Kỹ năng sống

Kinh nghiệm từ dân văn phòng kiếm thêm vài triệu từ chứng khoán: Có nguyên tắc riêng để không cháy sạch tài khoản

Không ngại thua lỗ vì đầu tư chứng khoán

Kim Ngân (SN 2002, nhân viên ngành Marketing) bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán vào cuối năm 2021. Trước khi trở thành "chứng sĩ", Ngân đã có số vốn là 50 triệu đồng - một khoản tiền được cô nàng tích lũy trong 1 năm. Khi đó, cô đang là sinh viên trường Kinh tế, cũng như tham gia một số hội nhóm về chứng khoán để cập nhật tin tức.

Những ngày đầu tiên, Kim Ngân tham gia thị trường chứng khoán với tâm lý tích cực. Cô nàng mua khá nhiều cổ phiếu được đám đông hoặc bạn bè hô hào là "ngon", "lời x2". Tuy nhiên, "ngày vui ngắn chẳng tày gang", chỉ sau khoảng một vài tháng hưng phấn thì cô nàng đã bắt đầu có những khoản lỗ. Đỉnh điểm là Kim Ngân lỗ mất 20 triệu đồng khi đầu tư chứng khoán cùng bạn.

Sau trải nghiệm này, Kim Ngân đã tắt app chứng khoán, nghỉ ngơi một thời gian. Cô nàng nhận ra khi chưa có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán mà vội vã chạy theo đám đông thì khả năng thua lỗ rất cao.

Kinh nghiệm từ dân văn phòng kiếm thêm vài triệu từ chứng khoán: Có nguyên tắc riêng để không cháy sạch tài khoản- Ảnh 1.

Một trong những lần đầu tư thua lỗ của Kim Ngân (Ảnh: NVCC)

Kim Ngân đã quay lại thị trường chứng khoán từ tháng 9/2023. Cô nàng cho rằng từ đây đến năm 2025 là giai đoạn đẹp để đầu tư chứng khoán. Bởi lúc này mọi người có thể mua được nhiều sản phẩm với mức giá hợp lý mà còn đa dạng hình thức là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ mở và ETF… Trong ngân sách đầu tư, cô chia 30% dành cho chứng chỉ quỹ cổ phiếu, 10% quỹ trái phiếu và 60% là các mã cổ phiếu. 

"Chắc là thời điểm hiện tại, khi mình cũng đã trải qua 2 năm và được anh chị đồng nghiệp, bạn bè hướng dẫn thêm nhiều kiến thức, bản thân mình đã có kỹ năng phân tích và tâm lý vững vàng hơn. Hiện tại mình đang lời khoảng 22% trên danh mục đầu tư", cô nàng nói.

Tương tự Kim Ngân, Phan Thành (SN 2000, Hà Nội) cũng nhận về nhiều bài học "vỡ lòng" cay đắng sau khi bắt đầu chơi chứng khoán vào đầu năm 2021. Trong giai đoạn đầu tham gia thị trường, đỉnh điểm anh chàng thu được khoản lời 20% chỉ sau 2-3 tháng. Thời điểm đó, Phan Thành cũng "chịu chi", khi dành đến hơn 30% số tiền tiết kiệm vào sàn chứng khoán. Hầu hết mã chứng khoán đều được anh chàng mua vào sau khi nghe theo phím hàng nằm vùng trong các hội nhóm về đầu tư.

"Tuy nhiên, đời không như là mơ. Mình cứ ngỡ chứng khoán sẽ cứ đi lên cho đến một ngày VN-Index bốc hơi sâu 46 điểm, rồi giảm tiếp gần 70 điểm. Từ đó, mình cứ thua dần, cũng muốn chốt lỗ nhưng không tìm được thời gian phù hợp để bán. Có thời điểm, mình thua lỗ lên đến hơn 40% và cao nhất là gồng lỗ 30 triệu đồng, tức 2 tháng lương. Bài học đó như cái tát để mình tỉnh táo hơn, không còn bị 'nghiện' kiếm lời nhanh và choáng ngợp trước các lời dụ dỗ mua mã trong các hội nhóm", anh chàng chia sẻ.

Sau lần mất trắng 30 triệu đồng, Phan Thành đã chuyển sang đầu tư hết cổ phiếu dài hạn và chứng chỉ quỹ để phòng ngừa rủi ro. Anh chàng chỉ lướt sóng trong điều kiện nhìn thấy tiềm năng chắc chắn của thị trường.

