 2023. Mặc dù vẫn ghi nhận lỗ ròng nhưng con số này đã giảm gần 4 lần so với kỳ trước, cho thấy hiệu quả tài chính đang được cải thiện đáng kể.
Tháng 10 năm ngoái, MoMo tái định vị thương hiệu khi giới thiệu mình là siêu ứng dụng tài chính tích hợp công nghệ AI.
MoMo đang hướng đến phục vụ nhóm khách hàng chưa hiểu biết về tài chính cá nhân. Theo ông Tường, nhóm khách hàng này chiếm tới 70% người Việt trưởng thành và chưa biết cách quản lý tiền bạc.
Tại sự kiện Saigon Summit do Tech in Asia giữa năm ngoái, CEO MoMo cũng cho biết chiến lược mới của họ đang cho thấy hiệu quả và công ty đang tiến gần tới ngưỡng có lãi.
Kế hoạch IPO
Đầu năm 2025, giới khởi nghiệp lan truyền thông tin M-Service dự kiến niêm yết ở nước ngoài, sớm nhất là cuối năm nay.
Cụ thể, một nguồn tin cho biết CTCP Dịch vụ di động trực tuyến (M-Service) có thể huy động khoảng 10% giá trị định giá từ đợt chào bán công khai ban đầu, có thể diễn ra tại Singapore hoặc Mỹ. Theo một số thông tin không chính thức, M-Service ước tính định giá doanh nghiệp lên tới 3 tỷ USD.
Trước đó, định giá của M-Service đã vượt ngưỡng 2 tỷ USD trong vòng gọi vốn Series E vào tháng 12/2021, khi công ty huy động được 200 triệu USD, chính thức trở thành "kỳ lân" công nghệ.
Sau vòng gọi vốn này, đại diện MoMo từng chia sẻ với truyền thông rằng IPO là mục tiêu dài hạn, tuy nhiên chưa ấn định thời gian cụ thể.