"Quan điểm của mình là giờ không còn hy vọng làm giàu từ chứng khoán mà chỉ coi chúng là khoản gia tăng thu nhập thôi. Thêm nữa, mình nghĩ khi đầu tư chứng khoán thì cần có mục tiêu. Ví dụ, trước khi mua cổ phiếu thì hãy đặt ra quy tắc lỗ 10-15% thì phải cắt lỗ ngay. Nếu cứ chờ đợi ngày về bờ thì có ngày mất hết, thậm chí còn phải mang nợ".

Một trường hợp khác, Hồng Diễm (SN 1998, làm trong lĩnh vực truyền thông) bắt đầu đầu tư từ năm cuối đại học nhờ đi làm việc bán thời gian tại một công ty về đầu tư tài chính. Từ đó, cô bạn nhận thức được việc cần phải học đầu tư tài chính.

Hiện tại Hồng Diễm đang đầu tư vào cổ phiếu phổ thông và chứng quyền. Phần lớn vốn khoảng 80%, cô bạn sẽ để đầu tư dài hạn, nhưng đôi khi vẫn lướt sóng trong điều kiện thị trường hoặc cổ phiếu có xu hướng tốt. Cô nàng chia sẻ: "Quan điểm của mình là để tiền đẻ ra tiền nên không muốn tốn nhiều thời gian vào việc nghe ngóng tin tức và đặt lệnh. Mục tiêu là có tiền lãi hơn mức lãi suất khi gửi tiết kiệm ngân hàng. Do vậy, đầu tư dài hạn sẽ phù hợp với mình hơn".

Kinh nghiệm từ dân văn phòng kiếm thêm vài triệu từ chứng khoán: Có nguyên tắc riêng để không cháy sạch tài khoản- Ảnh 2.

Hồng Diễm (Ảnh: NVCC)

Lời khuyên không "cháy sạch" tài khoản

Hồng Diễm chia sẻ bản thân từng chốt lời và cắt lỗ nhiều nên sau đó đã rút ra một số bài học cho đầu tư chứng khoán. Đó là:

- Phải biết cách quản trị bản thân và quản trị vốn: Lời không bị hưng phấn, lỗ không bị buồn, vì nó có thể ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư sau đó của bạn nhưng đây là bài học rất khó học với người trẻ. Vốn chưa nhiều, đầu tư chỉ được vài mã, dễ rơi vào tình trạng "được ăn cả, ngã về không".

- Phân bổ nguồn vốn phù hợp để tối ưu hóa được khoản đầu tư: Hạn chế việc những mã lời không đủ để bù lại cho những mã bị lỗ.

- Không cho hết trứng vào một giỏ, đầu tư đa dạng hóa danh mục: Những khoản đầu tư rủi ro cao hơn như chứng quyền thì nên vào 1 lượng mình chấp nhận có thể bị mất hết

- Nhìn dài hạn: Cái gì cũng cần phải đi học, đặc biệt là việc đầu tư tại nó dính dáng tới tiền bạc.

Còn về phía Kim Ngân, sau bài học thua lỗ trên thị trường, cô nàng đã đầu tư chứng khoán cẩn thân hơn. Kim Ngân chia sẻ kinh nghiệm đầu tư để tránh thua lỗ: "Nguyên tắc của mình là thận trọng, phân bổ danh mục đa dạng và tránh FOMO theo đám đông. Mình thường tham khảo thêm ý kiến của các đồng nghiệp trước khi quyết định mua mới hay chốt lời/cắt lỗ. Và mình đang mua một số mã cổ phiếu từ các doanh nghiệp niêm yết uy tín là HPG, PNJ, HSG, DXG.

Ngoài ra, khi đầu tư chứng khoán thì mình luôn đặt mục tiêu để kỷ luật bản thân. Tức là khi mình có mức lãi 20 - 25% từ danh mục đầu tư thì sẽ chốt lãi và đợi thời điểm mua mới thích hợp hơn. Và mình xác định rõ: Mục tiêu chơi chứng khoán hiện tại là tích lũy tài sản, đồng thời có thêm một phần kiến thức về thị trường tài chính để phục vụ công việc tốt hơn."

Bên cạnh đó, cô nàng không còn "all-in" vào chứng khoán để tránh thua lỗ. Cụ thể, hiện cô nàng đang chia thu nhập hàng tháng theo nguyên tắc 50 - 30 - 20. Theo đó 50% thu nhập dành cho những thứ cần thiết cho cuộc sống như nhà cửa, ăn uống, điện nước…; 30% cho những thứ yêu thích khác như du lịch, mua sắm, giải trí, học tập; 20% cho mục tiêu tài chính gồm gửi tiết kiệm và đầu tư.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm